Biển Đông: TQ vẫn "dùng" Indonesia để chống lại Mỹ-Nhật-Australia

Hải Võ |

Bất chấp tình trạng căng thẳng với Indonesia những ngày vừa qua, Bắc Kinh vẫn xem Jakarta là "chỗ dựa chiến lược" để kìm chân Mỹ ở phía Đông biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 22/3 cho biết, giữa 2 nước gần đây phát sinh mâu thuẫn liên quan đến tàu cá, nhưng Jakarta hy vọng duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.

Tờ Business Insider của Mỹ đánh giá phát biểu của bà Marsudi là "mang màu sắc ngoại giao" và không thể phủ nhận căng thẳng Trung Quốc-Indonesia sẽ tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên, trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, trong khi Mỹ, Nhật, Australia và các đối tác ở biển Đông cho rằng quan hệ Bắc Kinh-Jakarta sẽ trở nên gay gắt bởi mâu thuẫn ở vùng biển quần đảo Natuna, thì Indonesia "đã trở thành một hướng đột phá của Bắc Kinh".

Theo trang này, những thông tin làm dấy lên ý kiến về tình trạng tồi tệ trong quan hệ giữa Trung Quốc với Indonesia mới chỉ dấy lên gần đây, sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc cố ý ngăn cản lực lượng chấp pháp Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh cá phi pháp.

Vụ việc trở nên thực sự nghiêm trọng trên bình diện ngoại giao khi Ngoại trưởng Marsudi triệu kiến Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia hôm 21/3 và trao công hàm phản đối của nước này.


Nhiều tàu Trung Quốc từng bị Indonesia bắt giữ và tiêu hủy với cáo buộc đánh cá trái phép, nhưng căng thẳng song phương chưa từng trở nên nghiêm trọng như vừa qua. (Ảnh minh họa: SCMP)

Nhiều tàu Trung Quốc từng bị Indonesia bắt giữ và tiêu hủy với cáo buộc đánh cá trái phép, nhưng căng thẳng song phương chưa từng trở nên nghiêm trọng như vừa qua. (Ảnh minh họa: SCMP)

Vòng vây siết chặt Bắc Kinh trên biển Đông

Mâu thuẫn Mỹ-Trung trên biển Đông đã leo thang từ tháng 10/2015 và đến nay đã trở nên rõ ràng.

Điển hình là sự kiện biên đội tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ tiến vào biển Đông hôm 4/3/2016, cho thấy thái độ mạnh mẽ của Washington.

Sau Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN diễn ra vào tháng 2 ở California, đến cuối tháng các đồng minh của Washington đã triển khai hàng loạt động thái phối hợp.

Hành động đưa tàu sân bay USS John C. Stennis tới biển Đông cũng được cho là dấu hiệu của một cuộc bố trí lực lượng quy mô lớn từ quân đội Mỹ.

Đa Chiều cho hay, trong những lần Mỹ và đồng minh, đối tác triển khai hành động ở phía Đông biển Đông trước đây, thái độ kháng nghị ở Indonesia đã được Trung Quốc lợi dụng và xem đó như một sách lược ứng phó.

Trước việc Philippines tuyên bố chính thức cho Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở nước này, Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 21/3 tiếp tục lên tiếng cáo buộc sự hiện diện của quân đội Mỹ là hành động "quân sự hóa biển Đông".

Trước đó, hai đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản, Australia đã cùng Ấn Độ tổ chức hội nghị Thứ trưởng ngoại giao tại Tokyo sáng 26/2.

Tại đây, ba bên đã bày tỏ thái độ "quan ngại mạnh mẽ" trước các diễn biến thúc đẩy quá trình quân sự hóa trên biển Đông của chính phủ Trung Quốc, đồng thời đạt được nhận thức chung về tăng cường hợp tác an ninh trên biển.

Ba nước nhận định hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông là hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông và gây ra bất ổn cho tình hình khu vực.

Đến 29/2, Tokyo tiếp tục đạt thỏa thuận cùng Manila về việc tăng cường hoạt động tuần tra biển Đông.

Theo Đa Chiều, các nỗ lực từ đồng minh của Washington đã giúp các hành động tuần tra gìn giữ tự do hàng hải trên biển Đông của tàu chiến, máy bay Mỹ kể từ tháng 10/2015 được ghi nhận ở phạm vi lớn hơn, mang lại hiệu quả lớn hơn so với việc quân đội Mỹ tự mình hành động.

Ở khu vực biển Đông, sự hiện diện của Nhật Bản và Australia, vốn bị báo chí Trung Quốc cho là "nói nhiều làm ít", đã trở nên hết sức rõ ràng.

Bên cạnh việc tham gia cuộc tập trận vào tháng 4 do Indonesia tổ chức theo thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á, kế hoạch đưa tàu ngầm đến cảng Subic của Philippines ngày 27/4 là "một tín hiệu lớn" về hiện diện quân sự của Tokyo trên biển Đông.

Đồng thời, Australia cũng triển khai hành động.

Bộ trưởng quốc phòng nước này Marise Payne hôm 21/3 khẳng định Canberra sẽ tiếp tục điều tàu chiến, máy bay tuần tra biển Đông, cũng như trước đó bà nhiều lần khẳng định tính hợp pháp và không thể thay đổi của hoạt động này.

Như vậy, các diễn biến gần đây như Mỹ gia tăng hiện diện ở Philippines, Nhật Bản quyết tâm đưa vấn đề biển Đông ra hội nghị G7 và Australia tiếp tục cử lực lượng tuần tra biển Đông, Bắc Kinh một lần nữa bị Washington và đồng minh "siết chặt vòng vây".

Dù Mỹ-Nhật-Australia chưa tổ chức được hoạt động tuần tra chung, nhưng lộ trình hợp tác của 3 nước đang hướng tới mục tiêu này.

Đa Chiều bình luận, việc hợp tác trên có thể tạo thành "tam giác" phối hợp, hỗ trợ và sức mạnh tập thể, hình thành thách thức thực chất nhằm vào các hành vi bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Trung Quốc buộc phải níu kéo Indonesia

Trong bối cảnh liên minh của Mỹ trở nên vững mạnh, Bắc Kinh đang đối phó sức ép bằng cách tận dụng mọi nguồn lực, cơ chế liên kết chống kiềm chế, chuẩn bị cho các "tình huống bất ngờ".

Do đó, căng thẳng Bắc Kinh-Jakarta leo thang ở khu vực quần đảo Natuna được giới quan sát đánh giá là một diễn biến có ảnh hưởng rất xấu đến Trung Quốc.


Hải quân Philippines tập trận chung cùng quân đội Mỹ và Nhật Bản ở biển Đông. (Ảnh: AFP)

Hải quân Philippines tập trận chung cùng quân đội Mỹ và Nhật Bản ở biển Đông. (Ảnh: AFP)

Tờ New York Times (Mỹ) cũng nhận định phản ứng quyết liệt của Indonesia sự kiện 19/3 có khả năng là "bước ngoặt trong ứng xử của Jakarta trước thái độ ngông cuồng của Trung Quốc ở biển Đông".

Theo tờ này, trong khi các thành viên khác của ASEAN và Trung Quốc chưa tìm được tiếng nói chung, cũng như mối đe dọa từ các đảo nhân tạo được Bắc Kinh quân sự hóa (trái phép) tăng lên, động thái của Indonesia được xem như một cơ hội "sau lưng Trung Quốc" mà Mỹ có thể tận dụng.

Sau vụ 19/3, bất chấp phản ứng mạnh từ Bộ ngoại giao và cả Bộ quốc phòng Indonesia, chính phủ Trung Quốc vẫn nhấn mạnh các điểm chung giữa hai bên và "vấn đề giữa Jakarta với Bắc Kinh không hề nghiêm trọng".

Bộ ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định "Indonesia không có yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV)", như một tín hiệu rằng "Bắc Kinh không nhằm vào Indonesia trong vấn đề biển Đông".

Trung Quốc cũng nhắc lại tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, xác nhận Trung Quốc "không có tranh cãi gì về điều này", đồng thời kêu gọi hai nước "giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn trên biển bằng con đường đối thoại".

Đặc biệt, khi 2 nước lên tiếng rằng "2 năm qua, song phương đã xử lý tốt các vấn đề ngư nghiệp và duy trì trao đổi mật thiết", Trung Quốc cũng đạt được mục đích trước mắt khi xác định rằng Indonesia tạm thời "chưa có dấu hiệu can thiệp cục diện đối đầu ở biển Đông".

Việc Jakarta tiếp tục giữ thái độ trung lập, hoặc không đưa mâu thuẫn với Trung Quốc vào ASEAN, vẫn giúp Bắc Kinh "kìm hãm" thế tấn công của Mỹ ở phía Đông biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại