Theo phân tích của trang tin Trung Đông Asharq al-Awsat, dấu hiệu đầu tiên của việc Iran "thay lòng đổi dạ" là tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani tuần trước, rằng chính phủ Tehran sẽ không ủng hộ ý tưởng biến Syria thành một nhà nước liên bang do Moscow đề xuất.
"Iran tôn trọng thống nhất, toàn vẹn, và quyền được kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước của chính phủ Syria" - ông Rouhani nhấn mạnh.
Chỉ vài giờ sau, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã phải lên tiếng phủ nhận nước này đang hục hặc với Tehran trong vấn đề Syria.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Iran trong vấn đề Syria, trong khuôn khổ quy tắc nhóm hành động quốc tế tại Syria" - ông Lukashevich phát biểu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Nga phủ nhận như vậy cũng chẳng khác nào thừa nhận.
"Việc Nga nhắc tới 'nhóm hành động quốc tế' là một chi tiết đáng chú ý. Tehran luôn tìm cách giải quyết vấn đề tại Syria cùng Moscow, và không muốn Mỹ hay các nước Arab can dự vào tương lai Syria.
Do đó, khi Moscow nói rằng ý kiến của Iran phải được nhóm quốc tế thông qua, cho thấy một bức tranh mới đang hiện lên tại Syria" - Hamid Zomorrodi, nhà bình luận chính sách đối ngoại Iran, phân tích.
Ý tưởng liên bang hóa Syria được cho là do Nga-Mỹ "đạo diễn". Ảnh: AP
Lý do Iran-Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau
Theo ông Zomorrodi, Iran phản đối liên bang hóa Syria vì 2 lý do chính.
Thứ nhất, việc chia Syria thành các bang sẽ chặn đường tiếp cận, vốn rất "thênh thang", của Iran tới Lebanon, nơi Tehran đã kì công xây dựng một thế lực chuyên tham gia chiến tranh ủy nhiệm thay mặt mình - đó là Hezbollah.
Iran lo ngại rằng nếu Syria trở thành nhà nước liên bang, Nga sẽ kiểm soát dọc khu vực ven Địa Trung Hải, thông qua một tiểu bang do dòng Alawi của Tổng thống Assad đứng đầu. "Tiểu Syria" này một khi đã có Nga chống lưng, sẽ không có lý do gì phải nhờ cậy tới Iran.
Thứ hai, việc nhà nước riêng của người Kurd nhiều khả năng sẽ được thiết lập là điều Iran không hề muốn, bởi điều đó sẽ thổi bùng tâm lý đòi ly khai của 4,5 triệu người Kurd hiện đang sinh sống tại Iran.
Ngoài ra, phần còn lại của Syria phiên bản liên bang với dòng Sunni chiếm đa số, đương nhiên cũng sẽ tỏ thái độ thù địch với Syria, bởi Tehran đã trang bị vũ khí và điều quân tới giúp Assad chống lại phe nổi dậy Sunni trong nhiều năm qua.
Quá dễ để nhận ra lý do thứ hai là yếu tố quyết định dẫn đến việc Iran và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau. Một nhà nước của riêng người Kurd có thể nói là đã, đang, và sẽ luôn là ác mộng lớn nhất của chính phủ Ankara.
Cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn người Kurd có nhà nước riêng. Ảnh: Reuters
Trong chuyến thăm mới đây tới Tehran, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố ông đã đạt được "thỏa thuận với Iran về việc phản đối mọi ý đồ chia cắt Syria".
"Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều sẽ không để cho một phiên bản hiệp ước Sykes-Picot (hiệp ước chia cắt lãnh thổ Đế chế Ottoman được liên minh Anh-Pháp-Italia-Nga kí kết sau Thế chiến I - PV) được tái diễn tại Syria" - ông Davutoglu khẳng định.
Trong bài viết mang tựa đề "Thổ-Iran đang làm ấm lại quan hệ song phương" đăng trên al-Arabiya, nhà báo Camelia Entekhabi-Fard chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều về tài nguyên. Trong 10 năm chịu lệnh trừng phạt, Tehran đã được Ankara hỗ trợ rất nhiều.
Theo bà Entekhabi-Fard, việc Iran đóng vai trò quan trọng trong động thái "cầu viện" Nga can thiệp quân sự tại Syria đã làm hỏng phần nào quan hệ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Ankara bắn rơi Su-24 Nga năm ngoái, Tehran cũng lên tiếng bảo vệ Nga và gọi Thổ là "kẻ bảo trợ khủng bố".
Tuy nhiên, cả Iran lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn Nga hiện diện quân sự lâu dài và quy mô tại Syria. Và với đề xuất mới đây của Moscow về việc chia cắt Syria, trong đó sẽ thiết lập nhà nước người Kurd, càng cho Tehran và Ankara thêm lý do để bắt tay nhau.
Chưa dừng lại ở chuyến thăm của ông Davutoglu, theo Sputnik, Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến sẽ có chuyến công du "đáp lễ" tới Ankara trong mùa xuân năm nay.
Về phía Nga, vụ trì hoãn chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran là một ví dụ điển hình cho sự hoài nghi của Moscow về Iran. S-300 đáng ra đã phải về tay Tehran từ cuối 2015, đầu 2016, nhưng đến nay thương vụ này vẫn chưa thể khép lại.
Theo các nhà phân tích, Iran dù rất thất vọng nhưng muốn chờ kết quả của vòng đàm phán Syria sắp tới trước khi đặt vấn đề với Nga.
Nhưng trong lúc chờ đợi, vì lợi ích quốc gia của mình, Iran cũng không quên "dội gáo nước lạnh" cho đồng minh của mình tại Syria, bằng việc bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ, cái gai lớn nhất trong mắt Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện nay tại Trung Đông.