Vụ Mistral: Đàm phán thất bại, phái đoàn Pháp lập tức bỏ về nước

Vy Lam |

Pháp và Nga đã không thể đạt được bất cứ bước tiến nào trong thương vụ tàu Mistral, khi phái đoàn Pháp tới Moscow tham gia đàm phán hôm thứ Năm vừa qua.

Bế tắc ngay từ khi bắt đầu

RT ngày 29/5 đưa tin, cuộc đàm phán tại Moscow về số phận 2 tàu Mistral đã khép lại mà không thu được kết quả nào, thậm chí bế tắc ngay từ lúc bắt đầu đầu khi phái đoàn Pháp đưa ra đề nghị “hoàn toàn bất khả thi”.

(Hay "hoàn toàn không thể chấp nhận được" như hãng tin Sputnik Nga mô tả).

“Hôm qua (28/5), một phái đoàn chuyên gia Pháp đã tham gia đàm phán về Mistral tại Moscow, tuy nhiên, cuộc đàm phán đã không đi tới đâu” – Một nguồn tin trong ủy ban hợp tác quân sự Nga nói.

Cũng theo nguồn tin này, phái đoàn Pháp đã trở về Paris ngay trong ngày hôm đó.

“Quá trình đàm phán thậm chí còn chưa kịp bắt đầu bởi các điều kiện mà Pháp đưa ra hoàn toàn bất khả thi” – Nguồn tin cho biết, song không đi sâu vào chi tiết mà chỉ tiết lộ rằng các điều kiện (phía Pháp đưa ra) liên quan tới việc “bãi bỏ các tài khoản ngân hàng”.

Phái đoàn Pháp thậm chí không check-in khách sạn đã đặt trước mà về Paris ngay.

Mistral

Nga và Pháp đã không đạt được thỏa thuận nào trong quá trình đàm phán tại Moscow.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Pháp đã đề nghị hủy bỏ hợp đồng tàu Mistral với Nga và đề xuất mức bồi thường 785 triệu euro (865 triệu USD). Song, Paris ra điều kiện rằng Moscow phải đồng ý để họ bán các con tàu này cho bên thứ 3.

Đề nghị của Pháp đã bị Nga bác bỏ, do mức chi phí tổng cộng mà Moscow chi cho hợp đồng 2 tàu Mistral đã lên tới 1.163 tỷ euro (gồm tiền tạm ứng cho Pháp, chi phí huấn luyện thủy thủ và xây dựng bến cảng mới).

“Pháp trở nên kém cỏi, lố bịch khi thương vụ Mistral đổ vỡ”

Caroline Galacteros, giáo sư khoa học chính trị Pháp, cho rằng quyết định hủy bỏ hợp đồng Mistral với Nga không mang lại cho Pháp bất cứ lợi ích nào về chính trị. Thay vào đó, Paris đang rơi vào một tình cảnh “lố bịch”.

Trong bài viết trên tờ Le Point (Pháp), giáo sư Galacteros nhận định, việc Pháp đình chỉ chuyển giao 2 tàu Mistral mà Nga đã đặt cọc tiền vì lý do xung đột Ukraine khiến sự việc trở nên bi hài. Điều này khiến Pháp trông kém cỏi và thậm chí là lố bịch.

Pháp đã “ngây thơ” cho rằng bằng cách từ chối giao 2 tàu Mistral, Pháp có thể khiến Tổng thống Putin phải hối hận vì can thiệp vào Ukraine và có thể gây sức ép cho Nga.

Theo giáo sư Galacteros, thỏa thuận Mistral thất bại không chỉ tác động tiêu cực vào nền kinh tế Pháp mà hơn hết, nó đã để lại ấn tượng rất xấu.

Giờ đây, cả thế giới đều biết rằng Pháp “nói mà không giữ lời”. Điều này có thể sẽ gây tổn hại tới các chính sách an ninh và đối ngoại của Pháp.

“Chúng ta đạt được điều gì trong cuộc chơi bất công này?” – Giáo sư Galacteros đặt câu hỏi. Ngay cả khi không công khai chỉ trích Pháp, Moscow vẫn sẽ coi thường Paris khi đây chỉ là một đất nước kém cỏi và không hơn gì “con rối” của Mỹ.

Nga và Pháp ký hợp đồng đóng 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral vào năm 2011. Theo kế hoạch ban đầu, chiếc tàu đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Moscow trong năm 2014 và chiếc thứ 2 vào năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, Mỹ tuyên bố rằng việc chuyển giao Mistral cho Moscow là không chấp nhận được.

Công ty DCNS, hãng chế tạo các tàu Mistral, từng cam kết rằng các lệnh trừng phạt này sẽ không thể ngăn cản công ty giao những con tàu đã hoàn thiện cho khách hàng. Song, trên thực tế, điều này đã không diễn ra.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đình chỉ chuyển giao các tàu Mistral, sau khi Nga sáp nhập Crimea và xuất hiện những cáo buộc cho rằng Moscow can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Vì điều này, thỏa thuận Mistral trở thành nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự bất hòa giữa Nga và Pháp.

Hiện Paris tiêu tốn tới 5 triệu euro mỗi tháng để duy trì 2 tàu Mistral.

Theo RT, thỏa thuận Mistral thất bại sẽ khiến Pháp thiệt hại tới 5 tỷ euro nếu Moscow yêu cầu Paris phải nộp phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại