Có hay không một âm mưu "phá Trung Đông, đẩy giá dầu" của Nga?

Đức Huy |

Trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest, tác giả Paul Saunders đã phân tích cái gọi là âm mưu "phá Trung Đông, đẩy giá dầu" mà Nga vẫn bị cho là đang thực hiện.

Nga gây bất ổn tại Trung Đông bằng biện pháp chính trị hoặc quân sự,, tạo cảm giác bất an tại nơi trữ lượng dầu mỏ lớn nhất hành tinh, dẫn đến giá dầu tăng.

Đây là một quan điểm tương đối phổ biến trong giới nghiên cứu cũng như các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, nhất là sau khi Moscow can thiệp quân sự tại Syria. Tỉ phú - nhà đầu tư dầu mỏ T. Boone Pickens là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ lập trường này.

Nhưng liệu những nhà hoạch định chính sách của Nga có nghĩ như vậy?

Giá dầu quan trọng, nhưng không phải tất cả

Theo chuyên gia Paul Saunders, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu vì Lợi ích Quốc gia Mỹ (CFTNI), việc lãnh đạo Nga quan tâm đến giá dầu là điều không phải bàn cãi.

Giá dầu và đồng rúp luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, ngân sách quốc gia của Nga cũng phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu.


Giá dầu giảm, đồng rúp cũng mất giá theo.

Giá dầu giảm, đồng rúp cũng mất giá theo.

Dưới áp lực kinh tế suy thoái do giá dầu giảm mạnh, Nga và đang thúc đẩy đàm phán với Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu khác giảm lượng dầu khai thác, nhằm bình ổn và thậm chí đẩy cao giá dầu.

Theo chuyên gia Saunders, nếu ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Nga là tăng giá dầu, thì rõ ràng Moscow sẽ tìm cách gây bất ổn Trung Đông, tạo ra những rủi ro trong việc khai thác và xử lý dầu, qua đó gây áp lực đẩy cao giá dầu.

Nhưng có thể thấy, đây không phải là những gì đang diễn ra.

Ông Saunders nhận định, nếu Nga thực sự muốn tạo hiệu ứng tăng giá dầu, họ có thể làm được điều đó bằng nhiều cách khác nhau. Một phương án là đẩy mạnh hỗ trợ quân chính phủ Bashar al-Assad nhằm dẫn tới thắng lợi hoàn toàn trước phe nổi dậy.

Nếu Moscow thực sự tính đến lựa chọn này, thì Saudi Arabia và các thế lực ủng hộ phe đối lập tại Syria cũng sẽ bị cuốn vào giao tranh, khiến Trung Đông càng trở nên bất ổn hơn.

Điều đó sẽ dễ dẫn đến giá dầu tăng hơn hẳn so với những gì Nga đang làm hiện nay, đó là rút bớt quân, tập trung đánh IS, và thúc đẩy đàm phán.

Bên cạnh đó, theo ông Saunders, một trong những phản biện hiệu quả nhất cho lập trường cho rằng Nga muốn "phá Trung Đông, đẩy giá dầu" là thỏa thuận hạt nhân Iran mới được kí kết năm ngoái, với tên viết tắt JPCOA.

Nếu như tăng giá dầu là mục tiêu hàng đầu của Nga khi đàm phán với Iran, quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, thì tại sao Nga lại cố thúc đẩy JPCOA làm gì?

Nhìn từ quan điểm Moscow, sẽ hợp lý hơn rất nhiều nếu họ cố ngăn chặn thỏa thuận này, và quan sát Washington-Tehran đối đầu trực diện.

Mặt khác, Nga cũng đã có thể chấp nhận đề xuất của phương Tây tăng cường trừng phạt ngành công nghiệp năng lượng Iran, qua đó thêm phần hạn chế nguồn cung cấp dầu từ Tehran.

Một phương án khác, Moscow cũng đã có thể trì hoãn đối thoại, và hi vọng điều đó sẽ giúp tạo ra một sự bất an đủ để khiến giá dầu tăng.

Nhưng trong khi kinh tế Nga đang khổ sở vì giá dầu thấp, Tổng thống Putin vẫn quyết định gạt sang một bên tất cả các phương án nói trên, để ủng hộ một thỏa thuận khiến giá dầu thậm chí còn giảm hơn.

Nói đi cũng phải nói lại, các phương án trên sẽ khiến Nga thêm phần chia rẽ với không chỉ Mỹ và EU, mà còn cả Trung Quốc, một thành viên khác của P5+1. Có những ý kiến cho rằng, nếu cái giá phải trả về mặt ngoại giao thấp hơn, thì Nga có lẽ đã chọn một trong các phương án trên.

Nhưng lý lẽ như vậy, theo ông Saunders, cũng vẫn chưa đủ thuyết phục.

Lật lại lịch sử, vào năm 2003, khi Mỹ xâm lược Iraq, nếu Moscow thật sự muốn giá dầu leo thang mà không quan tâm đến những hậu quả của chiến tranh, thì điện Kremlin hoàn toàn có thể làm ngơ, mặc cho Washington muốn làm gì thì làm.

Nhưng thay vào đó, ông Putin vẫn quyết định bắt tay với Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Pháp Jacques Chirac để ngăn chặn George W. Bush.


Bộ ba (từ trái sang) Chirac-Putin-Schroeder là những lãnh đạo phản đối mạnh mẽ nhất cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq. Ảnh: Getty

Bộ ba (từ trái sang) Chirac-Putin-Schroeder là những lãnh đạo phản đối mạnh mẽ nhất cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq. Ảnh: Getty

Vậy còn Libya?

Một dẫn chứng mà tỉ phú Boone Pickens cũng như những người cùng chung quan điểm Nga "phá Trung Đông, đẩy giá dầu" vẫn sử dụng, đó là việc Nga để mặc Mỹ và NATO không kích Libya năm 2011. Phải chăng Moscow muốn bất ổn tại quốc gia châu Phi này để đẩy cao giá dầu?

Không hẳn vậy.

Thứ nhất, Tổng thống Dmitry Medvedev khi đó chỉ chấp thuận để phương Tây không kích sau khi bị Tổng thống Obama gây áp lực, và có thể nói ông Medvedev "gật đầu cho xong chuyện" để giữ hòa khí với Mỹ, bởi hai nước bấy giờ đang trong thời kì tái thiết ("reset") quan hệ.


Nga-Mỹ thời còn hồ hởi với nút reset. Ảnh: AP

Nga-Mỹ thời còn hồ hởi với nút "reset". Ảnh: AP

Thứ hai, Putin, khi đó là Thủ tướng, đã chỉ trích Medvedev vì ông này ra lệnh cho phái đoàn Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu trắng trong vấn đề Libya. Medvedev sau đó cũng phản pháo và quở trách Putin.

Nhìn lại 16 năm qua, thì Putin mới là nhân vật chính đảm nhiệm việc hoạch định chính sách đối ngoại của Nga. Do đó, nước đi của ông Medvedev tại Libya cần được xem như một ngoại lệ. Đó là chưa kể bấy giờ, giá dầu cũng đã ở mức rất cao rồi.

Phân tích vậy để thấy, dù đúng là giá dầu cực kì quan trọng đối với Nga, thì đó vẫn không phải yếu tố quyết định mọi đường đi nước bước của lãnh đạo nước này.

Nga đương nhiên muốn điều khiển giá dầu, nhưng họ làm điều đó thông qua các kênh đối ngoại thông thường, mà minh chứng rõ nhất là việc Moscow luôn đề cao các lợi ích an ninh tại Trung Đông thay vì lúc nào cũng nghĩ đến giá dầu.

Tóm lại, cái gọi là âm mưu "phá Trung Đông, đẩy giá dầu" nghe thì hay thật, nhưng nếu chỉ gói gọn chính đối ngoại của Nga vào quan điểm này, thì quả thật hết sức thiển cận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại