Armenia-Azerbaijan giao tranh khốc liệt, khi nào Nga sẽ "ra tay"?

Quang Huy |

Khu vực Kavkaz đang đứng trước ngưỡng của một cuộc chiến tranh, khi Armenia và Azerbaijan đã bắt đầu những hành động quân sự quy mô toàn diện. Vậy liệu Nga có "nhúng tay"?

Mới đây, Azerbaijan đã tuyên bố đơn phương chấm dứt các hoạt động quân sự tại Nagorny Karabakh. Nhưng đây chỉ là tạm thời, và trong trường hợp giao tranh bùng phát trở lại, có nhiều câu hỏi được đặt ra.

Thoả thuận hoà bình mong manh dễ vỡ được thiết lập vào năm 1994 đã chính thức bị phá vỡ sau giao tranh hôm 2/4. Câu hỏi chính hiện nay đó là cuộc chiến tranh quy mô toàn diện giữa ArmeniaAzerbaijan như 25 năm trước có nổ ra hay không?

Ngoài ra, liệu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước có thể bị kéo vào cuộc chiến này hay không? Các nước trung gian hoà giải có thể đạt được thoả thuận ngừng bắn mới và khôi phục quá trình đàm phán hay không?

Tương quan lực lượng

Ở đây, cần phải nhớ rằng, hiện nay các bên vẫn chưa giải quyết xong vấn đề về những lãnh thổ tranh chấp. Thứ nhất, đó là khu tự trị Karabakh từng thuộc thành phần của nước cộng hoà Azerbaijan thời Liên Xô.

Thứ hai, đó là một vài khu vực mà theo phía Azerbaijan cho là Armenia đã chiếm đóng của mình. Và cuối cùng, đó là những khu vực mà chính phủ nước cộng hoà tự xưng Nagorny Karabakh cho là bị người Azerbaijan chiếm đóng.

Hiện nay, khi những thông tin chuyển về từ khu vực xảy ra xung đột quân sự rất rời rạc, thì phía Azerbaijan và quân đội tự vệ nước cộng hoà Nagorny Karabakh (cũng như các đại diện phía Armenia) thiên về việc che giấu những thiệt hại và thổi phồng các thắng lợi của mình.

Chỉ thấy rõ một điều, đó là phía Azerbaijan đang tích cực triển khai các cuộc tấn công của mình. Và kể cả nếu như việc quân đội Azerbaijan khẳng định đã chiếm được hàng loạt cao điểm và khu dân cư là không đúng với thực tế thì khu chiến tuyến đang dần chuyển hướng.

Mặt khác, nó chuyển hướng không nhanh như người ta mong đợi nếu như để ý tới sự vượt trội về mặt kỹ thuật và quân số của quân đội Azerbaijan.

Trên lý thuyết, hiện nay Azerbaijan chủ yếu đang đối đầu với quân đội của nước cộng hoà tự xưng Nagorny Karabakh, với quân số chiếm khoảng 1/5 tổng dân số 120.000 người.

Bên cạnh đó, báo chí đã nhiều lần đưa tin về việc tuyến phòng thủ đa lớp của phía Karabakh cũng được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang Armenia.


Xe tăng đã được điều ra tiền tuyến. Ảnh: al-Jazeera

Xe tăng đã được điều ra tiền tuyến. Ảnh: al-Jazeera

Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang của nước này vẫn ít hơn quân đội với 70.000 lính của Azerbaijan cùng nhiều loại vũ khí hiện đại.

Trong khi đó, quân đội Nagorny Karabakh vẫn sử dụng các vũ khí phòng không tự lắp đặt trên các xe bộ binh mà từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh Karabakh xảy ra cách đây đã hơn 20 năm.

Đồng thời, có nhiều thứ phụ thuộc vào các trung gian quốc tế, mà trong đó có cả những kẻ sẵn sàng trở thành một phe của cuộc xung đột này với những điều kiện nhất định. Được biết, hiện giờ quân đội Azerbaijan đang sử dụng cả không quân.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình, đó chỉ là các trực thăng mà thôi. Các máy bay hiện nay vẫn chưa được tung vào tham chiến và phía Armenia chỉ cảnh cáo rằng phi đội Su-25 của họ đã sẵn sàng xuất kích.


Xác một chiếc trực thăng Azerbaijan bị bắn rơi trong giao tranh hôm 2/4. Ảnh: AP

Xác một chiếc trực thăng Azerbaijan bị bắn rơi trong giao tranh hôm 2/4. Ảnh: AP

Giai đoạn tiếp theo, nhiều khả năng, sẽ có liên quan tới căn cứ quân sự của Nga tại Gyumri (Armenia).

Nga đóng vai trò đồng minh của Armenia trong các thoả thuận được hai bên ký kết, và trong khuôn khổ Tổ chức của hiệp ước an ninh tập thể.

Thư ký của tổ chức này, ông Nikolai Bordyuja, tuyên bố rằng “đã liên lạc” với phía Armenia. Azerbaijan cần phải hiểu tín hiệu này như một lời cảnh báo, nhưng với điều kiện người Azerbaizan tin rằng Nga sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm với đồng minh của mình.

Tuy nhiên, điều này vẫn khiến người ta nảy sinh những nghi ngờ, mặc dù hồi đầu năm 2016 căn cứ quân sự của Nga tại Gyumri được tăng cường lực lượng đáng kể.

Điện Kremlin hiện nay có quá nhiều mối quan tâm khiến Nga có thể từ bỏ mong muốn tham gia vào cuộc xung đột Karabakh.

Không khó dự đoán rằng Nga cho đến phút cuối cùng sẽ thể hiện sự trung lập của mình. Bởi vì nếu Nga can dự vào cuộc chiến này sẽ khiến cho Azerbaijan dứt áo ra đi và tham gia vào hàng ngũ những kẻ thù của Nga.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ can thiệt trực tiếp vì muốn tận dụng cơ hội này để kéo Bacu vào trong tầm ảnh hưởng của mình.

Và ở đây, không nên quên về chuyến công du cách đây không lâu của tổng thống Azerbaizan Ilkham Aliev tới Ankara và những cái ôm đầy hữu nghị với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan trước công chúng.

Thêm vào đó còn có Iran, quốc gia thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khả năng sẵn sàng ủng hộ Armenia. Có cả những phe trung gian hoà giải cuộc xung đột Karabakh như Pháp và Mỹ.

Và đó chưa phải là một danh sách đầy đủ các nước mà có thể từng bước can thiệp vào cuộc xung đột này.

Tuy nhiên, vẫn còn hi vọng cuộc chiến tranh mang tính quy mô toàn diện sẽ không xảy ra.

Như đã phân tích ở trên, quân đội Azerbaijan có vẻ gần như chưa sử dụng không quân, mặc dù điều đó, ngay từ khi bắt đầu giao tranh, sẽ mang lại cho họ lợi thế đáng kể và khiến cho quân đội của nước cộng hoà tự xưng Nagorny Karabakh không thể phản công.

Ngoài ra, căn cứ vào việc chủ yếu các cuộc giao tranh chỉ mang lại những thành công từng bước, Azerbaijan không tập trung từ sớm số lượng lớn lực lượng tại chiến tuyến, có nghĩa là họ không sẵn sàng cho một cuộc chiến chớp nhoáng và cố gắng chiếm thủ đô Stepanakert một cách nhanh chóng.

Với những chi tiết này, hi vọng đây chỉ là màn phô diễn sức mạnh của hai nước, chứ không phải là một cuộc chiến tranh mới trên diện rộng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại