El Nino chính trị thế giới: Thôi thì ở lại!

Hà Văn Thịnh |

Các động cơ ẩn sâu sau các mĩ từ là Nga hay bất cứ cường quốc nào thì cũng đều muốn xung đột, mâu thuẫn luôn được duy trì – tương tự với cách tiêu diệt IS càng… lâu, càng có… lí!

Hôm nay tại Paris, Pháp, sẽ khai mạc Hội nghị Toàn cầu về Biến đổi khí hậu. Tham gia Hội nghị ước tính có 150 nhà lãnh đạo thế giới với mục tiêu rất cụ thể: Tìm giải pháp hiệu quả để, sao cho, trái đất không nóng quá… 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (!).

Các vị nguyên thủ đến nước Pháp để họp bàn về khí hậu địa cầu đang ngày một nóng lên nhưng dường như lại “quên” mất rằng, quan hệ quốc tế trong tháng 11.2015 đã nóng lên chưa từng có, kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh (12.1989).


Tác giả Hà Văn Thịnh

Tác giả Hà Văn Thịnh

Theo các nhà bình luận (tiêu biểu nhất là GS Stephen Cohen, ĐH New York), thì vụ máy bay chở khách của Nga rơi do đánh bom khủng bố, vụ khủng bố đẫm máu ở Paris cùng vụ Thổ Nhĩ Kì bắn hạ Su-24 của Nga đã làm gió xoay chiều và biến đổi căn bản cục diện chính trị thế giới(?!).

Căn cứ của những nhận định trên là vai trò của Mỹ trên bàn cờ chính trị thế giới đã suy giảm, vị thế của Nga đang tăng lên, căng thẳng tột độ trong quan hệ Nga – Thổ cũng như sự khó lường, đầy bất trắc trong quan hệ quốc tế hiện nay…

Tất cả những đan xen đầy tầng lớp đó đã làm cho Pháp xích lại gần Nga hơn và Nga đang cố tìm một biện pháp trả đũa đủ mạnh, vừa không bị mất mặt lại vừa vẫn giữ được vị thế cần thiết trong tương lai.

Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để khẳng định gió xoay chiều (quan trọng hơn là chiều nào?) bởi các “phép thử” do các cường quốc và các đối thủ đưa ra đã làm cho các El Nino chính trị nóng bất thường đến mức thật khó lường.


Nga và Pháp xích lại gần nhau hơn sau hàng loạt các hành động của khủng bố.

Nga và Pháp xích lại gần nhau hơn sau hàng loạt các hành động của khủng bố.

Như người Mỹ vẫn thường nói, “vấn đề là tiền” (lợi ích kinh tế, địa chiến lược) chi phối gần như toàn bộ bàn cờ thế giới.

Xung đột Nga - Thổ về quyền lợi trong vấn đề Syria đã nóng hơn.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí sắc lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ rất nặng về kinh tế: Cấm nhập khẩu hàng hóa từ Thổ, cấm các công dân Thổ làm việc trong các công ty của Nga, cấm tất cả các chuyến bay thương mại, cấm các công ty Thổ kinh doanh tại Nga…

Chỉ cần nhấn mạnh rằng hàng năm có 3 triệu người Nga đến Thổ du lịch và 200.000 công dân Thổ (và gia đình họ) đang làm việc, sinh sống tại Nga, đủ để biết đòn trừng phạt này ghê gớm đến mức nào.

Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi là, tại sao Nga trừng phạt Thổ rất nặng nhưng lại không hề động chạm gì đến việc tiếp tục cung cấp dầu khí (80% dầu khí nhập khẩu của Thổ là từ… Nga)?

Câu hỏi lớn nhất - và nhiều hệ lụy nhất, là tại sao, gần như ngay lập tức, một số chính khách Mỹ và Đức đề nghị việc ‘xem xét” khai trừ Thổ ra khỏi NATO?.

Nếu việc khai trừ này diễn ra trên thực tế, chẳng khác gì NATO đem 'con" là nước Thổ bỏ ngoài “chợ” Siberia cho "móng vuốt" gấu Nga.

Hàng loạt các câu hỏi, hầu hết rất khó trả lời, buộc loài người phải cố mà hiểu là có vô số sóng ngầm lợi ích đang sục sôi xung quanh các sự cố - chính xác phải gọi là các đòn thử về chính trị.

Người Nga đang hậu thuẫn cho chính phủ đương nhiệm ở Syria, phương Tây làm ngược lại, ủng hộ cho lực lượng nổi dậy.

Thổ Nhĩ Kỹ, đương nhiên là phương Tây (NATO) cho dù nói vậy mà không phải vậy: Thổ có thể là thành viên NATO, đá bóng trong UEFA nhưng chẳng phải là thành viên… EU(!).

Cái nỗi đau “khu 4 đẩy ra, khu 3 đẩy vào” đó của Thổ kéo dài suốt mấy chục năm nay, phải chăng đây là lúc Thổ quyết rút lá bài cuối cùng của canh bạc mà chính trị - kinh tế - quân sự đang chồng chéo lên nhau?.


Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vì lý do vi phạm không phận.

Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vì lý do "vi phạm không phận".

Trong mọi nước đi quyền lực của bàn cờ chính trị hiện đại, bao giờ cũng có bóng dáng lịch sử “dòm ngó”.

Thổ, với vị thế hàng trăm năm của đế quốc Ottoman lừng lẫy, từng có thời bắt cả châu Âu phải phủ phục dưới chân (tính từ khi Hoàng đế Suleyman đăng quang năm 1520, lãnh thổ từ Hungary đến Ba Tư, kéo dài đến 1918), đâu dễ gì chịu để cho Nga làm mưa làm gió ngay trước sân nhà?.

Sự bí ẩn của lịch sử cùng vô số âm mưu đen tối của nó, khiến người ta phải đặt thêm câu hỏi nữa: Khi Tổng thống Erdogan kiên quyết không xin lỗi, phải chăng đồng nghĩa rằng Thổ bắn hạ Su-24 Nga là có chủ định rõ ràng về chủ quyền và, chắc gì Thổ làm mà không tham vấn ý kiến từ “ai” đó?.

Không một cường quốc lớn và trung bình nào chấp nhận việc Nga sáp nhập xong Crimea, giờ lại tiếp tục ngang dọc khắp vùng Trung Đông - địa bàn chiến lược của mọi thời đại suốt 3.000 năm qua.

Nước Pháp dẫu có muốn đi với Nga gần hơn chút nữa, cũng không thể nào đi quá giới hạn của NATO, EU. Những ràng buộc đó có từ năm 1949 (NATO) và 1951 (ECSC - Cộng đồng Than Thép châu Âu, tiền thân của EU).

Mặt khác, cái cách “giả định” về việc “khai trừ” Thổ ra khỏi NATO đâu phải là chuyện dễ dàng, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ xảy ra.

Đó là cách đãi bôi để xoa dịu cơn nóng giận của gấu Nga, đồng thời đặt lại nước Nga vào đúng chỗ của nó. Gây chiến với Thổ là đụng đến toàn bộ NATO!

Tất cả những diễn biến ở trên, dẫu phức tạp đến đâu, cũng có một kết luận rất gần với sự rõ ràng: Các động cơ ẩn sâu sau các mĩ từ là Nga hay cường quốc nào thì cũng đều muốn xung đột, mâu thuẫn luôn được duy trì – tương tự với cách tiêu diệt IS càng… lâu, càng có… lí!.

Nếu mọi mâu thuẫn đều được giải quyết chóng vánh thì làm sao kích thích sức mua vũ khí; nếu không còn những nguyên nhân gây tai họa thì lấy cái gì để tạo cớ cho sự… ở lại?.

Aziz Nesin (1915-1995), nhà văn Thổ nổi tiếng, bậc thầy về chuyện châm biếm có câu chuyện nổi tiếng "Thôi thì ở lại!:

Hiểu theo ngôn ngữ của Nesin, cái El Nino chính trị muôn đời chẳng thể nào bớt nóng đi, trái lại, ngày càng diễn ra dồn dập và phức tạp hơn.

El Nino chính trị ư, thôi thì ở lại!

* Bài viết thể hiện quan đểm riêng của tác giả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại