Châu Á đang quay lưng với Trung Quốc?

Thủy Thu |

Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ các nước châu Á láng giềng đang ngày càng nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực và "quay lưng" với Bắc Kinh.

Thủ tướng Singapore: Mỹ vẫn là thế lực chủ đạo ở châu Á

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal (Mỹ) cho rằng, các quốc gia châu Á luôn chào đón sự hiện diện và các quy tắc giao dịch thương mại của Mỹ tại khu vực này.

Theo ông Lý, các nước châu Á hiểu rõ, nếu những giao dịch thương mại này được đưa ra bởi Mỹ mà không phải là Trung Quốc thì họ sẽ có hệ thống giao dịch tự do và cởi mở hơn.

Thủ tướng Lý Hiển Long bình luận, nếu tổ chức "bỏ phiếu kín", các quốc gia châu Á đều sẽ tán thành việc Mỹ nên tăng cường tác động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dù trên thực tế các bên vẫn có thái độ ứng xử khác nhau.

Học giả Trung Quốc Đinh Đông, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Carter, Mỹ cho rằng, dù truyền thông Trung Quốc "mỉa mai", nhưng quan điểm của ông Lý đã phản ánh chân thực quan hệ quốc tế ở châu Á.

Các nước châu Á đều cho rằng, vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ hiện tại chưa thể bị thay thế.

Câu trả lời của ông Lý Hiển Long cho thấy, nhiều nước châu Á không tin tưởng và kiêng dè trước Trung Quốc. Singapore là đại diện tiêu biểu nhất cho quan điểm này.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người được các lãnh đạo Trung Quốc coi là "bạn thân của Bắc Kinh" cũng nhiều lần công khai bày tỏ quan điểm tương tự.

Thủ tướng Singapore
Lý Hiển Long
Không ai nghi ngờ rằng Mỹ là một thế lực, có lợi ích ở Thái Bình Dương và muốn duy trì nền hòa bình ở khu vực. Nhưng cùng với đó, Washington cần xét đến luật pháp và các chuẩn mực quốc tế... Nếu không có sự quan tâm về hợp tác trong phạm vi rộng, thì Mỹ cũng chỉ giống như nhiều nước khác.

"Vòng vây" Trung Quốc từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á

Những năm gần đây, Singapore không ngừng nỗ lực thúc đẩy cho sự "trở lại châu Á" cũng như là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chiến dịch "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo học giả Đinh Đông, "tăng cường tác động" có ý nói Mỹ nên tham gia toàn diện không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại mà còn là ngoại giao, quân sự và an ninh.

Các quốc gia châu Á hy vọng vai trò lãnh đạo của Mỹ được phát huy một cách toàn diện và lấy lại sự cân bằng với Trung Quốc tại khu vực này.

Thực tế cũng đã chứng minh điều đó. Sự "tác động" của Mỹ đối với ngoại giao, an ninh và quân sự của châu Á được dự đoán sẽ còn đi xa hơn nữa.

Người đứng đầu lĩnh vực ngoại giao và các tướng lĩnh quân đội Mỹ nhiều lần đề cập đến việc châu Á ngày càng tích cực và chủ động "bắt tay" với Washington do e ngại "mối đe dọa" từ Trung Quốc.


Từ trái qua: Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp cấp cao ba bên tại Hà Lan, ngày 25/3/2014. (Ảnh: AP)

Từ trái qua: Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp cấp cao ba bên tại Hà Lan, ngày 25/3/2014. (Ảnh: AP)

Australia, đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á, dường như cách biệt với thế giới và rất ít khi đưa ra các chính sách quốc phòng mới, nay đã chủ động nhằm vào Trung Quốc và quan tâm đến tình hình biển Đông, Hoa Đông.

Ông Đinh Đông cho hay, Canberra thể hiện sự quan ngại trước các quy tắc quốc tế bị Bắc Kinh xem nhẹ, đề xuất đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, phát triển có trọng điểm sức mạnh các lực lượng trên biển.

Thời gian qua, Mỹ đã triển khai hành động tuần tra trên biển Đông nhằm đảm bảo "tự do hàng hải và hàng không".

Đồng thời, căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tạo cơ hội cho quân đội Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á.

Mỹ tiếp tục khởi động chương trình bán vũ khí cho Đài Loan, cung cấp trang thiết bị quân sự cho một số nước Đông Nam Á và kêu gọi các nước châu Á cùng kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh.

Tại Đông Bắc Á, Luật an ninh mới được Quốc hội Nhật Bản thông qua tháng 9 năm ngoái tạo tiền đề quan trọng mở rộng vai trò của Tokyo ở trường quốc tế, mở ra con đường mới về chính sách cung cấp, viện trợ hậu cần cho các nước đồng minh của Nhật và Mỹ.

Ở Nam Á, động thái gần đây của Ấn Độ đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ yêu cầu lợi ích quốc gia, nước này đang triển khai thêm "chính sách hướng Đông" trên lĩnh vực an ninh và quân sự.

"Mối quan hệ hợp tác Ấn - Nhật được nâng lên tầm chiến lược đặc biệt và toàn cầu. Viễn cảnh về liên minh quân sự Mỹ - Ấn đang thực sự 'đơm hoa kết trái'," ông Đinh viết.

Đặc biệt, chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter là sự kiện quan trọng thúc đẩy đột phá trong quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước.


Đội tàu đổ bộ Essex ARG của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đội tàu đổ bộ Essex ARG của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

"Không nước nào muốn liên minh với Trung Quốc"

"Từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến Nam Á đều đang tiềm ẩn sự đe dọa đối với Trung Quốc. Gần như không có bất cứ quốc gia nào muốn trở thành liên minh hoặc đối tác an ninh với Trung Quốc, kể cả Campuchia hay Lào," Đinh Đông chỉ ra.

Ngoài ra, quốc gia lân cận sát sườn phía Bắc của Trung Quốc là Mông Cổ cũng luôn thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn.

Ngay cả mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Nga cũng có thể rạn nứt nếu hai nước xảy ra mâu thuẫn.

Tuy nhiên, do các nước Trung Á, vốn được xem là "sân sau của Nga", có mối liên hệ mật thiết với lợi ích của Trung Quốc nên tạm thời mối quan hệ này vẫn ở thế cân bằng.

Dư luận Trung Quốc hiện vẫn nhắc đến diễn đàn Hội nghị ngoại giao đa phương của nước này sau Đại hội khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.

Tại hội nghị này, với điểm nhấn là sự chuyển giao quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã thể hiện tham vọng ngoại giao đối với các nước láng giềng bằng quan điểm "mưu cầu đại cục, nghiên cứu và tối ưu chiến lược".

"Quan điểm của Trung Quốc nhấn mạnh kết cấu và quan hệ 'thân thiết, chân thành, ân huệ và khoan dung' với các nước láng giềng...

Nhưng 3 năm đã trôi qua, thực tế của các mối quan hệ này lại khác xa so với dự tính ban đầu của Bắc Kinh," ông Đinh thừa nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại