Theo AFP, Tổng thống Aquino tuyên bố: “Chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng lời nói của họ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Cả thế giới đang theo dõi và trông đợi Trung Quốc hành xử như một cường quốc có trách nhiệm”.
Ông Aquino nhấn mạnh hoạt động bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông là “bất chấp luật pháp quốc tế” và sự hiếu chiến, gây hấn của Bắc Kinh đã leo thang đến mức “chúng tôi không còn có thể đi vào chính vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước mình”.
Tổng thống Philippines kêu gọi sử dụng Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
“Dưới luật pháp quốc tế, quyền lợi chính đáng sẽ vượt trên sức mạnh” - ông Aquino khẳng định.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tỏ thái độ xấu về biển Đông. Tại EAS, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông “chưa bao giờ là vấn đề”.
Ông Lưu nhắc lại quan điểm cũ rích và lạc lõng của Trung Quốc là từng nước đòi chủ quyền trên biển Đông đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp.
Trước đó tại Kuala Lumpur, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Trung Quốc dừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này.
Đến Sydney đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Maris Payne và Ngoại trưởng Julie Biship, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida khẳng định Tokyo ủng hộ Mỹ tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.
Ngoại trưởng Úc Bishop cho rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép khiến căng thẳng trên biển Đông leo thang.
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về nguy cơ quân sự hóa các đảo nhân tạo và các cấu trúc trên biển Đông” - bà Bishop cho biết.