Các chuyên gia vấn đề châu Á thuộc Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ Daniel Blumenthal và Michael Mazza bình luận trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) hôm 10/6, gợi ý Washington chế định một sách lược "mạnh dạn hơn" ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc.
Theo đó, Washington cần phải sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn nữa ở Biển Đông.
Các chuyên gia người Mỹ cho rằng, Mỹ nên khởi xướng các quốc gia trong khu vực đi đến một thỏa thuận chung thông qua con đường ngoại giao, nhằm bảo đảm các nước liên quan được quyền hưởng lợi từ nguồn tài nguyên biển theo đúng luật pháp quốc tế.
Đồng thời, Washington cần phải trở thành quốc gia đóng vai trò thúc đẩy, giúp các quốc gia Đông Nam Á đạt được nhất trí về Bộ quy tắc ứng của các bên ở Biển Đông (COC), từ đó giải quyết mâu thuẫn giữa các bên.
Trung Quốc sẽ bị "đẩy" khỏi đàm phán Biển Đông?
Ông Blumenthal và Mazza đánh giá, Trung Quốc chính là "trở ngại chủ yếu" đối với sách lược này của Mỹ. Theo 2 ông, lộ trình ngoại giao mới mà Mỹ dẫn dắt nên khích lệ Trung Quốc tham gia, nhưng cũng không thể phụ thuộc vào vai trò của Bắc Kinh.
Nếu Trung Quốc gây bất ổn trong đối thoại, Washington vẫn có thể đơn phương ủng hộ Đông Nam Á đạt được thỏa thuận chung theo luật pháp quốc tế.
Trong trường hợp này, Mỹ cũng sẽ gia tăng viện trợ đối với Đông Nam Á nhằm giúp các quốc gia ở đây nâng cao sức mạnh quân sự một cách đồng đều và đủ khả năng bảo vệ tự do hàng hải cũng như kiềm chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Theo WSJ, chiến lược mà các chuyên gia nêu ra nếu được thực hiện thành công sẽ khiến Trung Quốc không còn khả năng biện hộ cho các hành vi xây đảo nhân tạo, cải tạo đảo đá trái phép trên Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế do đó cũng sẽ không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền (phi pháp-PV) của Trung Quốc đối với các đảo đá ở Biển Đông nữa.
Nếu Mỹ đủ khả năng xây dựng một "tập thể hợp tác" như vậy, thì Bắc Kinh chỉ có 2 lựa chọn: Gia nhập đàm phán giải quyết mâu thuẫn theo luật pháp quốc tế, hoặc đứng ngoài cuộc và "nhìn các bên tự giải quyết vấn đề".
Blumenthal và Mazza nhận định, sách lược liên kết nói trên tồn tại rủi ro là Bắc Kinh bị Mỹ chọc giận và đi đến lựa chọn đối đầu, mặc dù khả năng nay từng được nhiều chuyên gia phân tích rằng khó xảy ra.
Tuy nhiên, theo Blumenthal và Mazza, dù có xảy ra xung đột quân sự thì tỷ lệ Bắc Kinh giành được phần thắng trước Washington "là vô cùng nhỏ".
Việc Bắc Kinh bành trướng thế lực ở Biển Đông đã khiến khu vực này trở thành "điểm nóng mới của thế giới và khiến căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ-đồng minh diễn biến theo hướng quân sự hóa, làm thay đổi hiện trạng Biển Đông và cân bằng sức mạnh các bên.
Tính đến nay, các biện pháp mà Mỹ áp dụng đối phó với Trung Quốc bao gồm phản đối quyết liệt (các hành vi phi pháp của Bắc Kinh-PV), kêu gọi Trung Quốc tuân thủ quy tắc và luật pháp quốc tế, tập trận thị uy ở Biển Đông và tăng cường liên kết với đồng minh, đối tác.
Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không chỉ phụ thuộc vào việc nước này bảo vệ thành công các quy tắc và thông lệ quốc tế trên biển, mà cốt lõi là ngăn chặn Trung Quốc có bất kỳ bước tiến nào xa hơn trong hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của mình.