Argentina sẽ trở thành “Ukraine” của châu Mỹ La tinh?

Đức Dũng |

Tổng thống Nga Putin sẽ thực hiện các bước đi quyết đoán hơn nhằm tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ. Nam Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục là điểm nóng chứng kiến sự canh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Nga và Mỹ.

Sự trỗi dậy của lực lượng cánh tả ở châu Mỹ La tinh sau khi Tổng thống Hugo Chaves lên nắm quyền ở Venezuela năm 1998 hiện đã thực sự kết thúc và phần châu lục này đang ghi nhận sự “chuyển mình” theo Mỹ.

Trong đó, Argentina được Mỹ xác định là “điểm đột phá” trong chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

Cái chết của một mô hình

Chủ nghĩa xã hội ở châu Mỹ La tinh, theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, là một sự “lai tạp” giữa nền kinh tế thị trường, quá trình tái bố trí các lợi ích và quyền sở hữu với chủ nghĩa độc đoán.

Mô hình này đang ngày càng bị thu hẹp và tiến tới sẽ bị xóa bỏ. Hiện các quốc gia có chế độ cầm quyền kiểu “Hugo Chaves”, hoặc theo chủ nghĩa xã hội “ôn hòa” (như Tổng thống Brazil Ruseff) đang gặp rất nhiều vấn đề trong quá trình lãnh đạo đất nước.

Giới chuyên gia cũng nhận định rằng, giới lãnh đạo cánh tả châu Mỹ La tinh sẽ không thể tìm được lối thoát và mô hình chủ nghĩa xã hội chi phối ở châu Mỹ La tinh trong vòng nhiều năm qua đã thực sự sụp đổ.

Trước đây, mô hình chủ nghĩa xã hội ở châu Mỹ La tinh được duy trì nhờ nhiều yếu tố như nguồn tài chính của Venezuela, sự bất mãn của dân chúng với các chế độ độc tài cực hữu có định hướng dựa vào Mỹ và một phần là do Mỹ “lơ là” khu vực này khi còn có nhiều mối quan tâm ở các khu vực khác trên thế giới.

Hiện nay, hầu như tất cả các yếu tố này đều không còn.

Tại Venezuela, sau khi lên cầm quyền thay Hugo Chaves, Nikolas Maduro chưa làm được gì nhiều và hầu như chỉ là “cái bóng” của người tiền nhiệm.

Trong khi đó, Tổng thống Argentina Cristina de Kirchner lại đang phung phí các nguồn lợi mà người chồng và cũng là người tiền nhiệm Nestora Kirchner đã gây dựng được trước đó nhờ thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Argentina.

Nguồn trợ lực quan trọng cho sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội ở châu Mỹ La tinh là dòng tiền của Venezuela cũng đã mất đi. Bản thân Caracas còn đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lạm phát lên mức cao kỷ lục do giá dầu suy giảm mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cũng đã cảnh báo rằng việc liên tục rút tiền từ Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Venezuela sẽ không đem đến bất cứ điều gì có lợi cho quốc gia này.

Ngoài ra, tâm lý bất mãn với chế độ cầm quyền của lực lượng cánh hữu trước đó lại xuất hiện với lực lượng cầm quyền cánh tả hiện nay. Điển hình cho xu hướng này là chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua tại Argentina của lãnh đạo Đảng Bảo thủ Mauricio Marci.

Marci là nhân vật đã nhiều lần tuyên bố về việc sẽ loại Venezuela – nhà tài trợ chính cho chính quyền cựu Tổng thống Cristina de Kirchner, ra khỏi khối MERCOSUR (Khối thị trường chung các nước Nam Mỹ). Nguyên nhân được Marci đưa ra là Venezuela không có chính quyền dân chủ.

Nhân tố còn lại là sự thiếu tập trung cho khu vực châu Mỹ La tinh của Mỹ cũng đang dần mất đi.

Trước đó, chính quyền Tổng thống B.Obama phải tập trung vào giải quyết các điểm nóng ở Afghanistan, cuộc chiến ở Iraq, Lybia và Syria nên không đủ tiềm lực và nguồn lực để đẩy mạnh sự hiện diện và gia tăng ảnh hưởng ở châu Mỹ La tinh.

Tuy nhiên hiện nay, khi chính sách Trung Đông của Mỹ đang đi vào ngõ cụt, các chuyên gia nhận định rằng Tổng thống Mỹ sẽ chuyển hướng đến khu vực nào đó có triển vọng và quan trọng đối với Mỹ.

Nam Mỹ là một trong số đó. Cụ thể, Tổng thống Mỹ đã có lịch trình công du một số nước Nam Mỹ thời gian tới như “một sự đền bù” cho sự thiếu quan tâm của Mỹ đến khu vực này trong thời gian qua.


Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin.

Các đối tác mới

Theo các chuyên gia, Argentina nằm trong lịch trình đầu tiên của chuyến thăm các nước châu Mỹ La tinh của Tổng thống Obama vì Argentina có thể coi là “mắt xích đã bị tuột” của chuỗi chế độ cánh tả ở khu vực này.

Trước chuyến thăm, Tổng thống Obama đã đưa nhiều hứa hẹn về thúc đẩy mạnh phát triển quan hệ kinh tế với Argentina và tạo nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế cho quốc gia Nam Mỹ này.

“Rất nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu đầu tư vào Argentina với các dự án có giá trị lớn. Điều này có thể trở thành một phần trong chương trình đầu tư lớn nhằm tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Argentina.

Tổng thống Marci và cộng sự có thể đạt được mục đích này trong thời gian rất ngắn”- Tổng thống Obama tuyên bố trước chuyến thăm.

Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Argentina Fransisco Kabrera, các công ty, tập đoàn kinh tế của Mỹ đang dự định trong vòng 4 năm tới sẽ đầu tư vào nền kinh tế Argentina 14 tỷ USD.

Tổng thống Mauricio Marci cũng tuyên bố về việc bắt đầu giai đoạn mới của mối quan hệ với Mỹ và mối quan hệ này là “có triển vọng và tích cực”.

Giới phân tích quốc tế đánh giá rằng về triển vọng lâu dài, Mỹ đang cân nhắc việc đưa Argentina trở thành thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Vladimir Sudarev, Phó Viện trưởng Viện châu Mỹ La tinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nếu như Argentina gia nhập TPP thì điều đó cũng đồng nghĩa là sẽ đặt “dấu chấm hết” cho sự tồn tại của MERCOSUR.

Nếu như điều này xảy ra thì đó sẽ là sự tan rã lỡn nhất của các tiến trình liên kết trong vòng 20 năm qua tại Nam Mỹ. Và khi đó, Obama sẽ thực sự “hủy hoại Nam Mỹ”.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ thiết lập trục quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Argentina để biến nước này chứ không phải Brazil thành đối tác then chốt của Mỹ trong khu vực này và biến Argentina trở thành “thủ lĩnh hàng đầu” ở Nam Mỹ.

Đối với Nga, sự “chuyển mình” của châu Mỹ La tinh sẽ đem lại những hệ quả tiêu cực nhất định. Moscow vẫn công khai duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các chế độ cánh tả và đang có một loạt dự án quy mô lớn ở Cuba, Argentina và Venezuela.

Hiện tại, các dự án này đang gặp phải nhiều vấn đề, thậm chí ngay cả các dự án ở Venezuela cũng không ngoại lệ. Với những gì đang diễn ra hiện nay, Maduro và những gì còn lại của “chủ nghĩa Hugo Chaves” sẽ không còn duy trì được lâu.

Chính vì vậy, một chính trị gia bản lĩnh như Tổng thống Nga Putin sẽ thực hiện các bước đi quyết đoán hơn nhằm tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ.

Rõ ràng với những động thái trên, Nam Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục là điểm nóng chứng kiến sự canh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Nga và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại