Xe thiết giáp chở quân Bumerang và Stryker - Ai mạnh hơn?

Quốc Việt |

Xe thiết giáp chở quân Bumerang của Nga vượt trội về hỏa lực còn Stryker của Mỹ có lợi thế về hệ thống thông tin chiến trường.

Trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít vừa qua, quân đội Nga đã chính thức giới thiệu xe thiết giáp chở quân Bumerang (Boomerang) - ứng viên thay thế dòng BTR huyền thoại.

Giới quân sự thế giới đánh giá, Bumerang là một bước đột phá lớn trong việc chế tạo các phương tiện chiến đấu bọc thép ở Nga. Vậy, xe thiết giáp mới của Nga ở đâu khi so với dòng xe Stryker của Mỹ.

Thiết kế

Thiết kế của Bumerang và Stryker có nhiều điểm tương đồng, cả hai dòng đều dùng cấu hình bánh lốp 8x8, đáy xe hình chữ V để giảm thiệt hại khi trúng mìn. Điểm khác biệt là phần thân trên của Bumerang có dạng thẳng đứng còn Stryker hơi vát xiên.

Stryker có 2 tấm giáp che một phần lốp từ phía trước và phía sau còn Bumerang không có, hai dòng xe đều sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa, động cơ bố trí phía trước. Binh lính lên xuống thông qua cửa phía sau đuôi.

Thiết kế của Stryker (ở trên) và Bumerang  (ở dưới) khá giống nhau.

Thiết kế của Stryker (ở trên) và Bumerang (ở dưới) khá giống nhau.

Bumerang được đánh giá đã khắc phục nhược điểm của dòng BTR khi binh lính phải lên xuống qua cửa chật chội và kém an toàn ở bên hông. Xét về góc độ thiết kế, Bumerang là một sản phẩm học theo Stryker.

Hỏa lực

Bumerang sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa lắp pháo 30 mm, tầm bắn tối đa 4 km với cơ số 500 viên đạn, bên cạnh đó là 4 tên lửa chống tăng Kornet-EM có thể tiêu diệt mọi xe tăng từ cự ly 8 - 10 km.

Trong khi đó, APC Stryker sử dụng trạm vũ khí điều khiển từ xa lắp súng máy 12,7 mm hoặc súng phóng lựu 40 mm. Về hỏa lực, Stryker kém xa so với Bumerang nhưng đó không phải hạn chế quá lớn của dòng xe thiết giáp Mỹ.

Nga muốn kết hợp tính năng của xe chiến đấu bộ binh vào xe thiết giáp chở quân nên trang bị cho Bumerang hỏa lực khá mạnh. Mỹ thiết kế Stryker tập trung vào nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ ra chiến trường nên vũ khí chỉ mang tính chất phòng vệ.

Hỏa lực của Stryker(ở trên) kém hơn so với Bumerang (ở dưới) nhưng đó không phải là hạn chế quá lớn.

Hỏa lực của Stryker (ở trên) kém hơn so với Bumerang (ở dưới) nhưng đó không phải hạn chế quá lớn.

Xe thiết giáp Stryker có thể triển khai bằng không vận đến bất cứ nơi đâu trên thế giới chỉ trong vòng 96 giờ, nó hoạt động với vai trò như mũi tiến công thọc sâu và Bumerang của Nga đang cố học theo điều này.

Hệ thống điện tử

Bumerang được lắp đặt một loạt các cảm biến tiên tiến, có nhiệm vụ tìm kiếm và dẫn đường cho tên lửa chống tăng hay chỉ thị mục tiêu cho pháo 30 mm hoặc súng máy 12,7 mm.

Điểm nổi bật của Stryker là hệ thống thông tin chiến thuật chiến trường công nghệ cao, có khả năng kết nối các xe với nhau, giúp xác định vị trí của xe qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Trưởng xe có một bản đồ kỹ thuật số hiển thị đầy đủ vị trí các xe trong đội hình chiến đấu, qua đó nâng cao khả năng phối hợp. Xét về hệ thống liên kết tác chiến, Bumerang mạnh hơn so với Stryker.

Giáp và khả năng cơ động

Stryker được trang bị giáp tổng hợp có khả năng chống đạn 14,5 mm ở vòng cung phía trước và đạn 7,62 mm ở toàn bộ thân xe. Khi chiến đấu ở những khu vực giao tranh ác liệt, xe có thể bổ sung giáp đá đen chống được đạn bắn từ súng phóng lựu chống tăng.

Các thùng nhiên liệu được bố trí bên ngoài có vai trò tương tự như giáp phản ứng nổ. Trong trường hợp trúng đạn, nó sẽ hướng vụ nổ ra ngoài nên không ảnh hưởng đến thân xe. Stryker có khả năng bảo vệ kíp lái và binh lính bên trong trước tác nhân xạ-sinh-hóa (NBC).

Giáp của Bumerang vẫn chưa được công bố, nhưng dựa trên thành tựu từ chương trình xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và xe tăng dự án Armata. Mẫu APC mới của Nga sẽ có giáp khá chắc chắn.

Về khả năng cơ động, Stryker lắp động cơ diesel Caterpillar 3126, công suất 350 mã lực, cho tốc độ tối đa 100 km/h. Bumerang sử dụng động cơ diesel công suất 500 mã lực, tốc độ tối đa 100 km/h. Xét tính cơ động, 2 mẫu APC của Nga và Mỹ tương đương nhau.

Tuy nhiên Stryker lại không có khả năng lội nước, đây là điểm hạn chế lớn nhất của nó so với Bumerang. Đánh giá tổng thể, hỏa lực luôn là ưu thế của các dòng xe thiết giáp Nga trong khi đó khả năng cơ động và triển khai nhanh chóng là lợi thế của dòng Stryker.

Mỗi loại xe thiết giáp đều được thiết kế để đáp ứng học thuyết quân sự khác nhau của mỗi nước. Do đó, chúng sẽ phát huy tối đa lợi thế khi đặt vào chiến thuật và đường lối quân sự cụ thể.

>>> Global Firepower: Sức mạnh quân sự VN tăng 2 bậc so với năm 2014

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại