Ấn Độ thân mật Mỹ, cảnh giác mưu đồ Trung Quốc

Bảo Minh |

Ấn Độ đang kỳ vọng tăng cường quan hệ với Mỹ, trong khi đề phòng âm mưu của Trung Quốc.

Mua nhiều vũ khí Mỹ

Báo chí Ấn Độ đưa tin trong bài phát biểu với giới truyền thông Mỹ tại thung lũng Silicon hồi cuối tuần trước, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Arun K. Singh nói cho rằng Ấn Độ và Mỹ quyết định tăng cường hợp tác từ quan hệ “kẻ bán-người mua” sang quan hệ hợp tác cùng phát triển và sản xuất.

Theo ông K. Singh, cơ hội hợp tác song phương Ấn-Mỹ là rất lớn và bao hàm nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế.

Ông K. Singh đồng thời nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất tạo ra nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương là "mối liên hệ nhân dân" và khẳng định Ấn Độ có mối quan hệ mạnh mẽ nhất với Mỹ.

An Do than mat My, canh giac muu do Trung Quoc

Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Arun K.Singh

Đặc biệt, vị đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh tới quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Trong bốn năm qua, Ấn Độ đã mua khoảng 10 tỷ USD các thiết bị quốc phòng từ Mỹ, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.

Ông K. Singh nói: "Chúng tôi đã xác định 6 dự án tìm đường cho hợp tác phát triển và trong tiến trình đó quan hệ hợp tác quốc phòng sẽ tiếp tục được tăng cường.

Các cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Mỹ có số lượng và quy mô lớn nhất so với sự hợp tác với bất kỳ nước nào trên thế giới”.

Ngoài ra, hơn 3 triệu người Mỹ gốc Ấn cũng được nhắc tới như một lợi thế trong quan hệ song phương.

Đặc biệt, khi những người gốc Ấn ở Mỹ đa phần có trình độ và được đánh giá có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Mỹ.

An Do than mat My, canh giac muu do Trung Quoc

Tổng thống Obama tiếp Thủ tướng Modi tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng vào tháng 9/2014

Theo đó, trong số hơn 3 triệu người gốc Ấn, có tới 110.000 bác sĩ tại Mỹ.

Khoảng 100.000 sinh viên Ấn Độ đang theo đuổi các chương trình nghiên cứu trong các trường Đại học Mỹ và khoảng 40% số khách sạn ở Mỹ đang được người Ấn Độ sở hữu hoặc quản lý.

Hồi cuối tháng 1/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm Ấn Độ, còn Thủ tướng Narendra Modi trước đó có chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9/2014.

Tổng thống Obama tuyên bố rằng "quan hệ Ấn-Mỹ có thể là một trong những đối tác xác định của thế kỷ này" còn Thủ tướng Modi thì tuyên bố: “Ấn Độ và Mỹ là đồng minh tự nhiên".

Theo kế hoạch, Thủ tướng Narendra Modi sẽ thăm Mỹ vào tháng 9 tới và có cuộc hội đàm với Tổng thống Obama bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cảnh giác Trung Quốc

Trong khi đang xích lại gần Mỹ, Ấn Độ ngày càng tỏ ra cảnh giác cao độ với Trung Quốc, đặc biệt là trước mưu đồ của người láng giềng này.

Giới phân tích Ấn Độ đã lên án Trung Quốc âm mưu lấn chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng nhiều nhất có thể.

Cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1962 ở Arunachal Pradesh và Ladakh cho thấy rõ ý định bành trướng của Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần lãnh thổ của mình và không công nhận Mac Mohan là đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

An Do than mat My, canh giac muu do Trung Quoc

Binh sĩ Trung Quốc xâm nhập và hạ trại trong khu vực Ladakh thuộc Jammu và Kashmir của Ấn Độ

Ở Ladhak (Aksai Chin), Trung Quốc chiếm đóng khu vực khoảng 38.000 km2 thuộc lãnh thổ Ấn Độ và thêm vào đó là 5.180 km2 tại khu vực Kashmir, theo thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Pakistan năm 1963 mà không được sự công nhận từ Ấn Độ.

Các học giả Ấn Độ cho biết Trung Quốc không có hiệp định biên giới với Ấn Độ và Bhutan.

Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiềm chế và cô lập Ấn Độ, cố gắng tạo sự hiện diện của mình thông qua việc tăng cường quan hệ thân thiện với Nepal và Myanmar.

Một trong những phản ứng của Ấn Độ trong thời gian qua chính là chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Nepal, Myanmar và các khoản viện trợ lớn của Ấn Độ dành cho các nước láng giềng, trong đó khoản viện trợ Ấn Độ tới Nepal sau trận động đất lịch sử được coi là một bước tiến dài trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Ấn Độ thân mật Mỹ, cảnh giác mưu đồ Trung Quốc

Giới học giả Ấn Độ hiện đặc biệt chú ý tới âm mưu của Trung Quốc nhằm gây bất ổn khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Bhutan khi Bắc Kinh đưa một số lượng lớn công dân tới thung lũng Neelam và dọc biên giới với Bhutan.

Trung Quốc bị tố cáo có ý đồ chiếm đóng nhiều khu vực nhất có thể để chuẩn bị cho các tuyên bố lãnh thổ sau này.

Đối sách của Ấn Độ

Khi phân tích những động thái của Trung Quốc, giới chuyên gia Ấn Độ đã dự đoán những bước đi mà Trung Quốc có thể thực hiện nhằm thực hiện mưu đồ trên.

Một là, huấn luyện, trang bị, tài trợ và thúc đẩy Pakistan đưa tối đa quân nổi dậy có vũ trang xâm nhập Ấn Độ, bên cạnh việc tạo ra các tình huống xung đột với sự tham gia của số lượng lớn các lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy ủng hộ Pakistan ở Ấn Độ để tạo ra lực lượng chống đối, phá hoại từ bên trong.

 

Binh sĩ Trung Quốc và Pakistan trong một cuộc tập trận chung

Hai là, hỗ trợ tài chính và vũ khí cho lực lượng cực đoan, tăng cường tiến hành các hoạt động phá hoại và gây bất ổn an ninh.

Ba là, trang bị vũ khí, tài chính và thúc đẩy các nhóm nổi dậy ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ buộc Ấn Độ phải dồn quân đối phó với lực lượng nổi dậy ở phía Đông và dàn mỏng quân ở biên giới với Trung Quốc.

Khi đó, Trung Quốc có thể dễ dàng hành động và mở rộng biên giới.

Bốn là, Trung Quốc có thể phối hợp với Pakistan đưa các phần tử thánh chiến và quân nổi dậy vào Ấn Độ từ biên giới Trung Quốc. Trung Quốc đã công khai đứng về phía Pakistan.

Âm mưu của Trung Quốc là gián tiếp sử dụng Pakistan nhằm chống lại Ấn Độ và như vậy họ sẽ đạt được hai mục đích, vừa làm Ấn Độ và Pakistan yếu đi vừa tăng sự phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh.

Các chuyên gia Ấn Độ thừa nhận Trung Quốc đang trở thành siêu cường về quân sự, chỉ đứng sau Mỹ. Quân đội Trung Quốc lớn nhất thế giới với lực lượng Hải quân.

Trong khi đó, Không quân Trung Quốc có quy mô lớn và hơn Ấn Độ cả về số lượng lẫn tính hiện đại.

 

 Ấn Độ đang có kế hoạch mua 22 trực thăng Apache và 15 Chinook của Mỹ

Trong bối cảnh đó, đề xuất để đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc đã được các chuyên gia Ấn Độ vạch ra gồm các bước đi cụ thể:

Đầu tiên, Ấn Độ cần tăng cường và củng cố quan hệ quốc phòng và công nghệ với Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Israel.

Ấn Độ cố gắng thúc đẩy quan hệ và liên doanh với các quốc gia đó trong lĩnh vực phát triển các loại vũ khí và chia sẻ công nghệ quốc phòng bao gồm cả việc cùng nghiên cứu sản xuất.

Mục đích là nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang Ấn Độ, tạo ra sự vượt trội về kỹ thuật quốc phòng so với lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Thứ hai, để chống lại sự bành trướng của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và chiến lược “chuỗi đảo”, Ấn Độ cần phải tăng cường sức mạnh của lực lượng Hải quân, đặc biệt là tăng số lượng hạm đội tàu ngầm.

 

 Chiến hạm INS Rana của Ấn Độ dẫn đầu trong một cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ trên Ấn Độ Dương

Bên cạnh đó, Ấn Độ cần duy trì thường xuyên các cuộc tập trận Hải quân chung ở khu vực Ấn Độ Dương với các nước bè bạn như Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Thứ ba, Ấn Độ cần phải chú ý tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa lực lượng Không quân, chấm dứt tình trạng thiếu sĩ quan trong Hải quân và Lục quân.

Ấn Độ tăng cường phát triển và mua xe tăng, pháo, đạn dược và các loại vũ khí, trang thiết bị quốc phòng quan trọng khác.

Dù đánh giá Bắc Kinh sẽ phải thận trọng trước khi tiến hành bất kỳ hành động không thiện chí nào vì Ấn Độ là thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc, song giới học giả Ấn Độ vẫn kêu gọi hết sức cảnh giác và thận trọng trước các hành động của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại