Ngưng cải tạo, nhưng vẫn quân sự hóa
Tại hội nghị khu vực diễn ra tại Kuala Lumpur tuần trước, Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến cái gọi là "mục đích hòa bình" của mình để trấn an các quốc gia trong khu vực, qua đó đánh lạc hướng dư luận khỏi những hành vi gây bất ổn của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo chí trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh đã chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo (phi pháp - PV).
"Trung Quốc đã ngưng các hoạt động này. Các ông có thể bay qua để kiểm chứng" - ông Vương phát biểu.
Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng trên website của viện nghiên cứu CSIS được tạp chí National Interest dẫn lại, bà Glaser chỉ ra rằng, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lờ đi hoàn toàn các hoạt động quân sự hóa đảo đá phi pháp của Bắc Kinh.
Theo chuyên gia này, một đường băng dài 3 km đã gần hoàn thiện trên Đá Chữ Thập (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Ngoài ra, theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris, Bắc Kinh cũng đang xây hangar phục vụ máy bay chiến thuật.
Nhìn vào những bức ảnh vệ tinh gần đây, có thể thấy các trạm radar, doanh trại quân đội, sân bay trực thăng, và đài quan sát cũng đã và đang xuất hiện ngày một nhiều trên các đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trung Quốc đã cảm nhận được áp lực, nhưng chưa đủ
Theo bà Glaser, phát biểu mang tính trấn an của ông Vương Nghị đã được tính toán trước về mặt thời điểm, tại hội nghị với sự có mặt của cả ASEAN và Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu áp lực phải kiềm chế và tham gia vào đối thoại giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi các bên liên quan lập tức chấm dứt cải tạo và quân sự hóa các khu vực tranh chấp.
Cảm nhận được mối quan ngại ngày càng gia tăng của các nước trong khu vực về các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc đã ra tín hiệu sẵn sàng hợp tác qua việc thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước.
Tuy nhiên, bà Glaser hoài nghi về hiệu quả thực sự của đường dây nóng, khi mà những tác nhân nhiều khả năng gây xung đột nhất trên biển là lực lượng cảnh sát biển, hải quân và dân quân biển lại không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, theo bà, Bộ Ngoại giao không thực sự có tiếng nói đáng kể trong giới cầm quyền Trung Quốc, và hiếm khi được độc lập phụ trách xử lý khủng hoảng.
Bà Glaser nhận định, thay vì một đường dây nóng nhiều khả năng sẽ không đem lại hiệu quả, Trung Quốc và ASEAN nên tập trung đẩy mạnh mục tiêu thiết thực và lâu dài hơn, đó là thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (CoC).
Trong cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và ASEAN tuần trước, Bắc Kinh đã cam kết sẽ một lần nữa đẩy nhanh tiến độ tham vấn CoC.
Nhưng theo bà Glaser, thực tế Trung Quốc sẽ không làm gì cả, ít nhất là cho đến khi nước này đã hoàn tất kế hoạch ngắn hạn của mình, bao gồm đơn phương áp đặt Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa nó vào hiệu lực.
Chuyên gia này cũng cho rằng, áp lực mà các nước đang tạo ra cho Bắc Kinh tuy có tác dụng nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi tham vọng của Bắc Kinh, đó là ép các nước ASEAN phải tuân theo các "lợi ích quốc gia" ngang ngược và phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Do đó, bà Glaser cho rằng vẫn cần những động thái nỗ lực hơn nữa từ phía ASEAN để thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận một giải pháp giải quyết tranh chấp hòa bình và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên liên quan, dù là nước lớn hay nhỏ, quân đội mạnh hay yếu.
Để làm được điều đó, bà kêu gọi ASEAN đưa ra "tối hậu thư" với Trung Quốc, rằng các bên phải đạt được thỏa thuận thiết lập CoC vào cuối 2015, với những điều khoản giảm thiểu rủi ro và giải quyết tranh chấp trong hòa bình.
Còn nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược không theo số đông, ASEAN cần đơn phương áp đặt Bộ Quy tắc Ứng xử này, thay vì tiếp tục chần chừ, vì như vậy chẳng khác nào "vẽ đường" cho Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành vi bành trướng như hiện nay.
Nói tóm lại, ASEAN cần nhận ra rằng chủ động vẫn hơn, vì "cò cưa" với Trung Quốc chưa, và sẽ không bao giờ là thượng sách.