Pháp vẫn chế tạo Mistral bất chấp căng thẳng
Trang tin Sputnik ngày 9/3 dẫn nguồn tin từ Công ty đóng tàu DCNS của Pháp cho biết, tàu hỗ trợ đổ bộ trực thăng Mistral mang tên Sevastopol mà hãng này đóng cho Nga tại xưởng đóng tàu St. Nazaire (Pháp) sẽ được thử nghiệm trên biển đầu tiên vào tuần tới nhằm kiểm tra hệ thống định vị.
Nguồn tin cũng khẳng định, đại diện của Nga không tham gia cuộc thử nghiệm quan trọng này.
“Các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển dự kiến tiến hành vào tuần tới, khoảng từ 16 đến 20/3. Thời điểm khởi hành của con tàu tùy thuộc vào điều kiện thời tiết”, đại diện Công ty đóng tàu DCNS của Pháp cho biết.
Tàu hỗ trợ đổ bộ mang trực thăng Mistral Sevastopol thuộc gói hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro do Tập đoàn Rosoboronexport của Nga và công ty DCNS của Pháp ký kết hồi tháng 6/2011 để xây dựng 2 tàu hỗ trợ đổ bộ trực thăng cho Hải quân Nga.
Theo các điều khoản của hợp đồng, việc bàn giao tàu Mistral đầu tiên mang tên Vladivostok tiến hành vào ngày 1/11/2014. Tàu thứ hai mang tên Sevastopol dự kiến bàn giao ngày 1/11/ 2015.
Tuy nhiên, Paris tạm đình chỉ việc chuyển giao Vladivostok cho Nga liên quan tới tình hình Ukraine.
Theo các điều khoản hợp đồng, một khi không thực hiện việc chuyển giao, Pháp có thể sẽ bị phạt 3 tỷ euro do vi phạm hợp đồng.
Tàu hỗ trợ đổ bộ trực thăng Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m, lượng giãn nước toàn tải 22.600 tấn, thủy thủ đoàn 177 người.
Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix.
Tàu Mistral đủ khả năng chuyên chở tới 40 xe tăng và 600 binh sĩ, với phạm vi hoạt động 40.000km, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân Nga.
Vì sao Nga không có mặt?
Nhiều nhà quan sát cho rằng việc Pháp thử nghiệm tàu Mistral thứ hai mà không có đại diện của Nga đã thể hiện sự căng thẳng giữa Nga và EU xung quanh vấn đề khủng hoảng ở Ukraine là chưa thể xóa bỏ, bất chấp việc thỏa thuận Minsk đã được ký kết.
Hành động thử tàu của Nga cho thấy Paris sẽ tiếp tục đóng Mistral theo đúng kế hoạch, nhưng sẽ không còn dưới sự kiểm soát hay giám sát từ phía Nga.
Hay nói cách khác, Paris có khả năng sẽ biến Mistral thành vô chủ, có thể bán cho nước thứ ba, và chấp nhận chịu phạt theo hợp đồng đã ký kết với Nga.
Tất cả chỉ nhằm khẳng định rằng Pháp kiên định lập trường về vấn đề Ukraine, và thỏa thuận Minsk bằng mọi giá phải thực hiện, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh ở Donbass.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện những luồng ý kiến khác cho rằng Paris chỉ đang tìm cách lánh mặt Mỹ và ngấm ngầm chế tạo Mistral để chờ thời cơ bàn giao cho Nga.
Thực tế thì Washington đã kêu gọi các đồng minh của mình cắt đứt quan hệ hợp tác với Moscow, và Paris đã buộc phải hưởng ứng lời kêu gọi đó.
Nhưng nếu không bàn giao Mistral thì Pháp sẽ phải chịu những khoản bồi thường hàng tỉ USD, và Mỹ thì không nhắc đến việc sẽ hỗ trợ đồng minh nộp phạt trong lời kêu gọi của mình.
Ngoài ra, nếu Nga không mua Mistral, sẽ không quốc gia nào chịu bỏ tiền ra mua những con tàu này về bởi đây là thiết kế dành cho người Nga, với công nghệ vũ khí của Nga.
Có thể thấy rằng Pháp chỉ đang một mặt chứng minh rằng người Nga sẽ không can thiệp vào vấn đề tàu Mistral với Mỹ.
Nhưng mặt khác muốn chứng minh cho Nga thấy rằng họ vẫn đang giữ lời hứa và sẽ sớm bàn giao.
Bản thân Tổng thống Francois Hollande đã từng úp mở về việc sẽ bàn giao Mistral vào tháng 3/2015 trong bối cảnh ông vừa ký kết xong thỏa thuận Minsk (12/2) với lãnh đạo Đức, Nga, và Ukraine.