Azerbaijan và Armenia bất ngờ tuyên bố ngừng bắn

Hoàng Hải |

Theo RIA Novosti, Azerbaijan và Armenia đã tuyên bố ngừng bắn sau 4 ngày giao tranh.

Cuộc xung đột tại khu vực nước cộng hòa tự xưng Nagorno Karabakh nằm trên biên giới giữa hai nước thành viên Liên Xô cũ bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn kể từ ngày 2/4.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, các nạn nhân của cuộc xung đột kéo dài 4 ngày lên tới 33 người và hơn 200 người khác bị thương.

Trưa ngày 5/4, Bộ Quốc phòng Nagorno-Karabakh bất ngờ công bố lệnh ngừng bắn ở khu vực xung đột và bắt đầu thảo luận về các thỏa thuận ngừng bắn song phương.

Trưởng phòng báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan Vagif Dyargahly nói rằng quân đội nước này đang tiến hành các bước để tăng cường "vùng lãnh thổ được giải phóng trước đây" trên khu vực biên giới.

Theo hãng tin Sputnik-Armenia, tài liệu về thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh đã sẵn sàng, nhưng không có chi tiết về nó được tiết lộ.

Thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ đạt được nhờ sự tích cực hỗ trợ của các đại diện Pháp, Nga, Mỹ.

Chủ tịch OSCE cũng dự kiến sẽ tới thăm Baku, Yerevan và Nagorno-Karabakh để thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đám phán giải quyết xung đột một cách hòa bình trong thời gian sắp tới.

Ngày 5/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hối thúc giới lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đảm bảo cuộc đụng độ đẫm máu ở khu vực tranh chấp Nagorno Karabakh sẽ chấm dứt sau khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trước đó.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan tuyên bố nước này quan ngại về tình hình Nagorno Karabakh và sẵn sàng trợ giúp về chính trị để đạt được hòa bình trong khu vực.

Khu vực Nagorny Karabakh do các phần tử nổi dậy của Armenia chiếm giữ trong cuộc xung đột năm 1994. Vùng lãnh thổ này hiện được kiểm soát bởi lực lượng ly khai do Armenia hậu thuẫn.

Lực lượng này đã tuyên bố thành lập Nagorno-Karabakh (NKR) nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây và cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người, khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải chạy lánh nạn.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Hiện hai nước được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự, tuy hai hai bên thường xuyên tố cáo đối phương vi phạm khu vực này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại