Charlie Hebdo châm biếm nhà tiên tri đạo Hồi, Bắc Kinh lo sốt vó

Hải Võ |

Thời báo Hoàn Cầu nhận định, động thái khiêu khích đạo Hồi của tờ Charlie Hebdo cho thấy việc TQ vắng mặt tại cuộc diễu hành ở Paris hôm 11/1 là đúng đắn.

Khả năng nảy sinh xung đột tôn giáo ở châu Âu?

Số mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo đã phát hành hôm 14/1 vừa qua, 1 tuần sau vụ thảm sát tại tòa soạn tờ báo này khiến 12 người thiệt mạng.

Trang bìa số mới của Charlie Hebdo vẫn là hình ảnh nhà tiên tri Muhammad, với một giọt nước mắt trên má trái và 2 tay cầm tấm bảng viết chữ "Tôi là Charlie".

Hình ảnh biếm họa nhà tiên tri của đạo Hồi ngay lập tức lại khiến những tranh cãi bùng lên.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 16/1 bình luận, "cuộc xung đột văn minh" đang dần hình thành giữa xã hội châu Âu và thế giới Hồi giáo.

Các phần tử khủng bố thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo, qua đó đã đạt được mục đích tuyên bố thông điệp của mình.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã ca ngợi cuộc thảm sát trên.

Số mới của Charlie Hebdo tiếp tục châm biếm nhà tiên tri Muhammad. Ảnh: Chinanews.

Số mới của Charlie Hebdo tiếp tục châm biếm nhà tiên tri Muhammad. Ảnh: Chinanews.

Đáp trả tư tưởng của các lực lượng Hồi giáo cực đoan như IS, chính quyền Mỹ tỏ ý ủng hộ cách làm của tờ Charlie Hebdo, và tuyên bố đó là hành động của "xã hội dân chủ".

Tuy nhiên, Hoàn Cầu "bắt bài" rằng, các tờ báo chính thống của Mỹ đều không hề đăng tải hình ảnh trang bìa của Charlie Hebdo, cho thấy phía Mỹ "luôn muốn giữ một khoảng cách nhất định".

Theo Hoàn Cầu, Ai Cập và Iran là 2 quốc gia Hồi giáo tiêu biểu. Chính quyền 2 nước này đều chỉ trích kịch liệt việc Charlie Hebdo "tái diễn" việc đăng hình biếm họa nhà tiên tri Muhammad.

Động thái của Ai Cập và Iran cho thấy, mâu thuẫn về tôn giáo giữa đạo Hồi và "tự do ngôn luận" châu Âu đã lên tới đỉnh điểm - Hoàn Cầu nhận định.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết, sau vụ thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo, Bắc Kinh đã chỉ trích hành động mang tính khủng bố chủ nghĩa, nhưng chưa hề tỏ thái độ chính thức đối với cách làm việc của tạp chí này.

Truyền thông chính thống Trung Quốc bên cạnh việc chỉ trích hành động khủng bố, đồng thời cũng nêu quan điểm rằng Charlie Hebdo "nên hạn chế trong hình thức biểu đạt, có sự tôn trọng hơn đối với Hồi giáo".

Trong khi đó, Hoàn Cầu cho hay, các ý kiến trên mạng internet của nước này có phần cởi mở hơn.

Nhiều người cho rằng hành động của Charlie Hebdo là một hình thức "khiêu chiến". Thậm chí, có ý kiến nói rằng - "Cứ để bọn họ làm vậy.

Châu Âu càng hỗn loạn thì Trung Quốc càng có lợi".

Châu Âu loạn, TQ "lợi bất cập hại"

Tuy vậy, đa số học giả Trung Quốc về quan hệ quốc tế trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu không đồng tình với quan điểm "châu Âu loạn có lợi cho Trung Quốc", cho rằng góc nhìn này "quá cảm tính và ấu trĩ".

Theo các nhà nghiên cứu, nếu châu Âu thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn, thì một trong những phía bị tổn thất đầu tiên sẽ là TQ.

Thứ nhất, kinh tế châu Âu - đối tác mậu dịch xuất khẩu lớn nhất của TQ - có khả năng rơi vào suy thoái, và Bắc Kinh sẽ ngay lập tức nhìn thấy mức ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thứ hai, "xung đột về văn minh tôn giáo" sẽ dẫn đến sự rạn nứt trong các mối quan hệ quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược "bước ra thế giới" của Bắc Kinh.

Thứ ba, chủ nghĩa cực đoan có cơ hội "ngóc đầu" tại các quốc gia hồi giáo. Chủ nghĩa này là điều mà TQ luôn lo sợ sẽ khiến họ mất kiểm soát tại Tân Cương hay Tây Tạng.

Bên cạnh đó, Hoàn Cầu đánh giá, nếu châu Âu trở thành tâm điểm của "xung đột văn minh", thì điều này có thể giảm bớt áp lực địa - chính trị đối với TQ.

Cách nhìn của các nước châu Âu đối với TQ có thể sẽ "bớt khắc nghiệt hơn", thậm chí có thể phát triển thành quan hệ đồng minh để "kiềm chế" Mỹ.

Do đó, ảnh hưởng của giả định "châu Âu hỗn loạn" đối với Mỹ có phần tiêu cực hơn so với TQ - Hoàn Cầu bình luận.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu nhìn nhận, Trung Quốc không phải là quốc gia "đại ca" trên thế giới để có thể nhàn hạ "tọa sơn quan hổ đấu" nếu châu Âu thực sự nảy sinh xung đột với thế giới Hồi giáo.

Trước đó vài ngày, có dư luận phê bình Bắc Kinh không cử quan chức cấp cao tham gia cuộc diễu hành chống khủng bố ở Paris hôm 11/1.

Chỉ có TQ và Mỹ là 2 quốc gia lớn vắng bóng lãnh đạo tại sự kiện này.

Hoàn Cầu nhận định, động thái mới nhất của Charlie Hebdo - thể hiện ngay trong số mới nhất của họ - cho thấy "TQ không tham gia cuộc diễu hành là đúng đắn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại