Quách Bá Hùng từ "vô danh tiểu tốt" đến "số 2 quân đội" thế nào?

Hải Võ |

Con đường thăng tiến của "hổ béo" Quách Bá Hùng khiến báo giới phải kinh ngạc, đặc biệt khi ông này chỉ là một quân nhân "thường thường bậc trung", không có thành tích nổi bật.

"Báo cáo tình hình tổ chức điều tra và ý kiến xử lý vụ Quách Bá Hùng" mà chính phủ Trung Quốc thông báo, đăng tải trên Tân Hoa Xã tối 22/7 đã chính thức xác nhận cựu phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc này bị khai trừ đảng tịch và chuyển sang thủ tục tư pháp.

Ngay sau khi Quách "ngã ngựa", những thông tin về đời tư cũng như con đường "thăng quan tiến chức" của ông này nhanh chóng trở thành tâm điểm của giới truyền thông.

Quách Bá Hùng sinh năm 1942 tại Lễ Tuyền, Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây. Trang Đa Chiều đánh giá, Quách chỉ là "một quân nhân thường thường bậc trung, lý lịch không có gì xuất sắc", thế nhưng sự nghiệp của ông này lại "lên như diều gặp gió".

Đa Chiều dẫn lại bài báo của Nhật báo Tinh Đảo (Sing Tao Daily, Hồng Kông) - một trong những tờ báo tiếng Hoa có lượng phát hành lớn nhất thế giới - đăng tải từ ngày 28/9/2007, "khai quật" toàn bộ lý lịch Quách Bá Hùng.

Nguyên Viện phó Học viện trang bị PLA
Lưu Kiến
Cha (Quách Bá Hùng) trong quân đội, con (Quách Chính Cương) theo quân đội không có gì sai. Nhưng nếu con cái lạm dụng quyền hạn để trục lợi bất chính thì phụ huynh không giáo dục được con cũng không thể thoát trách nhiệm.

Quách Bá Hùng có lý lịch "thường thường bậc trung"

Năm 2007, Quách Bá Hùng được gọi là "nhân vật số 1" trong Giải phóng quân Trung Quốc (PLA), trong khi lý lịch ông này hoàn toàn không xuất sắc hơn bất kỳ tướng lĩnh cấp dưới nào.

Quê gốc Lễ Tuyền của Quách là một trong những địa danh "không thể thiếu" trên bản đồ lịch sử Trung Quốc, gắn liền với giai đoạn "Trinh Quán thịnh thế" của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.

Năm 16 tuổi, Quách Bá Hùng được tuyển vào làm công nhân tại Xưởng trang bị tàu chiến Hải quân (Xưởng 408).

Năm 1961, Quách được triệu tập vào sư đoàn 55, quân 19 của Lục quân PLA. 22 năm sau, ông này trở thành Tham mưu trưởng Quân 19.

Từ giai đoạn này, Quách Bá Hùng "lên như diều gặp gió" và trở thành Phó Tham mưu trưởng quân khu Lan Châu, Quân đoàn trưởng tập đoàn quân 47 Lục quân.

Sau đó, Quách "thăng" tiếp làm Phó Tư lệnh quân khu Bắc Kinh, Tư Lệnh quân khu Lan Châu, Ủy viên Quân ủy Trung ương & Quốc gia, Phó Tổng tham mưu trưởng Thường vụ Bộ tổng tham mưu.

Tính đến khi trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung ương & Quốc gia Trung Quốc, tướng Quách đã "trèo" 7 nấc thang thăng tiến chỉ trong vòng 17 năm.

Sự "thăng quan tiến chức" đáng nể này được đánh giá là sự hội tụ của 3 yếu tố không thể thiếu: Tuổi tác, lý lịch, thời cơ.

Đối với hiện trạng phổ cập "không thăng cấp thì chuyển ngành" trong PLA, sự thuận lợi trong "quan lộ" của Quách Bá Hùng là điều "đáng kinh ngạc".

Quách Bá Hùng bị cho là không có kinh nghiệm thực chiến.

Quách Bá Hùng bị cho là "không có kinh nghiệm thực chiến".

Theo bài báo của Sing Tao Daily, mặc dù nhiều năm liền giữ vị trí chủ quản huấn luyện tác chiến trong quân đội, trong Quách Bá hùng "không có chút kinh nghiệm thực chiến nào". Về phương diện này, Quách "yếu thế" hơn nhiều so với các tướng đồng niên.

Tờ này bình luận, từ một binh sĩ phổ thông thăng tiến thành một lãnh đạo quân đội trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như PLA, nếu chỉ dựa vào quan hệ mà không có năng lực thực tế thì gần như là "nhiệm vụ bất khả thi".

Tuy nhiên, Sing Tao chỉ ra, Quách Bá Hùng có một ưu điểm đáng ghi nhận, đó là ông này có "ý chí hơn người".

Thời điểm năm 2007 từng có các thông tin cho rằng Quách mắc bệnh ung thư và phải phẫu thuật tới 2 lần. Tuy chưa rõ thực hư, nhưng thông tin này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ông Quách lọt vào danh sách "nhân vật cốt lõi" được đề bạt vào cấp lãnh đạo Quân ủy Trung ương.

Nhưng cuối cùng, Quách Bá Hùng chẳng những chiến thắng bệnh tật, mà còn "hoàn thành tốt đẹp" nhiệm kỳ phó Chủ tịch Quân ủy của mình.

Trước đó, không quân Trung Quốc gặp 3 vụ tai nạn máy bay liên tiếp trong năm 2006, dẫn đến việc lãnh đạo phụ trách công tác huấn luyện là Quách Bá Hùng đối mặt với áp lực khủng khiếp từ dư luận lẫn chính quyền.

Nhưng chỉ một tháng sau, ông này vẫn "hiên ngang" tiết lộ vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong chuyến công du Mỹ của mình, khiến giới chuyên gia Mỹ kinh ngạc, gọi Quách là "nhà ngoại giao quân đội".

Sự thăng tiến quá thuận lợi của Quách Bá Hùng khiến truyền thông phải kinh ngạc.

Sự thăng tiến quá thuận lợi của Quách Bá Hùng khiến truyền thông phải kinh ngạc.

Anh làm phó Chủ tịch, em làm Chủ tịch huyện

Tại Lễ Tuyền, cái tên Quách Bá Hùng cũng vô cùng nổi tiếng, dù ông này hầu như không ra tay giúp đỡ các đồng hương.

Bài báo của Sing Tao năm 2007 tiết lộ, Quách Bá Hùng có em trai ruột là Quách Bá Quyền. Trong giai đoạn Quách Bá Hùng còn là binh sĩ "quèn" và "leo dần" lên chức Sư trưởng, em trai ông này vẫn còn... làm tạp vụ trong trường tiểu học.

Nhưng sau này, khi sự nghiệp của tướng Quách "bay cao", Quách Bá Quyền cũng được "hưởng lộc". Năm 2003, ông này được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thiểm Tây, Chủ tịch huyện Bân - một huyện nổi tiếng về khai thác, sản xuất than.

Sing Tao cho biết, chủ tịch huyện Quách Bá Quyền có tính cách phóng khoáng, và thường có câu cửa miệng "thách thức" đồng liêu: "Tôi có thể nói chuyện được với phó Chủ tịch Quân ủy, anh làm được không?"

Trong suốt thời kỳ tại chức của mình, Quách Bá Hùng luôn được đánh giá trên các mặt báo là "liêm khiết". Nhưng một số tài liệu đã tiết lộ việc các quan chức quân đội "bán lòng yêu nước" dưới sự bao che của Quách.

Người dân địa phương phản ánh, khi PLA tuyển dụng tân binh tại huyện Lễ Tuyền, cơ quan chức năng thậm chí đã... bán "suất" đi bộ đội cho các gia đình có nhu cầu với giá 5.000-10.000NDT (hơn 17 triệu - hơn 35 triệu VNĐ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại