Theo truyền thông Nga, bản danh sách đen mà Nga mới đưa ra gồm tên của 89 quan chức, nhà ngoại giao các quốc gia thành viên EU. Ngoài tên, EU không nhận được thêm bất cứ một thông tin nào khác từ Moscow.
Động thái này của Nga đã khiến châu Âu vô cùng tức giận và đã ngay lập tức có những lời lẽ lên án.
Hãng tin Nga TASS dẫn tuyên bố của cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) chỉ trích:
"Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào về cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn và quy trình đưa ra quyết định này. Chúng tôi coi đây là việc làm hoàn toàn tùy tiện và phi lý, đặc biệt là khi không có bất cứ sự minh bạch hay giải thích rõ ràng nào".
Nhiều quốc gia thành viên EU cũng bày tỏ bức xúc, yêu cầu Nga phải đưa ra lời giải thích.
Theo Berlin, họ đã "liên hệ với Moscow" và "yêu cầu minh bạch" trong việc giải quyết vấn đề này, bởi những người bị nêu tên có quyền được biết lý do.
Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Bogdan Borusewicz thì cho rằng, cần phải "bình tĩnh nhưng thật kiên quyết yêu cầu một lời giải thích từ phía Moscow".
Đồng thời, ông cũng cho hay Ba Lan sẽ xem xét lệnh trừng phạt mới và thiết lập một bản danh sách đen với quan chức Nga nhằm đáp trả động thái trên.
Về phần mình, Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini cho hay, bản danh sách đen mà Nga mới đưa ra không phải là điều gì bất ngờ.
"Động thái của Nga đã được tiên liệu trước, và nó không nên bị làm quá lên".
Theo ông Soini, vấn đề này chưa từng được các Ngoại trưởng EU thảo luận, cũng chưa được phía Nga thảo luận với Phần Lan, song nó không phải là điều khiến cho các đại diện của EU phải nhóm họp khẩn.
Ông Soini tin rằng, bản danh sách cấm nhập cảnh mà Nga đưa ra có liên quan tới các cuộc thảo luận của EU về việc nới rộng trừng phạt nhằm vào Moscow.
Ông nhấn mạnh "số phận của các lệnh trừng phạt phụ thuộc vào diễn biến tình hình Ukraine... Tôi không muốn là một kẻ bi quan, nhưng xem xét tình hình, khó có thể lạc quan được".
Theo báo Phần Lan Helsingin Sanomat, thành viên Nghị viện châu Âu Heidi Hautala, người Phần Lan, cũng có tên trong bản danh sách này.