Dù không thể trở thành Tổng thống, nhưng với chức vụ này, bà Aung San Suu Kyi được cho là sẽ có thực quyền trong tay.
Ở vị trí “cố vấn nhà nước”, bà sẽ có thể điều phối mọi hoạt động trong Quốc hội và các vấn đề liên bộ. Ngoài ra, bà còn nắm giữ các chức vụ Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao.
Điều đó có nghĩa là bà Suu Kyi sẽ có quyền kiểm soát Văn phòng Tổng thống, quyết định chính sách ngoại giao cũng như điều phối mọi hoạt động, can dự vào mọi quyết sách giữa các bộ, ngành, và các lãnh đạo Quốc hội Myanmar.
Các đại biểu phía quân đội đã tẩy chay phiên bỏ phiếu Hạ viện nhưng với số lượng ghế khiêm tốn (1/4 số ghế trong Quốc hội), họ đã không thể ngăn cản dự luật đầu tiên do chính quyền dân sự đề xuất.
Trước đó, ngày 1/4, dự luật mới đã được Thượng viện Myanmar phê chuẩn và giờ chỉ còn cần chữ ký của Tân Tổng thống Htin Kyaw, nhân vật từng là cộng sự thân tín của bà Suu Kyi, là thành luật.
Theo BBC, việc xác lập vị trí "cố vấn nhà nước" được cho là cách để chính phủ Myanmar bảo vệ bà Suu Kyi tránh khỏi các cáo buộc vi phi phạm hiến pháp vì nắm trong tay nhiều quyền hành.