Đại sứ Anh tại Philipines Asif Ahmad ngày 19/1 tuyên bố Anh phản đối bất kỳ ý định nào ngăn cản tự do hàng hải và hàng không ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông, sau khi phi công Philippines nói rằng họ nhận được cảnh báo “đe nẹt” qua sóng radio khi bay gần các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
“Nếu máy bay của Anh, kể cả quân sự hay dân sự bị chặn và ngăn cản bay trên không phận mà chúng tôi coi là không phận quốc tế, chúng tôi phớt lờ điều đó”, ông Ahmad nói.
Phản ứng của Anh trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực xuất hiện tại thời điểm dư luận lo ngại Bắc Kinh có thể đang theo đuổi ý định ngăn cản tự do hàng không và các chuyến bay gần các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây trái phép trong suốt hai năm qua ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 18/1, Thủ tướng Australia cảnh báo Bắc Kinh không nên theo đuổi các tuyên bố chủ quyền có thể dẫn tới đụng độ với Mỹ - nước từng mở chiến dịch giám sát hàng hải (FONOP) quanh hai “đảo nhân tạo” hồi tháng 10/2015.
“Nếu tránh ‘bẫy Thucydides’ là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc – như những gì mà Chủ tịch Tập Cận Bình quả quyết, chúng ta hy vọng là những hành động của Trung Quốc sẽ được tính toán một cách thận trọng để tránh nổ ra một cuộc xung đột…
Việc tuyên bố chủ quyền đối với các đá, bãi cạn chỉ đứng hàng thứ hai, khi mục tiêu này được đặt lên hàng đầu”, ông Turbull phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington.
Giới chức ngành hàng không dân dụng Philipines cùng ngày cho biết, hải quân Trung Quốc đã hai lần phát cảnh báo khi nhằm vào một chiếc máy bay tuần tra Cessna bay gần một “đảo nhân tạo” do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông hồi đầu tháng này.
Vụ việc xảy ra khi máy bay trên hành trình hướng đến đảo Thị Tứ (Pagasa) do Philippines kiểm soát để thực hiện khảo sát kĩ thuật phục vụ cho việc lắp đặt một trung tâm radar chuyên theo dõi các chuyến bay dân sự vào cuối năm nay.
Pagasa gần đá Subi - một trong 7 đá mà Trung Quốc đã “biến” thành “đảo nhân tạo” ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cụ thể, ông Eric Apolonio, phát ngôn viên Cơ quan hàng không dân dụng Philippines (CAAP) cho biết, khi chiếc Cessna tiến gần đến đảo Thị Tứ ở khoảng cách 40 dặm (khoảng 65km), các phi công nhận được “thông báo khẩn” qua kênh radio, nói rằng “máy bay quân sự nước ngoài, đây là hải quân Trung Quốc.
Các người đang đe doạ an ninh đối với trạm của chúng tôi”. Ông Inocencion Yncierto, một chuyên gia tư vấn của CAAP có mặt trên chuyến bay cho biết, phi công Philippines đã phớt lờ lời cảnh báo trên và hạ cánh xuống đảo Thị Tứ.
Ông Apolonio thì chia sẻ, một số người trên khoang lúc đó có đôi chút lo lắng, vì “các bạn không biết đâu, chúng tôi có thể bị bắn hạ”.
Bộ Ngoại giao Philippines đã nhận được thông báo của CAAP về “sự cố” và Bộ sẽ ra tuyên bố về vụ việc trên - ông Herminio Coloma, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philipines cho biết.
Cùng với nhiều nước trong khu vực, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Anh lên tiếng phản đối những hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây, mới nhất là vụ Bắc Kinh cho bay thử nghiệm trên đường băng 3.000m xây trái phép trên đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Dư luận quốc tế quan ngại, động thái này có thể nằm trong toan tính của Bắc Kinh muốn thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) của Bắc Kinh ở Biển Đông.
* “Bẫy Thucydides” (đặt theo tên sử gia thành Athens Thucydides) là một thuật ngữ hay được dùng trong quan hệ quốc tế, với hàm ý bao trùm là: Khi một cường quốc mới trỗi dậy tìm cách “soán ngôi” của một cường quốc khác đang thống trị và thay đổi trật tự đã được thiết lập thì kết cục đa phần đều dẫn đến những cuộc chiến tranh thảm khốc.