Xuất khẩu động cơ đang làm hại xuất khẩu máy bay Nga?

Nhật Nam |

Trung Quốc đã đồng ý để Pakistan nhập thẳng động cơ RD-93 của Nga cho máy bay chiến đấu JF-17 Thunder - sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan.

Pakistan sẽ trực tiếp mua động cơ RD-93 từ Nga

Trang “Tin tức tổng hợp công nghiệp quốc phòng” của Nga đưa tin, Pakistan đã không còn phải thông qua con đường vòng Trung Quốc, mà có thể mua trực tiếp các động cơ máy bay phản lực RD-93 của Klimov để lắp đặt trên các máy bay chiến đấu JF-17 Thunder.

Trang mạng “Tin nhanh diễn đàn” của Pakistan dẫn nguồn tin mật của giới chức công nghiệp quốc phòng nước này cho biết, mới đây Trung Quốc đã có sự nới lỏng các điều kiện trong Hiệp định hợp tác sản xuất giữa hai nước, cho phép nước này có thể trực tiếp đàm phán và mua động cơ RD-93 của Nga.

Trong giấy phép chuyển giao công nghệ, ngoài vấn đề hạ thấp giá thành sản xuất của Trung Quốc, còn có thêm nét mới là sự tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Pakistan.

Trong chuyến thăm Pakistan tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố, Islamabad và Moscow sẽ tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.

Việc Pakistan có thể trực tiếp mua sắm động cơ máy bay của Nga, sẽ là những viên gạch đầu tiên quan trọng, mở ra con đường cho Pakistan tiếp cận những công nghệ hàng đầu thế giới, bởi từ trước đến nay, Islamabad chưa bao giờ xây dựng được quan hệ hợp tác quốc phòng với Moscow.

Trong hồ sơ kỹ thuật của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới có trụ sở ở Moscow (TSAMTO), máy bay tiêm kích hạng nhẹ JF-17 Thunder của Pakistan là phiên bản hợp tác sản xuất, được chế tạo trên cơ sở chiếc FC-1 “Kiêu Long” của Trung Quốc.

Tiêm kích JF-17 Block II cỉa Pakistan thử nghiệm vũ khí tấn công có điều khiển
Tiêm kích JF-17 Block II cỉa Pakistan thử nghiệm vũ khí tấn công có điều khiển

Loại máy bay này do cơ cấu trực thuộc Tổng công ty-Tập đoàn xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc là Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô và Viện thiết kế hàng không Thành Đô nghiên cứu, chế tạo, với sự tham dự của Liên hiệp chế tạo hàng không Pakistan (Pakistan Aeronautical Complex).

Tuy nhiên, loại máy bay này không được sử dụng trong lực lượng không quân Trung Quốc mà nó chỉ được xuất khẩu, nhằm thay thế những tiêm kích hạng nhẹ đời cũ trước đây nước này đã xuất khẩu như F-7, F-8 (phiên bản xuất khẩu của J-7 và J-8).

Hiện FC-1 cũng mới chỉ được chính thức sử dụng trong lực lượng không quân Pakistan với tên gọi là JF-17 Thunder.

Trước đây, Trung Quốc định sử dụng đông cơ phản lực quốc nội WS-13 “Thái Sơn” cho JF-17 nhưng Pakistan không đồng ý nên họ phải mua động cơ RD-93 của Nga lắp đặt cho nó.

Trong giai đoạn thứ nhất, không quân nước này đã nhận được 8 chiếc JF-17 Thunder do Trung Quốc sản xuất để đánh giá công nghệ.

Đến đầu tháng 3/2009, hai bên đã ký kết hiệp định chế tạo thêm 42 chiếc JF-17 Thunder Block I tại Pakistan.

Xuất khẩu động cơ Nga sẽ làm hại xuất khẩu máy bay Nga?

Hiện nay, Pakistan đã nhận được toàn bộ 50 chiếc Block I, dùng để thay thế các máy bay tiêm kích hạng nhẹ đã già cũ, đang được biên chế trong không quân nước này như A-5C (phiên bản xuất khẩu của cường kích Q-5C Trung Quốc), F-7F - phiên bản xuất khẩu của J-7 Trung Quốc (chế tạo trên cơ sở MiG-21), Mirage-3, Mirage-5 của Pháp…

Không quân Pakistan đã tiếp tục đặt hàng thêm 50 chiếc JF-17 Block II, hiện loạt đầu tiên gồm 2 chiếc trong lô máy bay này đã được chế tạo xong vào giữa năm 2014.

Tổng cộng, không quân nước này sẽ mua sắm khoảng 150 chiếc JF-17, thuộc các phiên bản khác nhau.

Các chuyên gia của Nga cho biết, hàng loạt quốc gia Trung Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi đang bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc hợp tác sản xuất hoặc mua sắm JF-17 Thunder, đặc biệt là quốc gia Nam Mỹ Argentina - một đối tác chiến lược của Trung Quốc trong BRICS.

Cứ xuất khẩu nhiều động cơ, máy bay Nga như MiG-29 sẽ càng khó xuất khẩu
Cứ xuất khẩu nhiều động cơ, máy bay Nga như MiG-29 sẽ càng khó xuất khẩu

Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy chế tạo máy bay của Liên hiệp hàng không Pakistan có thể bảo đảm sản lượng 16-25 chiếc/năm.

Trong vài năm nữa, khi đã thỏa mãn nhu cầu sử dụng của không quân nước nhà, Pakistan sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.

Như vậy, ngoài những hợp đồng béo bở gồm hàng nghìn động cơ bán cho Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất động cơ máy bay phản lực của Nga sẽ tiếp tục nhận được những hợp đồng mới.

Tuy nhiên, điều này cũng có tính chất hai mặt của nó.

Nếu JF-17 được ưa chuộng, điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất máy bay của Nga sẽ thêm khó khăn khi dòng máy bay giá rẻ như Su-27, MiG-29 cũng đang bị cạnh tranh thị phần gay gắt từ các nước phương Tây và chiến đấu cơ J-10 xuất khẩu của Trung Quốc.

Hiện trên thế giới có nhiều nước chế tạo được máy bay chiến đấu tiên tiến trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Điển… nhưng không chế tạo được động cơ máy bay phản lực đáng tin cậy nên phải nhập từ nước ngoài, mà chủ yếu là của Nga, Mỹ…

Trong chế tạo máy bay, yếu tố tiên quyết xây dựng lên các tham số tốc độ, sự linh hoạt và thuận tiện điều khiển bay chính là nhờ động cơ.

Việc Nga xuất khẩu động cơ đáng tin cậy cho Trung Quốc và Pakistan cũng đồng nghĩa với việc trao “giấy chứng nhận chất lượng” cho các dòng máy bay “rẻ như cho” của họ.

Ví dụ như 1 chiếc MiG-29 hay Su-27 của Nga hiện có giá vào khoảng 30 - 35 triệu USD, trong khi chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc và JF-17 có giá trên từ 15-25 triệu USD, tùy từng phiên bản.

Việc chúng được gắn thêm động cơ Nga có thể khiến MiG-29 hay Su-27 hết cửa xuất khẩu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại