Mỹ đã đầu độc quan hệ với Nga

V.N |

Việc Mỹ coi thường lợi ích của Nga cũng như thái độ thô bạo của Washington với Mátxcơva trong thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh đã dẫn tới quan hệ căng thẳng giữa hai bên - tờ Guardian dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry.

Bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền của Tổng thống Bill Clinton từ 1994 - 1997 nói rằng, trong 5 năm qua, việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraina, Syria và các nơi khác đã khiến quan hệ đông - tây lao dốc.

Nhưng ông nhấn mạnh, trong những năm ông nắm quyền, sự hợp tác giữa quân đội hai nước đã được cải thiện nhanh chóng chỉ vài năm sau khi Liên Xô sụp đổ, và những thành tựu đó ban đấu có được là nhờ Mỹ.

"Trong những năm qua, hầu hết mọi chỉ trích có thể nhằm vào những hành động mà Vladimir Putin đã tiến hành. Nhưng trong những năm đầu tôi phải nói rằng Mỹ đáng bị chỉ trích hơn" - ông Perry phát biểu tại một sự kiện ở London.

"Hành động đầu tiên của chúng ta mà thực sự khiến chúng ta rơi vào hướng xấu là khi NATO bắt đầu mở rộng, kết nạp một số nước Đông Âu, một số nước giáp giới với Nga.

Lúc đó chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với Nga và họ bắt đầu quen với ý tưởng rằng NATO có thể là bạn hơn là kẻ thù... nhưng họ rất không thoải mái với việc có NATO ngay ngưỡng cửa biên giới của họ và họ đã kêu gọi mạnh mẽ chúng ta chớ nên tiếp tục điều đó".

Trong hồi ký của mình "My journey at the nuclear brink" (Hành trình của tôi ở bờ vực hạt nhân), ông Perry viết rằng ông đã tranh luận ủng hộ việc mở rộng NATO chậm hơn để không tách biệt với Nga trong thời kỳ đầu hậu Xô Viết và hợp tác.

Nhà ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke đứng đầu phe có ý kiến ngược lại lúc đó và được sự ủng hộ của phó Tổng thống Al Gore, người tin rằng "chúng ta có thể xử lý được các vấn đề mà điều này sẽ tạo ra với nước Nga".

Ông nói rằng quyết định này phản ánh thái độ coi thường của các quan chức Mỹ với một siêu cường đang gặp khó.

Perry cho biết ông đã cân nhắc từ chức về vấn đề này, song cuối cùng cho rằng việc từ chức đó có thể được hiểu thành ông chống đối mở rộng NATO mà thực ra là ông ủng hộ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói, bước đi sai lầm thứ hai của Washington là quyết định của chính quyền Bush về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở đông Âu để đối mặt với sự chống đối từ phía Nga.

Trong khi Mỹ cho rằng hệ thống này có thể bảo vệ Châu Âu và Mỹ khỏi tên lửa hạt nhân của Iran nhưng nó lại làm cho Nga lo ngại. "Song một lần nữa vấn đề không được thỏa luận trên cơ sở giá trị của nó, mà chỉ theo kiểu 'Ai quan tâm đến việc Nga nghĩ gì', và chúng ta lại bác bỏ điều đó lần nữa".

Chính quyền Obama kể từ đó đã điều chỉnh hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu, thay thế tên lửa tầm xa bằng tên lửa đánh chặn tầm trung nhưng vẫn không xoa dịu được Nga.

Perry cho biết ông phản đối hệ thống này trên cơ sở kỹ thuật. "Tôi cho rằng hệ thống đó phí tiền và không hiệu quả".

Yếu tố thứ ba mà Perry nhằm tới là việc đầu độc quan hệ Mỹ - Nga là do sự ủng hộ của Washington với lực lượng biểu tình đòi dân chủ trong các cuộc cách mạng màu ở các nước cộng hòa Liên Xô cũ như Georgia hay Ukraina.

Perry đồng ý với lý do đạo đức ủng hộ các cuộc cách mạng này, nhưng nhấn mạnh chúng đã tác động có hại đến quan hệ đông - tây.

"Sau khi Putin lên nhậm chức, ông ấy tin rằng Mỹ có chương trình tích cực và mạnh mẽ lật đổ chính quyền của ông ấy" - cựu bộ trưởng Mỹ nói. Ông cho rằng từ đó tổng thống Nga có ý nghĩ không hợp tác với phương tây nữa.

William Perry miêu tả căng thẳng hiện giờ giữa Nga và NATO là "có tiềm năng trở nên rất nguy hiểm", và lập luận ủng hộ giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân, đặc biệt là việc xóa bỏ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ mặt đất (ICBM).

Hơn 1.000 tên lửa này ở Mỹ và Nga vẫn trong tình trạng báo động trên cơ sở chính sách "phóng khi cảnh báo", nghĩa là tổng thống Mỹ và Nga sẽ có chưa đầy nửa giờ để quyết định có bắn tên lửa này không trong trường hợp dữ liệu radar và vệ tinh cho thấy phía bên kia sắp tấn công tên lửa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại