"Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Armenia phải giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, mang đến sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cho nước cộng hòa Azerbaijan, vốn đã được công nhận trên bình diện quốc tế ", người đứng đầu cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao Azerbaijan, Khikmet Gadzhiev, hôm 04/4 cho biết.
Ông Gadzhiev tiết lộ, liên quan đến tình hình hiện nay trong cuộc đối đầu tại Nagorny-Karabakh, Ngoại trưởng Azerbaijan Elmar Mamediarov đã gửi thư cho một số tổ chức quốc tế.
Theo đó, các bức thư đã được gửi tới người đứng đầu Liên hợp quốc và NATO cũng như cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và các vấn đề đối ngoại, với nội dung thông báo về "tình trạng quân đội Armenia pháo kích liên tục vào các khu vực dân cư, gây nhiều thương vong cho dân thường".
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Azerbaijan, quan điểm của Baku là hòa bình, trong khi Armenia tiếp tục nã pháo vào các căn cứ và khu vực dân cư của Azerbaijan mặc dù trước đó Azerbaijan đã thông báo đơn phương ngừng bắn.
Hôm 04/4, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã khẳng định rằng, Armenia đã tiến hành một vụ pháo kích dữ dội.
"Trong cuộc giao tranh buổi sáng, 3 binh lính của Azerbaijan đã thiệt mạng.
Bộ cũng khẳng định rằng phía Armenia đã chịu những tổn thất to lớn, nhưng con số chính xác về thương vong và thiệt hại chưa được công bố", phóng viên phụ trách Azerbaijan của Sputnik, Aziz Aliev, chia sẻ với RT.
Người này cho biết thêm, theo nguồn tin quân sự Azerbaijan, Yerevan đang sử dụng vũ khí cỡ nòng lớn, trong đó có súng cối và súng phóng lựu.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Azerbaijan còn công bố video về cuộc tấn công đáp trả của quân đội nước này nhằm vào sở chỉ huy của binh lính Armenia. Video cho thấy sở chỉ huy này bị tàn phá trong một cuộc tấn công của binh lính Baku.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công đáp trả tương xứng nếu Azerbaijan tiếp tục bắn phá Karabakh.
Trong khi đó, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cho hay, quốc gia này sẽ tiếp tục đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực Nagorny-Karabakh, và sẽ thừa nhận độc lập của khu vực này nếu các hoạt động quân sự leo thang.
"Với tư cách là một bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn ký kết năm 1994, nước Cộng hòa Armenia sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo an ninh cho người dân tại Nagorny-Karabakh.
Ngoài ra, tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao bắt đầu làm việc về một hiệp ước hợp tác quân sự với Karabakh," Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan hôm 04/4 cho biết.
Phát biểu trước các đại diện của OSCE tại Yerevan, Tổng thống Sargsyan cảnh báo rằng, nếu hành động quân sự trong khu vực tiếp diễn và mở rộng, Armenia sẽ "thừa nhận độc lập của Nagorny-Karabakh".
Vị tổng thống này cho rằng, việc leo thang xung đột đe dọa "an ninh và ổn định không chỉ tại Nam Caucasus, mà còn đối với khu vực châu Âu này".
Nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Baku Western, Fikret Sadykhov, phát biểu với RT rằng, Baku có kế hoạch tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình.
Khẳng định rằng Azerbaijan không phải là quốc gia xâm lược, ông bày tỏ hi vọng rằng với sự tham gia của cộng đồng quốc tế, cuộc xung đột hiện nay sẽ không phát triển thành "cuộc chiến tranh quy mô đầy đủ".
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, chỉ trong hai ngày leo thang xung đột, ít nhất 33 người đã thiệt mạng và trên 200 người khác bị thương.
Nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi hai quốc gia này ngừng bắn ngay lập tực và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Hôm 04/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu với báo giới rằng, cả Bộ Quốc phòng và Ngoại giao của Nga đều đã liên lạc với các đối tác của Baku và Yerevan để bày tỏ quan ngại, đồng thời chuyển thông điệp của Tổng thống Putin là phải chấm dứt ngay lập tức các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn.