Thông cáo báo chí về sự kiện cho thấy, ông Tập không hề đề cập đến vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong khi nước này sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai vào ngày 23/6 tới.
Tại cuộc hội kiến Hoàng tử Andrew, Tập Cận Bình nhấn mạnh 2016 là năm mở màn "thời đại hoàng kim" của quan hệ Trung-Anh, như ông từng nêu ra trong chuyến thăm Anh tháng 10/2015.
Khi đó, ông Tập nói với Thủ tướng David Cameron: "Trung Quốc hy vọng nhìn thấy châu Âu thịnh vượng, EU đoàn kết, hy vọng nước Anh - thành viên quan trọng của EU - phát huy vai trò tích cực và xây dựng nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-EU phát triển."
Phát ngôn tại Anh của Chủ tịch Trung Quốc được giới phân tích nhận định là thể hiện lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Brexit là ủng hộ London ở lại với EU.
Sự im lặng của ông Tập về Brexit trong cuộc gặp với Hoàng tử Andrew cũng cho thấy song phương chưa đạt được nhận thức chung liên quan tới vấn đề này để đưa vào thông cáo.
Ông Tập Cận Bình tiếp Hoàng tử Andrew hôm 5/4. (Ảnh: Xinhua)
Theo trang Đa Chiều, các nhà phân tích của Viện Brookings (Mỹ) đánh giá, nếu Anh tách khỏi EU vào giữa năm nay, mối quan hệ đặc biệt mà London và Bắc Kinh chưa kịp phát triển sẽ "chấm hết".
Tỉ phú Trung Quốc Vương Kiện Lâm cũng nói trong một bài diễn thuyết ở Đại học Oxford (Anh) hồi đầu năm nay rằng, ông không dám chắc cuộc sống của người dân Anh sẽ tốt hơn nếu trưng cầu dân ý ủng hộ Brexit.
"Rút khỏi (EU) thì dễ nhưng gia nhập thì rất khó. Nếu tách khỏi EU, Anh chắc chắn sẽ vấp nhiều ảnh hưởng tiêu cực," ông Vương nói.
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng cuộc trưng cầu dân ý của Anh vào tháng 6 tới là một trong những sự kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, cũng như địa chính trị toàn cầu.
Đa Chiều cho hay, trong nỗ lực duy trì khối EU, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Anh trong tháng 4 này để trao đổi với Thủ tướng Cameron.