Thổ Nhĩ Kỳ còn cơ hội trở thành "thế lực lớn Trung Đông"?
Theo ông Seibert, Nga sẽ không chỉ giáng những đòn nặng nề vào kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn "đặt dấu chấm hết cho kỳ vọng trở thành sức mạnh dẫn đầu ở Trung Đông" của Ankara.
"Không chỉ quan hệ Nga-Thổ bị đẩy tới 'bờ vực', mà bao gồm cả nguồn cung khí đốt từ Nga và kế hoạch tạo 'vùng đệm' của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ] Erdogan đã lên lãnh đạo với ý tưởng 'cải tổ Thổ Nhĩ Kỳ' trở thành một thế lực bền vững ở khu vực và theo đuổi những lợi ích ở Trung Đông," nhà báo người Đức viết.
Sau vụ Su-24 Nga bị bắn hạ bởi F-16 Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11, quan chức thân cận với ông Recep Tayyip Erdogan trong bài viết cho tờ Star của Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi đây là "quốc gia vĩ đại" và sẽ không cho phép vấn kỳ ai can thiệp vào sự vụ nội bộ của họ.
Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá toàn bộ khu vực nằm giữa vùng Balkan, Caucasus và Bắc Phi là phạm vi "lợi ích chủ quyền" của nước này.
"Tuy nhiên, trên thực tế thì tình hình ở quốc gia này rất khác biệt. Ông Erdogan hầu như không thể thực hiện được điều gì gây trở ngại đến Nga," Thomas Seibert bình luận.
Semih Idiz, nhà bình luận của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hürriyet không loại trừ khả năng tình hình sẽ diễn biến xấu đi khi "những người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria (phiến quân Turkmen)" sẽ hứng những đợt không kích mạnh mẽ hơn từ Không quân Nga.
Ông Idiz chỉ ra, "trêu chọc 'gấu nga' chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả".
Vụ Su-24 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn khả năng trở thành một thế lực ở Trung Đông vì đã chọc giận Nga?
Thổ Nhĩ Kỳ kéo cả Mỹ vào nguy cơ đối đầu Nga
Theo nhà bình luận chính trị Mỹ Patrick J. Buchanan, cựu cố vấn của các Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Ronald Reagan, ông Erdogan tức giận "bởi sự thành công của Putin trong việc bảo vệ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà ông đối địch".
Ankara cũng từng tỏ thái độ tức giận trước các cuộc không kích của Nga nhằm vào phiến quân Turkmen.
Tình cờ, chính những phiến quân này đã bắn vào các phi công của chiếc Su-24 bị rơi hôm 24, khi họ cố gắng đáp xuống mặt đất khiến 1 trong 2 phi công thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai ủng hộ các nhóm phiến quân muốn lật đổ chính phủ của ông al-Assad đến mức mà ông Buchanan phải chỉ ra rằng, Ankara "đứng về phe nổi dậy-thánh chiến".
"Ngày hôm nay, Putin đang ủng hộ Mỹ, Pháp chống lại IS.
Nhưng nếu chúng ta (Mỹ) làm theo những người Thổ Nhĩ Kỳ và viện trợ cho các nhóm nổi dậy tấn công quân đội Syria, thì chúng ta sẽ thấy mình ở vào thế đối đầu trực diện với Moscow.
Đó là tình thế mà các đồng minh NATO sẽ không còn ở bên Mỹ. Liệu có ai từng nghĩ đến điều này?" Buchanan phân tích.
Trong khi đó, nhà báo Thomas Seibert nhấn mạnh: "Luận thuyết biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một thế lực ở khu vực Trung Đông của Erdogan đã bị lung lay."
Ngay sau vụ Su-24, Không quân Nga đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích lớn ở tỉnh Latakia, phía bắc Syria.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/11 cho biết nước này vẫn tiếp tục tiến hành không kích vào các "mục tiêu khủng bố" gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Peskov: “Không có khái niệm ‘cách xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.’ Chỉ có khái niệm ‘không phận Syria.’
Chúng tôi thấy vui mừng nếu bọn khủng bố trú ẩn cách xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không may chúng có ý định tiếp tục trú ẩn tại khu vực gần khu vực biên giới.”
Nhà báo Seibert cho hay, giọng điệu và thái độ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi từ mềm mỏng tới cứng rắn sau vụ Su-24.
Ban đầu thì ông Erdogan kêu gọi "hòa bình, đối thoại và ngoại giao" với Nga, nhưng sau đó ông này tuyên bố máy bay Nga bị bắn hạ do xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây, Erdogan tiếp tục "khuyên" Moscow "không nên đùa với lửa" và từ chối xin lỗi như yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thậm chí, nhà lãnh đạo này không ngần ngại đe dọa sẽ xem Nga là kẻ xâm lược "nếu máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị hệ thống tên lửa phòng không Nga bắn rơi trong không phận Syria".
"Tôi rất nghi ngờ rằng những tuyên bố (của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tạo được một ấn tượng tốt đẹp nào với Moscow," Seibert kết luận.