Con rồng Trung Quốc đã hết hơi?

Dạ Thảo |

Nhu cầu nội địa tại Trung Quốc giảm sút và tăng trưởng đã chậm lại.

Ngày 11-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ thông báo phá giá nhân dân tệ. Tỉ giá mới là 1 USD bằng 6,2298 nhân dân tệ so với mức 6,1162 nhân dân tệ hôm trước đó.

Như vậy nhân dân tệ đã mất giá gần 2%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo giảm tỉ giá nhằm xác định đúng giá trị thật của nhân dân tệ. Hãng tin Bloomberg nhận định đây là lần phá giá chưa từng thấy.

AFP nhận định Trung Quốc đưa ra quyết định kể trên chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố mức xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm mạnh 8,3%.

Đây là mức giảm mạnh nhất trong bốn tháng qua trong khi các nhà kinh tế chờ đợi giảm chừng 1%.

Hàng “made in China” xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đã giảm 12,3%, xuất khẩu sang Mỹ giảm 1,3% (lần đầu tiên từ tháng 3) và xuất khẩu sang Nhật giảm 13%.

Trong khi đó, mức nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1% so với tháng 7-2014. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đã suy giảm.

Chuyên gia kinh tế Khuất Hồng Bân ở ngân hàng HSBC nhận xét: “Nhu cầu nội địa hồi phục trở lại là điều còn rất xa vời”.

Ngày 10-8, AFP đã đăng bài viết nhận định thị trường Trung Quốc không còn là biểu tượng cho vùng đất vàng như ngày trước nữa.

AFP ghi nhận rất nhiều công ty đa quốc gia nhận thấy ở Trung Quốc, nhu cầu giảm sút và tăng trưởng chậm lại nên doanh số của họ cũng giảm.

Trong khi mùa công bố kết quả doanh thu quý đang diễn ra rầm rộ ở châu Âu, Mỹ, Nhật thì tình hình tại Trung Quốc “vắng tanh như chùa bà Đanh”.

Tình hình thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực ô tô. Doanh số bán xe tại Trung Quốc đã giảm 2,3% trong tháng 6 và nếu tính chung nửa đầu năm thì chỉ tăng 1,4%.

Hãng Volkswagen (Đức) ghi nhận lần đầu tiên trong 10 năm qua doanh số đã giảm. Trong sáu tháng đầu năm 2015, doanh số giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Friedrich Eichiner, Giám đốc tài chính hãng BMW (Đức), cảnh báo: “Nếu các thách thức gia tăng trên thị trường Trung Quốc, chúng tôi không loại trừ xem xét lại các dự báo”.

Với tình hình sụp đổ mới đây của thị trường chứng khoán Thượng Hải, dù nhà nước Trung Quốc can thiệp mạnh thì cảm giác mong manh vẫn tồn tại nơi các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực gang thép, vào cuối tháng 7, Tập đoàn JFE Holdings (lớn thứ hai của Nhật) đã phải giảm dự báo tăng trưởng năm 2015.

Tập đoàn đánh giá kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và sản lượng thép đã vượt nhu cầu.

Tập đoàn UTC của Mỹ (chuyên sản xuất thang máy Otis và hệ thống điều hòa) cũng giảm dự báo trong năm 2015 vì ghi nhận tình hình chậm tăng trưởng ở Trung Quốc tệ hơn dự kiến.

Nguyên nhân là thị trường bất động sản đã đình trệ sau nhiều năm tăng trưởng nóng khiến các dự án của các nhà đầu tư đều tê liệt.

Chuyên gia Mark Williams ở Công ty tư vấn Capital Economics (Anh) nhận định:

“Một phần ba tăng trưởng thế giới dựa vào Trung Quốc nhưng tương quan nay đã thay đổi đáng kể”.

Ông ghi nhận các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp nặng ở Trung Quốc đang chậm lại rất nhanh trong khi đây chính là các đòn xeo tăng trưởng bấy lâu nay của Trung Quốc.

Reuters đưa tin ngày 7-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo: “Tình hình kinh tế Trung Quốc có thể đương đầu với những khó khăn trong những tháng tới”.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhận định kinh tế suy giảm do khủng hoảng thị trường chứng khoán vừa qua, lĩnh vực bất động sản phát triển chậm lại, nhu cầu nội địa bấp bênh và xuất khẩu giảm.

7% tăng trưởng GDP ở quý 2 là mức tương đương quý 1 theo công bố của chính phủ Trung Quốc.

Chuyên gia Mark Williams ở công ty tư vấn Capital Economics (Anh) không tin số liệu này: “Thực tế còn tệ hơn số liệu GDP này… Các chỉ số đều cho thấy hoạt động kinh tế Trung Quốc đột ngột chậm lại”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại