Thủ tướng Israel từ chối gặp Obama: Trả hận hay né họa từ Trump?

Ngọc Minh |

Thủ tướng Israel Netanyahu đã khiến cả Mỹ, truyền thông và thậm chí là các nhà phân tích cũng phải sửng sốt khi cự tuyệt lời mời tới Washington gặp mặt Tổng thống Mỹ Obama.

Israel từ cố "dập lửa" thành "cãi cùn"

Đây là động thái chưa từng có trong tiền lệ - chưa có một ghi chép chính thức nào về việc một thủ tướng Israel nào từ chối lời mời tới Nhà Trắng gặp gỡ nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông Eytan Gilboa, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Israel tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat nhận định:

"Nếu được một tổng thống Mỹ mời, bạn sẽ phải tới. Đôi khi, bạn phải tự thúc chính mình tới đó, ngay cả khi ông tổng thống đó không muốn gặp bạn. Nhưng khi ông ta mới bạn, bạn không thể nói Không".

Chương mới nhất trong mối quan hệ đầy rẫy những hiểu lầm, lạnh nhạt, và cả bất đồng công khai này bắt đầu vài tuần trước đây, khi có thông tin rằng Obama sẽ không có ở nhà khi Netanyahu tới Washington phát biểu tại Hội nghị Ủy ban quan hệ Mỹ - Israel AIAC.

Suốt một khoảng thời gian, Israel từ chối nói về việc liệu Netanyahu sẽ tiến hành chuyến thăm này, dù có chuyện gì xảy ra hay không. Để rồi, hồi tuần trước, các nguồn tin tại Israel cho hay, Thủ tướng nước này có thể hoãn chuyến thăm nếu không gặp được Tổng thống.

Cuối cùng, Văn phòng Thủ tướng Israel (PMO) chỉ chịu lên tiếng sau khi truyền thông Israel chính thức đưa tin Netanyahu quyết định sẽ không tới Mỹ.

PMO đã cố gắng dập lửa khi nói rằng quyết định của ông Netanyahu không phải vì Obama.

Lý do là vì ông Netanyahu muốn tránh bị kéo vào tình huống khó xử trong cuộc bầu cử Mỹ đang diễn ra, bởi một vài ứng viên Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ phát biểu tại AIPAC và có khả năng sẽ gặp gỡ với vị khách quý tới từ Israel.

Theo họ, các vấn đề gây bức xúc nhất, ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Israel đã được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Jerusalem.


Trước Netanyahu, chưa có một nhà lãnh đạo Israel nào từ chối lời mời tới Washington gặp Tổng thống Mỹ.

Trước Netanyahu, chưa có một nhà lãnh đạo Israel nào từ chối lời mời tới Washington gặp Tổng thống Mỹ.

Cây viết chuyên về các vấn đề ngoại giao Raphael Ahren của tờ Thời báo Israel cho rằng, thay vì cố gắng giải thích một cách khôn khéo về quyết định chưa từng có trong tiền lệ và gần như không thể lý giải được, họ lại chọn cách “tranh luận” với Mỹ.

Các phụ tá của ông Netanyahu đã khẳng định rằng Nhà Trắng biết trước việc "có khả năng cao Thủ tướng sẽ không tới Washington".

Theo tuyên bố từ PMO, Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer đã nói rõ điều này trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi thứ Sáu tuần trước.

Thậm chí, các trợ lý của ông Netanyahu còn “cãi cùn” khi nói rằng Israel chưa từng xác nhận chuyến thăm của Thủ tướng tới Washington hay gặp gỡ tại phòng Bầu Dục, và vì vậy, không thể nói là hủy bỏ nó.

Trong khi đó, Mỹ đã rất thẳng thắn bác bỏ tin đồn về việc ông chủ Nhà Trắng cố tình sắp xếp chuyến thăm lịch sử tới Cuba trùng với hội nghị của AIPAC, dự kiến diễn ra ngày 20 - 22/3, để tránh phải chạm mặt với Thủ tướng Israel.

Thông tin về cuộc gặp chưa bao giờ được Israel nhắc tới, dù là chính thức hay chưa chính thức.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price còn cho biết, chính phủ Mỹ "mong chờ được tổ chức cuộc gặp song phương", đồng thời bác bỏ những thông tin từ Israel rằng họ chưa lên kế hoạch cho các cuộc gặp.

Trả hận, chờ tổng thống mới hay tránh cạm bẫy?

Năm 2010, quan hệ của Mỹ và Israel cũng trở nên căng thẳng khi ngay trong chuyến thăm của ông Biden, Israel cho phép mở rộng khu Ramat Shlomo ở Jerusalem vượt ra ngoài đường biên giới 1967 với chính quyền Palestine - động thái khiến Biden không hài lòng.

Tuy nhiên, lần này không giống như vậy - không phải là việc công khai thúc đẩy một chính sách mà nước này thừa biết rằng đồng minh quan trọng nhất của mình sẽ phải đối.

Cây viết người Israel
Raphael Ahren
Đây nhiều khả năng là vấn đề liên quan tới các giao thức và các mối quan hệ liên quan tới Mỹ - Israel.

Đúng một năm sau khi Obama khiến Netanyahu bẽ mặt khi từ chối tiếp đón ông tại Washington - bề ngoài là vì Obama hông muốn gặp các chính trị gia đang tranh cử, song trên thực tế là bởi Netanyahu tới Mỹ nhằm vận động quốc hội phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.

"Giờ là lúc nhà lãnh đạo Israel trả lại những gì mình đã phải nhận từ Obama”, Ahren đánh giá.

Tất nhiên, giới chuyên gia về quan hệ Mỹ - Israel gần như đều không bị thuyết phục bởi những lý lẽ mà Israel đưa ra.

Ông Gilboa cho rằng, mong muốn không bị lôi vào cuộc tranh cử tổng thống, theo những gì Israel nói, chỉ là một "cái cớ đuối lý", đồng thời đưa ra các giả thuyết của riêng mình.

Thứ nhất, việc ông Netanyahu không tới Mỹ có thể liên quan tới các cuộc thảo luận đang diễn ra về bản ghi nhớ viện trợ nước ngoài của Mỹ dành cho Israel.

Trong khi nước này muốn 5 tỉ USD/năm thì chính phủ Mỹ chỉ đưa ra con số 4 tỉ USD. Điều đó khiến ông Netanyahu băn khoăn liệu có nên chấp nhận lời mời của Obama hay chờ tổng thống mới.

Một lý do khác, theo chuyên gia Gilboa, là ông Netanyahu lo sợ chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ nghị quyết của LHQ về xung đột Israel - Palestine.

Tuy nhiên, 2 cách lý giải nói trên không thể giải đáp được câu hỏi tại sao ông Netanyahu từ chối thừa nhận cuộc ở Washington đã được lên kế hoạch, tại sao thay vì giữ phép lịch sự cơ bản là thông báo với Nhà Trắng, Israel lại chọn cách "tung" lên mặt báo.

Thêm nữa, chuyện ông Netanyahu muốn đứng ngoài cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sẽ là một lý do hợp lý nếu trước đó, ông không tới Mỹ và gặp gỡ với ứng viên Tổng thống Mitt Romney trong mùa bầu cử năm 2012.

Chuyên gia về Mỹ-Israel
Eytan Gilboa
Tôi không có được lời giải thích nào thuyết phục. Tôi không thấy thấy chuyện này có lý chút nào... Dù thế, có nhiều việc chẳng có lý đã xảy ra trong mối quan hệ Mỹ - Israel dưới thời Netanyahu - Obama.

Chuyên gia quan hệ Mỹ - Israel Jonathan Rynhold từ Đại học Bar-Ilan đặt vấn đề:

"Có khi nào ông Netanyahu - sau khi bị chỉ trích nặng nề vì chào mừng Romney quá nồng hậu 4 năm trước đây, đã rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình? Cánh cửa luôn rộng mở cho những ai biết hối hận. Chỉ là tôi không tin".

Ông Rynhold nhận định, dù nhìn theo hướng nào đi nữa, thì lý do đưa ra là sợ gặp một ứng viên Tổng thống Mỹ tại AIPAC, hoàn toàn không làm thỏa mãn, bởi ông ta có thể phát biểu tại AIPAC và dễ dàng từ chối gặp gỡ các ứng viên.

Thủ tướng Israel thậm chí có thể đi thẳng tới Washington, bỏ qua AIPAC.

Ông Rynhold đã đưa ra một cách lý giải khác theo hướng này về quyết định gây nhiều tranh cãi của Thủ tướng Israel.

"Cũng có thể là ông ta không muốn gặp Donald Trump, song nếu ông ta từ chối gặp một người có khả năng trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, thì ông ta có thể gặp rắc rối".

Trong vòng 2 tuần qua, "đảng Cộng hòa và nhiều người theo phe tân bảo thủ thân thiết với Netanyahu đã ra mặt mạnh mẽ chống lại Trump". Nếu ở lại quê nhà, Thủ tướng Israel có thể tránh được mối nguy hiểm này.

Vấn đề nằm ở bản tính của Netanyahu?

Ông Ahren đã “nói đỡ” cho Thủ tướng Israel khi nhận định, những người đã quen với cách làm việc của Thủ tướng Israel có thể đánh giá một cách logic rằng, sự việc lần này là bởi sự do dự - vốn đã thành mạn tính hơn là sự xúc phạm có tính toán.

“Ông Netanyahu không phải bao giờ cũng là người nhanh chóng quyết định và hành động dứt khoát, từ các vấn đề tương đối nhỏ như gặp gỡ các cố vấn truyền thông hoặc các đại sứ, hoặc các vấn đề chính sách trọng tâm.

Ở đây cũng vậy, ông đã có nhiều thời gian để suy nghĩ xem liệu có tới Washington hay không và quyết định thế nào để không gây ra một cuộc khủng hoảng mới”.

Tuy nhiên, cuối cùng, đó lại là một quyết định chưa từng có trong lịch sử: Tổng thống Mỹ, một nhân vật quốc tế có tầm quan trọng có thể nói là lớn nhất đối với Israel, mời Thủ tướng nước này tới nói chuyện. Và lần đầu tiên, Thủ tướng Israel nói Không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại