Việc chính phủ đang ngày càng chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở Syria đã trở thành chướng ngại vật đối với việc chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm ở nước này, khiến hơn 250.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ đất nước và Nhà nước Hồi giáo (IS) nổi lên chiếm lấy 1/3 lãnh thổ Syria.
“Theo ý kiến của tôi, chúng ta không nên mong đợi kết quả khả quan nào từ vòng đàm phán này”, ông Fawaz Gerges, giáo sư về chính trị Trung Đông thuộc Đại học Kinh tế London cho biết. “Assad thực sự tin rằng ông ta có nhiều thời gian, ông ta đang thắng thế còn phe đối lập thì đang trở nên hỗn loạn”.
Cuộc đàm phán hòa bình diễn ra vào ngày 25/1 tới tại Geneva được cho lá sẽ bắt đầu tiến trình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2011.
Mục tiêu cuối cùng của cuộc họp này là cả hai bên phải cam kết ngừng bắn, đồng thời soạn thảo một hiến pháp mới và tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc trong vòng 1 năm rưỡi tới.
Các cuộc không kích do Nga tiến hành nhằm chống lại lực lượng khủng bố phần nào đã giúp phe Assad giành được nhiều địa điểm quan trọng ở phía Bắc và phía Tây đất nước.
Vào tháng 11, quân chính phủ đã phá vỡ vòng vây của IS tại căn cứ không quân Kweiras ở tỉnh Aleppo (Syria).
Đến tháng 12 họ đã giành được căn cứ Marj al-Sultan gần thủ đô Damascus.
Bên cạnh đó, nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon cùng quân đội Iran và lực lượng thân chính phủ đã giúp quân đội Syria giành được nhiều khu vực quanh tỉnh Latakia, nơi thuộc sự kiểm soát của chính quyền Assad.
Mới đây, quân chính phủ đã giành được thị trấn Salma, được coi là một trong những bước tiến lớn của ông Assad kể từ khi chiến dịch không kích của Nga bắt đầu. Với vị trí hướng ra biển, thị trấn này chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 12km.
“Quân đội Syria đã chuyển từ thế thủ sang thế công”, ông Gerges cho biết.
“Trước khi Nga can thiệp, lực lượng này gần như không thể giữ được khu vực mà họ đang kiểm soát. Giờ đây họ đã giành được những chiến thắng quan trọng ở nhiều mặt trận”.
Ông Gerges tin rằng, điều này sẽ không có lợi cho cuộc đàm phán sắp tới tại Geneva, bởi cả hai bên đều không muốn đưa ra điều kiện khi chiến trường vẫn còn biến động.
Trong khi các nhóm đối lập với chính phủ Syria ở nước ngoài hi vọng ông Assad sẽ có những bước đi nhằm xây dựng lòng tin trước hội nghị Geneva, nhiều lực lượng nổi dậy trong nước cho biết họ sẽ không có mặt, trừ phi những khu vực bị tấn công được hỗ trợ nhân đạo và trao trả tự do cho các binh sĩ bị bắt giữ.
“Chính quyền Assad đang cố gắng giành ưu thế trên chiến trường trước cuộc đàm phán và đó là một bước đi không tốt”, ông Zakaria Ahmad, phát ngôn viên của một nhóm nổi dậy gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ sẽ có những nhóm nổi dậy nào được mời tham gia cuộc đàm phán. Nga và Syria muốn cấm một số lực lượng do Ả Rập Xê út hậu thuẫn.