Chiếc tàu cá Lu Yan Yuan Yu 010 của Trung Quốc bị tuần duyên Argentina đánh chìm hồi giữa tháng 3-2016 vì đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Argentina - Ảnh: AFP
Bộ trưởng An ninh Malaysia Shahidan Kassim ngày 25-3 cho biết chính quyền nước này đã điều lực lượng Cơ quan thực thi hàng hải và hải quân đến khu vực để giám sát tình hình sau khi lực lượng tuần tra bờ biển nước này xác nhận phát hiện gần 100 tàu cá Trung Quốc tại bãi Luconia của Malaysia.
Ông Shahidan không nói thêm về tình trạng, loại tàu cũng như vị trí đội tàu cá của Trung Quốc, nhưng cảnh báo chính quyền Kualar Lumpur sẽ thực thi luật pháp nếu xác định được các tàu trên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tín hiệu cứng rắn của Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 25-3 nói rằng “không biết chi tiết” về những gì mà Chính phủ Malaysia lên tiếng về vụ việc.
“Hiện nay là mùa đánh cá ở Biển Đông. Vào thời điểm này trong năm, các tàu cá của Trung Quốc có mặt trong những vùng biển ở đây để đánh bắt cá bình thường” - ông Hồng Lỗi tuyên bố.
Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau vụ Indonesia bắt giữ tám ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Natuna của Indonesia.
Khi đó, Bắc Kinh ngang nhiên khẳng định đây là khu vực đánh bắt cá truyền thống của nước này và cũng chẳng giải thích việc tàu tuần duyên của nước này can thiệp để giải cứu tàu cá từ tay lực lượng Indonesia.
Dù đã phản đối chính thức và tuyên bố sẽ truy tố các thủy thủ Trung Quốc, diễn biến mới này buộc các chính trị gia Indonesia kêu gọi lập căn cứ quân sự ở Natuna.
“Một căn cứ quân sự ở Natuna rất quan trọng đối với hệ thống quốc phòng ở miền trung Indonesia vốn tiếp giáp với nhiều nước ở Biển Đông” - chủ tịch Ủy ban đối ngoại và quốc phòng Hạ viện Mahfud Siddiq cảnh báo hôm 25-3.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cũng tuyên bố từ bỏ thái độ trung lập về vấn đề Biển Đông.
“Chúng ta không thể giữ trung lập vì chúng ta là một trong các bên có tuyên bố chủ quyền” - ông Aman nói trên tờ The Star, khẳng định lập trường của Kuala Lumpur là các tuyên bố phải dựa theo luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thông điệp từ vụ việc không chỉ là các hành động xâm phạm của Trung Quốc đang buộc những nước vốn thường kiềm chế trong tranh chấp Biển Đông phải lên tiếng, mà là sự lo ngại rằng đây chỉ mới là khởi đầu cho sự ngang ngược của Trung Quốc trên khắp Biển Đông.
“Vì vụ này xảy ra ngay sau vụ Indonesia, tôi không nghĩ nó là một sự trùng hợp.
Tôi cho rằng phải có gì đó với quyền lực cấp cao hơn đứng sau vụ này” - ông Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy của Úc, nhận định.
Theo ông, ngoài các tàu cá và tàu tuần duyên còn có cả bên quân đội Trung Quốc liên quan đến các vụ việc.
Chuyên gia Lý Minh Cường của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Trường đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nhận định nếu bên quân đội có liên quan trong các động thái của Trung Quốc thì điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ song phương Malaysia - Trung Quốc.
Trung Quốc có tính toán
Từ quan điểm của ông Euan Graham, tạp chí Diplomat giải thích các vụ xâm phạm của ngư dân Trung Quốc đang thể hiện “chiến lược hàng hải” mà Bắc Kinh đề cập trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, nhằm giành lấy các lợi ích trên Biển Đông.
Theo đó, Quốc hội Trung Quốc tỏ ý khuyến khích các hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá tại các vùng biển tranh chấp để thực hiện việc “bảo vệ các quyền lợi”.
Theo tờ báo, việc thực thi luật pháp đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược hàng hải của Trung Quốc và đến nay lực lượng tàu tuần duyên của nước này đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ từ việc đi qua khu vực tranh chấp ở đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật để khẳng định chủ quyền cho đến dọa nạt các thủy thủ nước ngoài.
Tiếp đến, chiến lược hàng hải cũng cho phép các lực lượng hành pháp hàng hải phối hợp với dân sự để giành chủ quyền trên Biển Đông.
Giới chức Trung Quốc từng xác nhận Bắc Kinh khuyến khích ngư dân liều lĩnh đi vào các vùng tranh chấp trên Biển Đông bằng cách trợ cấp và huấn luyện an ninh cho các ngư dân.
Vụ việc xảy ra ở Indonesia là một ví dụ cho thấy chính quyền Trung Quốc đứng sau các hoạt động của ngư dân nước này tại các vùng biển tranh chấp.
Luật đánh cá của Trung Quốc xác định khu vực đánh cá ở Trường Sa bao gồm toàn bộ vùng biển bên trong “đường chín đoạn” và các cơ quan chính quyền cấp giấy phép và hỗ trợ ngư dân đánh cá trong khu vực này.
Một phần của “đường chín đoạn” lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Bắc Kinh đã đẩy các ngư dân đến đánh bắt tại khu vực vùng biển Natuna của Indonesia để chứng minh đây là “vùng đánh cá truyền thống” của mình.
Trong khi đó, các tàu tuần duyên cũng có mặt để thực hiện hai nhiệm vụ chính: bảo vệ các ngư dân và khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Tình thân hay sự mua chuộc
Chuyên gia Munir Majid của Trung tâm Chiến lược, ngoại giao và các vấn đề đối ngoại Malaysia mới đây tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc tung tiền cho các nước khu vực sông Mekong tại Hội nghị hợp tác Mekong - Lan Thương tuần qua, mà theo giới phân tích là nhằm mua niềm tin của các nước.
Tại đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi năm nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam là người thân trong gia đình.
“Trong gia đình, lời hứa tiền bạc thường kèm với cư xử ngoan ngoãn” - ông Majid viết trên tờ The Star.
Ông cảnh báo sự lật mặt của Bắc Kinh khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) với ASEAN năm 2002 để rồi xua đuổi lực lượng Philippines khỏi bãi Scarborough năm 2012 và làm trì trệ cuộc đàm phán hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
“Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền của mình. ASEAN phải thể hiện rằng họ không bị mua chuộc” - ông Majid cho biết.