Vì sao vận tải cơ quân sự hạng trung ít sử dụng động cơ phản lực?

Hải Dương |

Trong phân khúc máy bay vận tải quân sự hạng trung thì cấu hình sử dụng động cơ phản lực có số lượng rất khiêm tốn.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên có thể giải thích như sau:

Chi phí chế tạo: Giá thành động cơ, khung sườn và chi phí bảo dưỡng động cơ máy bay phản lực bao giờ cũng cao hơn nhiều lần máy bay sử dụng động cơ cánh quạt.

Chi phí nhiên liệu: với cùng một lực đẩy, động cơ phản lực nói chung (cả turbofan và turbojet) đều tiêu tốn nhiên liệu hơn nhiều so với động cơ cánh quạt như turboprop hay piston, do đó thời gian hoạt động ngắn hơn.

Hiệu quả vận hành ở độ cao thấp và tốc độ chậm: Máy bay phản lực giống một chiếc xe đua chỉ có một cấp trên hộp số. Ở tốc độ cao và độ cao lớn động cơ phản lực không có đối thủ, nhưng ở độ cao thấp và tốc độ chậm nó lại rất yếu ớt so với động cơ cánh quạt.

Khả năng cất hạ cánh ở sân bay dã chiến: với công suất cao ở tốc độ thấp, các máy bay vận tải cánh quạt có thể cất hạ cánh từ những sân bay dã chiến chưa được chuẩn bị tốt hơn hẳn máy bay sử dụng động cơ phản lực.

Vì vậy thường chỉ có máy bay vận tải quân sự hạng nặng mới sử dụng động cơ phản lực và cấu hình phổ biến là 4 động cơ.

Trong khi đó, máy bay vận tải hạng trung thường dùng 2 động cơ phản lực và chỉ gồm một số loại phổ biến sau đây.

Antonov An-72

Máy bay vận tải Antonov An-72

Antonov An-72 (Tên mã NATO: Coaler) là một máy bay vận tải hạng trung được phát triển tại Liên xô cũ.

Nó được thiết kế như một máy bay vận tải cất hạ cánh đường băng ngắn và được dự định sẽ thay thế loại Antonov An-26, nhưng các biến thể của nó lại thành công với tư cách máy bay vận tải thương mại.

An-72 cất cánh lần đầu ngày 22/12/1977, tính đến nay đã có khoảng 200 chiếc xuất xưởng. Biệt danh của An-72 là Cheburashka (một nhân vật hoạt hình Nga nổi tiếng có đôi tai to) vì cách bố trí động cơ nằm trên cánh.

An-72 có phiên bản chở VIP được định danh An-72S và máy bay tuần tra biển An-72P. Biến thể máy bay chở khách An-74 chính thức ra mắt vào tháng 2/1984.

Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 50 chiếc An-72/74 đang hoạt động trên thế giới.

Biến thể Antonov An-74

Thông số kỹ thuật cơ bản (phiên bản An-72P): Kíp lái 3 người; chiều dài 26,58 m; sải cánh 25,83 m; chiều cao 8,24 m; trọng lượng rỗng 19.050 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 33.000 kg.

An-72 được trang bị 2 động cơ phản lực Lotarev D-36 lực đẩy 63,7 kN mỗi chiếc, cho tối độ tối đa 705 km/h, vận tốc hành trình 600 km/h; tầm bay 4.800 km; trần bay 11.800 m; có thể chở theo 32 - 68 hành khách.

Vũ khí trang bị của An-72P có thể gồm 1 pháo 23 mm; 2 bệ phóng rocket UB-32M hoặc 4 bom 100 kg dưới cánh.

Kawasaki C-1

Máy bay vận tải Kawasaki C-1

Kawasaki C-1 là máy bay vận tải quân sự hạng trung với cấu hình 2 động cơ phản lực được chế tạo cho Lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản nhằm thay thế C-46 Commandos.

C-1 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 12/11/1970, chính thức được giới thiệu tháng 12/1974 và có tổng cộng 31 chiếc đã xuất xưởng với đơn giá 4,8 tỷ Yen/chiếc.

Kawasaki C-1 có một phiên bản máy bay tác chiến điện tử là EC-1, đặc điểm nhận dạng là phần mũi EC-1 được làm bạnh ra khá kỳ dị để chứa các thiết bị trinh sát.

Hiện tại, Lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản đang phát triển chiếc Kawasaki C-2 để thay thế cho toàn bộ phi đội C-1 trong tương lai gần.

Máy bay tác chiến điện tử EC-1

Thông số kỹ thuật cơ bản của C-1: Kíp lái 5 người; chiều dài 29,0 m; sải cánh 30,6 m; chiều cao 9,99 m; trọng lượng rỗng 23.320 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 38.700 kg.

C-1 được trang bị 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney JT8D-M-9 turbofan (Mitsubishi chế tạo theo giấy phép), lực đẩy 64,5 kN mỗi chiếc cho tối độ tối đa 806 km/h, tốc độ hành trình 657 km/h; tầm bay 1.300 km (max tải trọng); trần bay 11.600 m.

C-1 có thể chuyên chở 60 binh sĩ, hoặc 45 lính dù hoặc 36 cáng cứu thương.

Embraer KC-390

Máy bay vận tải Embraer KC-390

Embraer KC-390 - máy bay vận tải quân sự phản lực hạng trung mới nhất thế giới là dự án liên doanh giữa Brazil, Cộng hòa Czech, Bồ Đào Nha, Colombia và Argentina được khởi động từ năm 2007.

Nguyên mẫu đầu tiên của dòng máy bay vận tải quân sự này được giới thiệu năm 2012. Tới tháng 10/2014, Embraer đã công khai chính thức với báo giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, Embraer đã nhận đơn đặt mua 60 chiếc KC-390, trong đó Không quân Brazil đặt hàng 28 chiếc. Dự kiến, lô KC-390 đầu tiên sẽ tới tay khách hàng trong năm 2016.

Thông số kỹ thuật cơ bản: Kíp lái 2 người; chiều dài 33,91 m; sải cánh 35,06 m; chiều cao 10,26 m; trọng lượng cất cánh tối đa 81.000 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực IAE V2500-E5 turbofan có lực đẩy 139,4 kN mỗi chiếc, cho tối độ tối đa 850 km/h; tầm bay 4.815 km (khi mang tải 13.335 kg); trần bay 10.973 m.

KC-390 có khả năng chuyên chở tối đa 23,6 tấn hàng hóa hoặc 80 hành khách hoặc 64 lính dù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại