Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 21/11 bình luận, Bắc Kinh đang thay đổi chính sách để tránh sự công kích từ cộng đồng quốc tế bằng cách nâng cao "lá bài" hợp tác kinh tế, nhằm lôi kéo các quốc gia ASEAN, đồng thời đối đầu với chiến thuật cô lập Bắc Kinh về ngoại giao của Mỹ.
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật Bản chỉ ra, trước hội nghị cấp cao của ASEAN, Mỹ và Trung Quốc đã triển khai hàng loạt cuộc đối đầu quyết liệt trên truyền thông với phát biểu từ các tướng lĩnh, quan chức, chuyên gia xoay quanh hoạt động cải tạo đảo, đá trái phép mà Bắc Kinh tiến hành trên biển Đông.
Theo Nikkei, cho đến trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Philippines trong 2 ngày 18-19/11 vừa qua, Bắc Kinh đã nhận thức rõ nguy cơ bị Washington "bủa vây" thông qua hàng loạt các cuộc hội đàm song phương và đa phương.
Để đối phó tình hình này, Trung Quốc đã dồn sức tuyên truyền cho "lưỡi kiếm" hợp tác kinh tế, đồng thời Ngoại trưởng Vương Nghị thực hiện chuyến công du chớp nhoáng tới Philippines nhằm "dọn đường" cho Chủ tịch Tập Cận Bình để tránh bị "lép vế" trước Mỹ về vấn đề biển Đông tại APEC.
Phía Trung Quốc cũng hành động theo phương châm nhất quán là "nói không với tất cả đề nghị hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung do Washington đề xuất".
Trung Quốc "thất thế" ở hàng loạt hội nghị quốc tế
Hãng thông tấn Jiji Press (Nhật Bản) cho hay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày hôm qua (21/11) đã có bài diễn văn tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, tổ chức ở thủ đô Kula Lumpur, Malaysia.
Tại đây, ông Lý đã có tuyên bố hùng hồn rằng sẽ hỗ trợ 10 tỉ USD cho khu vực Đông Nam Á để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Điều trùng hợp là, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố hôm 21 rằng sẽ hỗ trợ 10 tỉ USD cho ASEAN trong vòng 5 năm tới.
Jiji Press nhận định, có thể thấy rõ Bắc Kinh đang trở nên quyết liệt hơn trong cuộc đua với Mỹ-Nhật nhằm tranh giành thái độ tích cực từ ASEAN trên lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nguyên nhân của sự chuyển dịch này được cho là bởi chiến lược bành trướng bằng sức mạnh mà Trung Quốc theo đuổi kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đang thu về những kết quả tệ hại.
Không chỉ thất thế khi bị Philippines kiện ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) chống lại yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Đông, Bắc Kinh mới đây tiếp tục hứng thái độ cứng rắn từ Indonesia.
Hôm 20/11, chính phủ Indonesia đã ra văn kiện chính sách, trong đó tuyên bố rõ ràng: "'Đường 9 đoạn' không có căn cứ dựa theo luật pháp quốc tế", bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Bắc Kinh.
Đa Chiều bình luận, trong bối cảnh phương Tây ngày càng nhận thức rõ về những hành động của Trung Quốc ở biển Đông, thì việc một quốc gia có tiếng nói khá mạnh ở ASEAN như Indonesia bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc sẽ là một đòn đánh mạnh vào nước này.
Thậm chí, theo Đa Chiều, cục diện biển Đông đang diễn biến theo chiều hướng mà Bắc Kinh không thể kiểm soát nổi, và quân bài kinh tế không phải là cứu cánh tuyệt đối của họ trong "vòng vây" của Mỹ, Nhật Bản cùng các đối tác.
Phát biểu của ông Lý Khắc Cường tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc rằng "vấn đề hòa bình, ổn định và tự do lưu thông ở biển Đông bị cường điệu hóa" nhằm phản ứng lại các tuyên bố và hành động của Mỹ, cũng không còn tạo được ảnh hưởng trên truyền thông nữa.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là sẽ trực tiếp kêu gọi ASEAN ủng hộ hoạt động tuần tra biển Đông của nước này, nhằm gia tăng sức ép về ngoại giao buộc Bắc Kinh nghiêm túc trong việc thúc đẩy thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Trong tình hình đề xuất đối thoại của Trung Quốc vấp phải thái độ nghi ngại từ các bên, nước này cũng đứng trước khó khăn trong việc tìm cách ngăn cản Mỹ "thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không" trên biển Đông.
Đa Chiều cho biết, trước thềm hội nghị APEC vừa qua, ông Obama cũng có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và tuyên bố "quan ngại hoạt động bồi lấp, xây đảo (trái phép-PV) mà Trung Quốc thực hiện ở biển Đông".
Do Philippines đồng ý với Trung Quốc, vấn đề biển Đông đã không xuất hiện trong chương trình nghị sự của APEC. Tuy nhiên, nội dung nghị trình ở các hội nghị cấp cao ASEAN đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh.
Mỹ và Nhật Bản khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn trên cả lĩnh vực ngoại giao lẫn kinh tế-đầu tư ở khu vực Đông Nam Á?
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra "khu vực 12 hải lý"
Trong một diễn biến khác, Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ Scott Swift hôm 17/11 đánh giá, ông không nhìn thấy bằng chứng về sự điều chỉnh hành vi của Trung Quốc tại biển Đông sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập hồi cuối tháng 9.
"Tôi nhận định đây chính là hiện trạng," ông Swift nói.
Hãng Reuters ngày 20/11 cho biết, quân đội Mỹ có khả năng tiến hành một cuộc tuần tra nữa khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá trên biển Đông trong năm nay.
Nếu điều này trở thành sự thực, đây sẽ là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng Mỹ điều tàu chiến tiếp cận "khu vực 12 hải lý", một cách để Washington gửi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh.
Theo Reuters, chuyến tuần tra tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Hôm 27/10, quân đội Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn và đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng.
Các quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định, hoạt động tuần tra biển Đông chỉ nhằm mục đích khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển quốc tế.