Vừa được "cởi trói", Iran lại vượt mặt Saudi Arabia tại Lebanon

Thùy Trang |

Sự kiện ứng viên Tổng thống do Saudi bảo trợ Samir Geagea công khai ủng hộ đối thủ Michel Aoun đã khẳng định tiếng nói của Iran tại Lebanon và Trung Đông, The Guardian nhận định.

Lebanon sắp đưa đồng minh thân cận của Hezbollah lên làm Tổng thống, chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và phương Tây được tiến hành, một sự kiện mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới đánh giá là sẽ trả lại cho Iran tiếng nói trong khu vực.

Quyết định ủng hộ ông Michel Aoun, cựu tư lệnh quân đội đồng thời là đồng minh thân thiết của chính phủ Syria, đạt được sau hai năm với nhiều lần trì hoãn quyết định, mặc cho Saudi Arabia hết mực hậu thuẫn đối thủ của ông là Samir Geagea lên nắm quyền.

Nhưng tiếc cho Riyadh, ông Geagea giờ lại chọn đứng về phe Aoun, qua đó khẳng định chắc chắn tầm ảnh hưởng của Iran tại Lebanon.

Là một đất nước luôn bất ổn và phụ thuộc phần lớn vào các nhà bảo trợ, Lebanon nghiễm nhiên trở thành mặt trận chính trong mâu thuẫn giữa Riyadh và Tehran khi hai nước này đã đầu tư hàng tỉ USD hỗ trợ cho ứng viên Tổng thống của riêng họ.

“Tôi xin tuyên bố Đại tướng Michel Aoun là một ứng viên cho chức Tổng thống. Tôi kêu gọi toàn bộ các liên minh ủng hộ việc ứng cử của ông Aoun.” – Ông Geagea phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Aoun.


Những người ủng hộ ông Michael Aoun trong một cuộc biểu tình tháng 11/2015. Ảnh: The Daily Star

Những người ủng hộ ông Michael Aoun trong một cuộc biểu tình tháng 11/2015. Ảnh: The Daily Star

Việc ứng cử của tư lệnh Aoun cần được đại đa số Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, kết quả này hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu khối đại biểu Cơ đốc giáo và dòng Shia bắt tay đoàn kết với nhau.

Khối liên minh 14/3 đại diện cho các tín đồ dòng Sunni trong nước do Saudi đứng sau tiếp tục phản đối mạnh mẽ đề xuất trên, cho đến khi cả hai ông Geagea và Aoun cùng đứng ra công khai phát biểu tối thứ hai (18/1) vừa qua.

Ông Geagea có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn để thuyết phục khối liên minh này bầu cho Aoun, theo nhận định của The Guardian.

Ông Aoun luôn hết lòng ủng hộ vị trí của Iran trong khu vực.

Sự kiện ông đứng ra ứng cử và đắc cử sẽ đánh dấu tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran tại thời điểm đấu đá tranh giành quyền lực trong khu vực dẫn đến việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao ngay trước thềm thỏa thuận hạt nhân.

Mâu thuẫn giữa hai nước bắt nguồn từ quyết định hành quyết giáo sĩ dòng Shia của Saudi, theo sau là vụ tấn công tại Đại sứ quán Saudi tại Tehran.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước đã ngầm tồn tại từ những ngày đầu cuộc nội chiến Syria và chiến tranh ở Yemen.

Tiếng nói của Saudi Arabia tại Lebanon từng được thể hiện thông qua cựu Thủ tướng Saad Hariri, người hiện nay đang phải sống lưu vong.

Cuối năm ngoái, ông này đã đề cử một ứng viên thỏa hiệp là Suleiman Franjieh, người có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Syria, trong một nỗ lực nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc đã làm đất nước bất ổn và tê liệt.


Cựu Thủ tướng Hariri (bên phải) trò chuyện cùng ứng viên mà ông đề cử Suleiman Franjieh (bên trái). Ảnh: Reuters

Cựu Thủ tướng Hariri (bên phải) trò chuyện cùng ứng viên mà ông đề cử Suleiman Franjieh (bên trái). Ảnh: Reuters

Động thái này đã phát huy tác dụng nhất định, tuy nhiên lại không đem tới kết quả mà cựu Thủ tướng Hariri mong đợi.

Ông Aoun và ông Geagea đã đối đầu với nhau từ khi cả hai còn đứng đầu hai đội quân đối địch trong cuộc nội chiến Lebanon năm 1975 và 1990. Tuy nhiên, kẻ thù chung lớn hơn của hai người lại chính là Franjieh. "Kẻ thù của kẻ thù là bạn".

Việc cựu tư lệnh Aoun đắc cử Tổng thống, một điều ngày càng có khả năng trở thành sự thật, sẽ phá vỡ liên minh 14/3 tại Lebanon, và được xem như cú huých tiếp theo đối với dòng Hồi giáo Sunni trong khu vực.

Các quan chức Saudi lo ngại rằng Iran sẽ tận dụng lợi thế sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ để chống đỡ cho các lực lượng ủy nhiệm khu vực, bao gồm Hezbollah, một tổ chức Tehran trực tiếp “nuôi dưỡng” ngay từ những ngày đầu thành lập.


Ông Michael Aoun (bên phải) trong một cuộc gặp với thủ lĩnh của Hezbollah. Ảnh: AFP

Ông Michael Aoun (bên phải) trong một cuộc gặp với thủ lĩnh của Hezbollah. Ảnh: AFP

Mối lo ngại của Saudi còn lan tới cả Baghdad và Damascus. Quân đội dòng Shia do Iran hỗ trợ ngày càng gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng, vượt qua cả quân đội Iraq.

Gần đây, đội quân này còn dẫn đầu cuộc chiến chống lại IS, trong khi Iran can thiệp giải cứu thành công nhà nước Syria của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong khi đó tại Yemen, Saudi Arabia đã tiến hành một chiến dịch quân sự sau khi cáo buộc Iran chống lưng cho những kẻ phản động lật đổ chính quyền mà Riyadh đứng đằng sau.

Đất nước Lebanon lâu nay đã bị tê liệt do các chính trị gia ai cũng trung thành với lợi ích nhóm của riêng mình. Quốc hội nước này thậm chí còn không thể bầu được Tổng thống sau hơn 30 cuộc họp mà chưa lần nào đủ số đại biểu cần thiết.

Hệ thống chính trị quốc gia rối loạn đã trở thành trò đùa khi mùa hè năm ngoái, chính phủ đàm phán thất bại một thỏa thuận về nơi xử lí rác thải, khiến rác rưởi tràn ngập các tuyến phố Beirut, dẫn tới sự kiện người dân biểu tình phản đối chính quyền mục nát.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại