Tại sao Mỹ đột nhiên cứng rắn hơn hẳn trên Biển Đông?

Đức Huy |

Trang tin tiếng Trung Đa Chiều (Duowei News) phân tích, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt Mỹ vào một vị trí hết sức thuận lợi trong chiến lược "xoay trục châu Á" của mình.

Theo Đa Chiều, với những động thái gần đây, Mỹ đang chứng minh cho thế giới thấy nước này đã sẵn sàng hành động để đối phó với những động thái bành trướng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngay trước chuyến công du của Ngoại trưởng John Kerry tới Bắc Kinh cuối tuần trước, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ cân nhắc việc điều động máy bay và tàu quân sự để đảm bảo "quyền tự do đi lại" trên hải phận Biển Đông.

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã không ít lần trình lên Thượng viện dự thảo điều động máy bay và tàu chiến tiếp cận khu vực bán kính 12 hải lý quanh các đảo đá Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Tuần trước, Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã khẳng định trước Quốc hội Mỹ rằng họ sẽ "cương quyết bảo vệ quyền lợi và an ninh quốc gia, cũng như tôn trọng cam kết với các đồng minh tại châu Á - TBD".

Theo ông Russel, Trung Quốc đã và đang "thay đổi hiện trạng" tại Biển Đông với các hoạt động lấn chiếm và cải tạo đất phi pháp của mình. Nhưng ông cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ không đạt được mục đích của mình.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ
Daniel Russel
Trung Quốc có đổ bao nhiêu cát lên đá chìm đi nữa thì cũng không đủ để 'mua' lấy chủ quyền hợp pháp.

"Có thế nào thì Mỹ cũng không bị thiệt"

Theo phân tích của Đa Chiều, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ bỗng dưng thay đổi hoàn toàn chính sách tại Biển Đông, từ những tuyên bố hay cảnh cáo trở thành những hành động cụ thể. Đây thực ra là bước tiếp theo của một chiến lược đã được chuẩn bị từ lâu.

Báo này cho rằng, Mỹ từ lâu đã áp dụng các thủ thuật nhằm "khích tướng" Trung Quốc tại Biển Đông. Nay đến khi thời cơ đã "chín muồi", Washington nhận thấy đã đến lúc họ tăng cường hiện diện tại khu vực này.

Như phân tích của The Diplomat được chúng tôi đăng tải vài ngày trước, việc công khai đối đầu với Trung Quốc sẽ giúp Mỹ tạo được hình ảnh một cường quốc không chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế mà còn sẵn sàng hành động để áp đặt những quy chuẩn đó.

Hôm nay, Đa Chiều lại tiến xa hơn một bước. Báo này cho rằng dù tình hình Biển Đông có diễn biến ra sao thì Mỹ cũng không phải chịu thiệt. Theo họ, đó chính là lý do tại sao Mỹ đang tỏ ra hết sức cứng rắn trong thời gian gần đây.

Báo này dẫn một ví dụ điển hình cho sự thay đổi này của Mỹ.

Tháng trước, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã "mời" người đồng nhiệm Mỹ là Jonathan Greenert sử dụng hạ tầng cơ sở do Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông vào các hoạt động nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn trong tương lai.

Đô đốc Ngô Thắng Lợi và Đô đốc Johnathan Greenert. Ảnh: Reuters
Đô đốc Ngô Thắng Lợi và Đô đốc Johnathan Greenert. Ảnh: Reuters

Ông Ngô thậm chí còn "mở ngoặc" rằng những gì Bắc Kinh đang làm "không ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại" ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thẳng thừng từ chối nước đi mang tính mua chuộc này của Trung Quốc, đồng thời dội một gáo nước lạnh lên chính quyền Bắc Kinh bằng lời cảnh báo Trung Quốc dừng ngay các hành động gây bất ổn trong khu vực.

Mặt khác, Mỹ cũng đang nâng cao thấy rõ tần suất cũng như cường độ các cuộc tập trận trên biển với đồng minh Philippines.

Thậm chí, Washington còn đang lôi kéo cả Nhật Bản tham gia vào chiến dịch chế ngự Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo một số báo cáo Đa Chiều thu thập được, Tokyo đang có ý định điều động máy bay trinh sát và tàu ngầm xuống phía nam để hỗ trợ Mỹ, dù trên lý thuyết Nhật Bản không hề có liên quan gì tới Biển Đông.

Báo này khẳng định, Washington đã nhận ra rằng chỉ dùng lời lẽ với Bắc Kinh không thôi là chưa đủ để chế ngự những hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và đang tận dụng tối đa các mối quan hệ trong khu vực để gây áp lực lên Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đa Chiều cũng cho rằng, mục tiêu mà Mỹ gọi là "tái cân bằng quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương" thực chất chỉ là một cách nói tránh cho việc Mỹ chiếm ảnh hưởng của Trung Quốc và trở thành thế lực số một tại khu vực.

Nói cách khác, không có cái gọi là "cân bằng quyền lực châu Á - Thái Bình Dương". Bản chất khái niệm này, theo Đa Chiều, không thể tồn tại.

Đa Chiều: Bản chất khái niệm cân bằng quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương không thể tồn tại. Ảnh: AP
Đa Chiều: "Bản chất khái niệm cân bằng quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương không thể tồn tại". Ảnh: AP

Tóm lại, báo này khẳng định, dù tình hình Biển Đông có diễn tiến thế nào, thì Mỹ vẫn sẽ ở vị trí thuận lợi nhất.

Nếu tình hình quá căng thẳng, Mỹ hoàn toàn có thể rút khỏi điểm nóng và "tọa sơn quan hổ đấu". Nhưng trước mắt, khi mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, chế ngự Trung Quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu của bộ máy chính quyền Washington.

<< "Lằn ranh nguy hiểm" trên Biển Đông mà cả Mỹ lẫn TQ đều sợ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại