3 lý do Mỹ sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông

Đức Huy |

Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat hôm 27/5, tác giả Bạc Trí Dược đưa ra ba lý do tại sao Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp vào tình hình Biển Đông.

Trái ngược với cái gọi là "mô hình quan hệ cường quốc kiểu mới" mà lãnh đạo hai nước, đặc biệt là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã nhiều lần nhắc đến trong năm 2014, quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc hiện đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.

Thay vì hai bên "mạnh ai lo việc người nấy" như đã đề ra trong mô hình nói trên, Mỹ và Trung Quốc hiện đều cương quyết giữ vững lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông, và việc một bên chịu "xuống nước" với bên kia là gần như không thể xảy ra.

Để đáp lại việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng và cải tạo trái phép trên các đảo đá nhân tạo, hôm 21/5 vừa qua, Mỹ đã điều động máy bay P-8A Poseidon tới gần nơi Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Về phía Trung Quốc, chính phủ nước này ngang ngược tuyên bố việc xây dựng trên Biển Đông của họ là "hợp pháp và cần thiết", theo những gì mà Ngoại trưởng cũng như Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn phát biểu trước báo chí.

Còn đối với Mỹ, những hành vi bành trướng của Trung Quốc không chỉ có ảnh hưởng tiêu cực tới các nước trong khu vực mà còn vi phạm quyền tự do đi lại trên Biển Đông. Do đó, theo quan điểm của Washington hiện nay, Mỹ cần có những đáp trả thích đáng.

Trước tình hình đó, theo chuyên gia Bạc Trí Dược, thế giới không nên trông mong việc một trong hai nước sẽ chịu nhún nhường.

gs.ts-nhà nghiên cứu chính trị trung quốc
Bạc Trí Dược
Giáo sư Bạc hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại New Zealand, đồng thời tham gia công tác giảng dạy tại trường đại học Victoria. Ông là tác giả của hơn 100 đầu sách/chương mục về địa chính trị Trung Quốc, và thường xuyên được các báo lớn như New York Times, Reuters. Bloomberg xin ý kiến về các vấn đề Trung Quốc.

"Là một thế lực đang lên, Trung Quốc muốn cho thế giới thấy sức mạnh cũng như quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình" - giáo sư Bạc nhận định.

Điển hình là trong cuộc gặp mới đây với người đồng cấp bên phía Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lớn tiếng bao biện trắng trợn cho những hành vi phi pháp của nước mình:

"Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Trung Quốc cứng như đá và không gì có thể lay chuyển".

Trong khi đó, theo giáo sư Bạc, Mỹ cũng không hề muốn kém cạnh. Với mong muốn củng cố hình ảnh một cường quốc nắm vai trò lãnh đạo, Washington quyết tâm trở thành "cảnh sát quốc tế" nhằm tạo dựng niềm tin trong cộng đồng năm châu.

Nhưng điểm mấu chốt ở đây, theo phân tích của giáo sư Bạc, đó là Mỹ và Trung Quốc đều không hề có ý muốn giao tranh quân sự. Ông cho rằng, Mỹ đơn thuần chỉ muốn Trung Quốc công nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế, cụ thể hơn là tại châu Á - TBD.

Nhà nghiên cứu - trung tâm CAST (Nga)
Vasily Kashin
Một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm này là rất khó xảy ra, nhưng những vụ việc nhỏ mà nghiêm trọng khác vẫn có thể gây ra những rạn nứt trong quan hệ hai nước trong một thời gian dài

Tuy vậy, ông Bạc khẳng định, Mỹ sẽ còn "nán lại" Biển Đông, và căng thẳng với Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài, vì 3 lý do dưới đây.

Thứ nhất, thành bại của chính sách xoay trục châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Mỹ có thể khiến các nước trong khu vực tập trung hơn vào các vấn đề an ninh thay vì kinh tế thay thương mại hay không.

Căng thẳng leo thang ở Biển Đông sẽ giúp Mỹ đạt được mục đích này.

Thứ hai, Trung Quốc đã và đang xây dựng hình ảnh cường quốc lãnh đạo trong khu vực, đặc biệt là dự án "Một vành đai, một con đường" với mục đích đưa Trung Quốc trở thành "cái rốn" của "vũ trụ" kinh tế châu Á.

Do đó, theo ông Bạc, Mỹ sẽ tìm cách hướng dư luận quốc tế tập trung vào những hành vi bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, làm xấu hình ảnh Trung Quốc trong mắt các nước trong khu vực, qua đó phần nào giảm ảnh hưởng của Trung Quốc lên nền kinh tế châu Á.

Thứ ba, đây là một cách thức "rẻ mà hiệu quả" giúp Mỹ có thể "nắn gân" Trung Quốc mà không tạo ra nhiều hiệu ứng không đáng có.

Điều động tàu và máy bay giám sát tới khu vực đảo đá do Trung Quốc xây dựng trái phép là đủ để khiến Bắc Kinh "giật mình", nhưng mặt khác Mỹ lại không mất gì nhiều.

Tóm lại, giáo sư Bạc kết luận, trước mắt cả Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định giao tranh quy mô lớn. Cụ thể hơn, vì 3 lý do nói trên, Mỹ sẽ chỉ muốn những cuộc đối đầu trên Biển Đông giữ ở mức như hiện tại.

Nhưng những gì Mỹ đã và đang làm đang đặt Trung Quốc dưới áp lực phải đáp trả, và vòng luẩn quẩn gây hấn - đáp trả giữa hai nước hoàn toàn có thể khiến tình hình trở nên phức tạp vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Đến lúc đó, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại