Nhật "tung hỏa mù" ở biển Đông, tăng cường chống TQ từ hướng khác

Hải Võ |

Song song với nỗ lực gia tăng hiện diện của Nhật Bản ở biển Đông, Trung Quốc còn nhận thấy Tokyo tạo ra mối đe dọa lớn hơn từ chính vùng biển Hoa Đông thời gian qua.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 6/4 cho hay, trong nỗ lực phối hợp cùng Mỹ kiềm chế Trung Quốc, Nhật Bản từng tuyên bố cử Lực lượng phòng vệ (JSDF) cùng các tàu quét mìn của hải quân nước này tham gia tuần tra biển Đông.

Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương (Trung Quốc) Trịnh Hải Lân cùng học giả Hồng Kông Mã Siêu cho rằng, Tokyo đang thực hiện chiến lược "dương Đông kích Tây", tăng cường sức mạnh tấn công trên biển Hoa Đông.

Hai nhà phân tích nhận định, quân đội Nhật nhiều khả năng phối hợp với chiến lược biển Đông của quân đội Mỹ bằng hành động đột kích nhằm vào Trung Quốc từ biển Hoa Đông.

Theo quan sát của tạp chí Super Media (Hồng Kông), Nhật đã có thái độ tích cực hơn trong các hoạt động chuẩn bị "sẵn sàng chiến đấu" liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật tranh chấp chủ quyền.

Tokyo đang đẩy nhanh hoàn thành thiết lập và bố trí "lực lượng chuyên biệt đồn trú trên hòn đảo này.

Theo tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei), lực lượng này được trang bị 14 tàu tuần tra cỡ lớn và tàu tuần tra chở máy bay trực thăng.


Các quân nhân Nhật Bản tham gia lễ chính thức mở căn cứ quân sự mới của nước này trên đảo Yonaguni ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Reuters/Kyodo)

Các quân nhân Nhật Bản tham gia lễ chính thức mở căn cứ quân sự mới của nước này trên đảo Yonaguni ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Reuters/Kyodo)

Bước ngoặt để Tokyo thay đổi chính sách

Theo hai học giả Trịnh, Mã, từ các nhà hoạch định chính sách cho đến giới nghiên cứu, phân tích Nhật Bản đã hết sức quan tâm đến sự kiện bà Thái Anh Văn, lãnh đạo đảng Dân Tiến - được cho là có quan hệ tốt với Tokyo, trở thành người đứng đầu chính quyền Đài Loan vào tháng 1/2016.

Hàng loạt trung tâm nghiên cứu lớn của Nội các Thủ tướng Nhật Shinzo Abe như Tiểu tổ nghiên cứu quan hệ Nhật-Đài, Sở nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản, Đoàn tài chính Tokyo... liên tục tổ chức họp kín.

Giới nghiên cứu Nhật đánh giá kỹ lưỡng các nguy cơ tiềm ẩn trong quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan mà cuộc chuyển giao quyền lực trên tạo ra đối với Bắc Kinh, và sự chuyển biến tích cực trong chính sách của Tokyo ở biển Hoa Đông chính là kết quả từ các phân tích này.

Đồng thời, Nhật Bản hỗ trợ Mỹ thực hiện chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" bằng cách tăng cường kiểm soát hữu hiệu khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như khai thác tài nguyên biển Hoa Đông.

Ngoài ra, báo giới Trung Quốc cũng nhiều lần tỏ ra bất mãn và chỉ trích Nhật "lôi kéo các nước châu Á về phía Mỹ, bắt tay nhau đối đầu Trung Quốc".

Sau khi Luật an ninh mới của Nhật Bản được thông qua tháng 9/2015, Trung Quốc cáo buộc Tokyo "phá vỡ khuôn khổ Hiến pháp hòa bình", "vượt rào khỏi chính sách không làm cường quốc quân sự", "thay đổi chiến lược từ phòng thủ sang tấn công"...

Về phía Mỹ, Trịnh Hải Lân và Mã Siêu cho rằng Nhật Bản hiện là "mắt xích trọng yếu" trong một loạt biện pháp tăng cường an ninh Đông Á.

Động thái tăng cường hợp tác an ninh Mỹ-Nhật, tuyên bố Hiệp ước bảo vệ an ninh Mỹ-Nhật phù hợp áp dụng ở Senkaku/Điếu Ngư, hỗ trợ Tokyo hoàn thành chuẩn bị lực lượng đồn trú trên đảo Senkau/Điếu Ngư... chứng minh quyết tâm duy trì vai trò chủ đạo trong khu vực của Washington.

Mục đích của Mỹ ở Đông Á là ổn định tình hình khu vực, đặc biệt phải ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên, sau đó đề phòng sự trỗi dậy về quân sự của Bắc Kinh ở đây.


Sự kiện bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan đã thúc đẩy Nhật Bản chuyển biến sách lược ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Reuters)

Sự kiện bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan đã thúc đẩy Nhật Bản chuyển biến sách lược ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc và mối lo Nhật Bản trở thành cường quốc quân sự

Bình luận trên tờ Hoàn Cầu, hai ông Trịnh, Mã nói rằng ngay từ thập niên 1990, đã có những mâu thuẫn gay gắt giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách an ninh của Nhật Bản, thúc đẩy Tokyo tìm cách trở lại là nước lớn về chính trị và quân sự.

Theo Hoàn Cầu, Nhật đã trở thành cường quốc quân bị của thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

Quân đội 2 nước cũng chế định một phương án tác chiến chung gồm 4 giai đoạn, trong trường hợp giả định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư "bị Trung Quốc tấn công xâm chiếm".

Theo Phương châm hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật, quân đội Nhật Bản sẽ đóng vai trò "chủ động", trong khi quân đội Mỹ "phối hợp đúng mức" theo các nguyên tắc cụ thể.

Các chuyên gia của Sở nghiên cứu phòng vệ, thuộc Bộ quốc phòng Nhật Bản, tiết lộ nước này đang nhanh chóng xây dựng cơ chế ứng phó khi bị tấn công vũ trang, nhằm chuẩn bị tốt cho các tình huống bất ngờ trên biển Hoa Đông, biển Đài Loan hay biển Đông.

Cuối năm 2017, Bộ tư lệnh liên hợp chỉ huy lực lượng trên bộ Mỹ-Nhật sẽ được thiết lập tại quận Kanagawa, Nhật Bản.

Trước việc các tàu của chính phủ Trung Quốc thường xuyên xâm nhập hoặc tiếp cận vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo rõ ràng đã dứt khoát hơn trong nỗ lực "trở thành một sức ép" đối với Bắc Kinh - các học giả Trung Quốc khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại