Trong tuần này, chính phủ Estonia đã công bố kế hoạch xây dựng một hàng rào an ninh cao 2,5m và dài khoảng 110 km dọc biên giới phía đông nước này với Nga.
Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD. Đáng lưu ý là kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh những căng thẳng giữa Moskva và phương Tây đang leo thang liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Đồng thời, châu Âu đang vật lộn với làn sóng người nhập cư tràn vào châu lục này. Sáng kiến trên nhận được sự ủng hộ của Latvia khi Bộ trưởng Nội vụ nước này, Rihards Kozlovskis, lặp lại nhiều lần về những kế hoạch tương tự.
Các nhà lãnh đạo Estonia và Latvia, khi nói về nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng trên biên giới của họ, đã tránh đề cập đến mối quan hệ song phương đang lạnh nhạt với Nga. Vậy tại sao "bức tường Berlin" mới này cần thiết?
"Mục đích của việc xây dựng là để thiết lập hệ thống giám sát kỹ thuật cả ngày lẫn đêm, tạo ra những điều kiện lý tưởng nhằm bảo vệ khu vực biên giới và đảm bảo an ninh của Estonia cũng như các nước thuộc hiệp ước Schengen (hiệp ước về tự do đi lại giữa một số nước châu Âu)", người phát ngôn Bộ Nội vụ Estonia Toomas Viks nói.
Theo ông Viks, những thông tin thu thập được từ các hệ thống giám sát có thể được sử dụng để điều tra các trường hợp vượt biên bất hợp pháp, buôn lậu và buôn bán người.
Như phương tiện truyền thông Estonia báo cáo, chiều dài hàng rào trên sẽ chỉ chiếm 1/3 biên giới với Nga vì phần lớn nó được bao phủ bởi nước.
Phản ứng của Nga Tin tức về việc xây dựng hàng rào mới nhanh chóng nhận được sự chú ý của giới truyền thông và chính trị Nga, những người từng chỉ trích mạnh mẽ về ý tưởng này.
Các nhà ngoại giao Nga đã mô tả sáng kiến về việc xây dựng bức tường này là "chính trị hóa thầm lặng", nhấn mạnh rằng Moskva coi "bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm xây dựng các cơ sở nổi trên biên giới với Nga" là hành động bất hợp pháp, bởi vì hiệp ước biên giới giữa Nga và Estonia vẫn chưa hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, Moskva cho rằng các bước của Riga và Tallinn nhằm tăng cường biên giới quốc gia của họ như là một động thái chính trị, hùa theo những ý tưởng của chính phủ Ukraine về một bức tường trên biên giới với Nga, đã được thảo luận vào đầu năm nay.
Ngoài ra, đại diện chính phủ Nga nói rằng việc xây dựng hàng rào là trực tiếp nhằm hạn chế người Nga trong khu vực. Konstantin Kosachev, Phó trưởng Ban Đối ngoại Quốc hội Nga, đã lên án kế hoạch xây dựng hàng rào.
Theo ông, Estonia không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác và thay vào đó, mục đích của hành động này là ý thức hệ - nhằm miêu tả Nga là một mối đe dọa cho châu Âu.
Tuy nhiên, giả sử rằng Riga và Tallinn thực sự cần thiết phải tăng cường an ninh biên giới, không phải bất kỳ hành động nào liên quan đến vấn đề này cũng sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện những căng thẳng chính trị.
Hơn nữa, mong muốn trên của Estonia và Latvia có khả năng bị cản trở bởi một vấn đề thực tế hơn: thiếu kinh phí.
Theo lời của Tư lệnh Biên phòng Latvia Normunds Garbars: "Năm nay, khoảng một nửa triệu euro đã được phân bổ cho việc phân định biên giới với Nga, nhưng tình hình tài chính năm 2016 vẫn còn chưa chắc chắn".
Hiện cả Riga và Tallinn rõ ràng đang mong muốn các quỹ của châu Âu đầu tư cho công trình xây dựng này trong thời gian tới. Nhưng liệu Brussels sẽ ủng hộ?
Một hàng rào như vậy trong môi trường hiện tại sẽ trở thành một biểu tượng của Bức màn sắt mới, một bức tường Berlin thứ hai - lần này được xây dựng bởi phương Tây.