Kể từ những năm 1600, hai nước đã có một mối quan hệ ngoại giao chẳng lấy gì làm tốt đẹp, thậm chí đã có lúc dẫn tới giao tranh. Nhưng cuộc khẩu chiến sau vụ Su-24 bị bắn hạ vừa qua đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Nga-Thổ lên mức đỉnh điểm trong nhiều năm trở lại đây.
Nhìn lại lịch sử, Nga (1380) và Thổ Nhĩ Kỳ (1389) nổi lên như những thế lực của khu vực Á-Âu gần như cùng lúc. Tiếp sau đó là quãng thời gian chuyển mình kinh ngạc của đế chế Ottoman, đưa nước này lên vị thế siêu cường vào thế kỉ 16.
Khi đó, Nga tương đối khó khăn về tài nguyên và bị bao bọc bởi nhiều nước láng giềng hùng mạnh. Phải đến cuối thế kỉ 16 họ mới đạt đến tầm một thế lực đáng nể của châu Âu.
Quan hệ thù địch Ottoman-Nga bắt đầu vào thế kỉ 17, khi Nga gia nhập Liên minh Thần thánh với Ba Lan và đế chế Habsburg, từ đó đánh chiếm lãnh thổ của người Ottoman.
Bước ngoặt
Thế kỉ 18 đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Nga-Ottoman. Chính sách cải cách tây hóa dưới thời Peter Đại đế đã giúp nước Nga mạnh hơn. Đến thời Catherine Đại đế, Nga đã ghi dấu những chiến thắng quan trọng trước Ottoman.
Nổi bật nhất trong đó là thắng lợi vang dội trong cuộc chiến Nga-Thổ (1768-1774), giúp Nga chiếm được bắc Biển Đen. Crimea cũng từ đó được tách khỏi Ottoman, và không lâu sau đó được sáp nhập vào đế quốc Nga năm 1783.
Chiến thắng của Catherine Đại đế
Đó cũng là lần đầu tiên đế chế Ottoman để mất các tỉnh thành Hồi giáo vào tay một nước Ki-tô giáo. Thổ Nhĩ Kỳ đến giờ vẫn "cay cú" với thất bại này, qua đó phần nào giải thích tại sao nước này hục hặc với Nga nhiều hơn sau khi ông Putin kí sắc lệnh sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014.
Một sự kiện quan trọng khác là việc Nga đánh chiếm thành công Caucacus vào nửa đầu thế kỉ 19. Sau khi để mất quê hương vào tay Nga, khoảng 1 triệu người Hồi giáo Caucacus đã di cư tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm người này hiện vẫn sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, và có ảnh hưởng không nhỏ đối với thái độ của Ankara trong cuộc chiến tại Chechnya những năm 1990.
Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều thay đổi diện mạo rất nhiều sau thất bại ở Thế chiến I. Nga trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đà cải cách hiện đại hóa phi tôn giáo. Khi đều đang yếu, cả hai nước quyết định bắt tay nhau, hòa giải tranh chấp lãnh thổ.
Nhưng sau Thế chiến II, Nga bắt đầu gây áp lực trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga muốn kiểm soát toàn bộ eo biển Bosphore và Dardanelle, cũng như lãnh thổ phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là một diễn biến mấu chốt dẫn đến sự ra đời của Học thuyết Truman (1947) và Chiến tranh Lạnh.
Từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được hàng loạt hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ, và Ankara quyết định từ bỏ chính sách ngoại giao trung lập để gia nhập NATO vào năm 1952.
Ngay sau cái chết của Stalin năm 1953, Liên Xô gửi lời xin lỗi tới Thổ Nhĩ Kỳ và rút lại mọi yêu sách lãnh thổ. Quan hệ giữa hai nước cải thiện nhanh chóng, một phần không nhỏ vì Thổ Nhĩ Kỳ đã dần dần "giác ngộ" rằng các đồng minh phương Tây chẳng tốt đẹp như họ tưởng.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vì xâm chiếm Cyprus năm 1974, Liên Xô đã tranh thủ thời cơ và hỗ trợ kinh tế cho Thổ.
Quan hệ Nga-Thổ sau khi Liên Xô tan rã
Quan hệ đối tác kinh tế hai nước ngày một vững mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao đã gặp phải những biến chuyển phức tạp do sự thay đổi trong hệ thống địa chính trị toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng ảnh hưởng và đánh bật văn hóa Nga ra khỏi các quốc gia nói tiếng Thổ ở Trung Á và Azerbaijan.
Quan hệ với Armenia cũng là một điểm nóng. Hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ trong mắt người dân Armenia vốn cũng chẳng tốt đẹp gì sau vụ thảm sát năm 1915. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng đứng về phía Azerbaijan trong cuộc chiến tranh giành lãnh thổ với Armenia tại Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, Armenia lại là đồng minh trung thành nhất của Nga tại Caucacus.
Sau đó, chiến tranh Chechnya đánh dấu thách thức lớn nhất cho quan hệ Nga-Thổ trong nhiều năm. Phe ly khai Chechnya nhận được hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga đáp trả bằng cách ủng hộ phong trào ly khai của đảng Lao động người Kurd chống phá chính phủ Ankara.
Rốt cục hai nước đều đi đến quyết định từ bỏ việc hậu thuẫn với các phe ly khai và đi đến bình thường hóa.
Một "kỉ nguyên vàng" trong quan hệ Nga-Thổ tiếp nối ngay sau đó, những hợp tác kinh tế quy mô được thiết lập, trong đó có một đường ống dẫn dầu dưới biển được xây dựng năm 2003. Đến năm 2014, Nga trở thành đối tác xuất khẩu số một của Thổ Nhĩ Kỳ.
Du lịch cũng là cầu nối giữa hai nước, khi du khách Nga chiếm số lượng lớn nhất trong thị phần du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2013 đến nay.
Ngoài ra, hai nước cũng có nhiều dự án đáng chú ý khác như kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ của Rosatom, với trị giá lên tới 20 tỉ USD, cũng như đàm phán xây dựng đường ống dẫn dầu mới để đưa dầu của Nga tới châu Âu mà không cần thông qua Ukraine.
Rạn nứt vì Syria
Mục đích của Ankara là bảo vệ lực lượng nổi dậy mà họ đang hậu thuẫn tại Syria, trong đó có người Turkmen cũng như nhóm Anh em Hồi giáo đang chống lại chính phủ Bashar al-Assad.
Việc bắn rơi Su-24 có thể được hiểu như một cách để Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt vùng cấm bay dọc biên giới Syria-Thổ. Điều đó sẽ bảo vệ những lực lượng do Ankara "giật dây" cũng như "đánh động" các nước khác rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước có máu mặt trong khu vực.
Trong khi đó, Nga can dự vào nội chiến Syria với mục đích bảo vệ chính phủ Assad, vì Moscow cho rằng chỉ một chế độ độc tài mới có thể ngăn chặn vấn nạn Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông, điều họ luôn coi là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia cũng như trật tự thế giới.
Theo quan điểm của Moscow, việc thay đổi chế độ sẽ chỉ đem đến sự hỗn loạn, như những gì đã xảy ra tại Iraq, Lybia, hay thậm chí Ukraine. Ngoài ra, không thể phủ nhận ý đồ khẳng định vai trò cường quốc của Nga tại Trung Đông để cạnh tranh với phương Tây.
Nay, có thể coi quả tên lửa không-đối-không mà F-16 "dành tặng" cho Su-24, cũng là lần đầu tiên trong hơn một thế kỉ Nga-Thổ đụng độ quân sự, như chương mới nhất trong một câu chuyện trường kì về mối quan hệ đầy rẫy phức tạp giữa hai thế lực phía đông này.