Tạp chí National Interest (Mỹ) đăng tải bài viết của Tom Nichols – Giáo sư các vấn đề an ninh quốc gia tại Đại học Naval War College cho rằng Mỹ không cần lo ngại trước thông tin Nga tái khởi động dây chuyền sản xuất Tu-160.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Vì sao Nga hồi sinh Tu-160?
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây tuyên bố Nga sẽ tái khởi động dây chuyền sản xuất Tu-160 - mẫu máy bay ném bom được chế tạo từ thời Liên Xô, được NATO định danh là Blackjack.
Tu-160 là phương tiện mang vũ khí hạt nhân, về cơ bản nó giống như phiên bản máy bay ném bom B1-B của Liên Xô (B-1B là máy bay ném bom của Mỹ).
Tu-160 có kích cỡ, trọng lượng lớn, thiết kế cánh cụp cánh xòe, có khả năng mang vũ khí hạt nhân thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.
Liên Xô đã chế tạo khoảng 35 chiếc Tu-160 vào thập niên 80, tới nay chỉ còn 15 chiếc trong biên chế Không quân Nga (Một số nguồn nói là 13 chiếc).
Theo Giáo sư Tom Nichols, về cơ bản Tu-160 giống như phiên bản máy bay ném bom B-1B của Liên Xô.
Vậy việc tái sản xuất Tu-160 có ý nghĩa thế nào đối với sự cân băng chiến lược giữa Mỹ và Nga trong năm 2015?
Trên thực tế, nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt quân sự, mà thay vào đó là ý nghĩa chính trị.
Tuyên bố của ông Shoigu chỉ là động thái mới nhất của Nga trong "chuỗi hành động khiêu khích" của nước này.
Vì vậy, Mỹ không cần thiết phải phản ứng lại.
Giả sử người Nga có thể sản xuất nhiều hơn các máy bay Tu-160 thì đây sẽ là mẫu máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân hoàn hảo.
Trong trường hợp có chiến tranh, các máy bay Tu-160 sẽ gập đôi cánh “thiên nga” của mình và lao về phía các mục tiêu với tốc độ tối đa.
Một khi mục tiêu đã nằm trong tầm bắn, Tu-160 sẽ phóng các tên lửa hành trình với khả năng bay thấp và chậm ở giai đoạn cuối để tránh radar đối phương.
Song đây là điều mà hầu như tất cả các máy bay ném bom đều thực hiện trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
(Một lợi thế lớn đối với máy bay ném bom B-2 của Mỹ là nó có thể thâm nhập sâu hơn vào không phận đối phương với ít nguy cơ bị phát hiện hơn).
Trong Chiến tranh Lạnh, khi “bộ ba hạt nhân” trên bộ, trên không và biển giữ vai trò đảm bảo khả năng đối phó trước một cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn, Liên Xô và Mỹ đều đầu tư kết hợp bộ ba tên lửa liên lục địa (ICBM), vũ khí phóng từ biển và máy bay ném bom.
Trong một cuộc tấn công phủ đầu quy mô lớn, ít nhất một vài trong số những vũ khí này sẽ sống sót và tiêu diệt kẻ địch. Vì vậy, không bên nào dám tính đến việc tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.
Theo một tài liệu giải mật của CIA từ năm 1973, Liên Xô có vẻ chưa từng cân nhắc nghiêm túc ý định tấn công phủ đầu trong bất cứ trường hợp nào.
Ngày nay, không ai thực sự lo ngại rằng Mỹ hay Nga sẽ hoặc có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vô hiệu hóa đối phương.
Một cuộc tấn công bất ngờ không khả thi cả về mặt chính trị, lẫn quân sự.
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa 2 hệ thống toàn cầu nhằm triệt tiêu lẫn nhau càng nhanh càng tốt cũng đã kết thúc.
Số lượng vũ khí hạt nhân hiện nay cũng không cho phép thực hiện điều đó.
Năm 1981, Mỹ và Liên Xô đã triển khai tổng cộng gần 50.000 vũ khí để đối phó lẫn nhau.
Các mục tiêu chiến lược, bao gồm các lực lượng hạt nhân của đối phương, có thể lên tới con số hàng nghìn.
Ngày nay, theo hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới, Nga và Mỹ sẽ chỉ triển khai 1.550 đầu đạn mỗi bên.
Thậm chí nếu cả 2 bên định tấn công phủ đầu thì họ cũng không còn đủ vũ khí để làm điều đó.
1.550 là tổng số đầu đạn của mỗi bên, dù chúng được triển khai trên các phương tiện mang là máy bay ném bom, ICBM hay tàu ngầm.
Vậy tại sao Nga lại "thừa hơi" tới mức hồi sinh Tu-160?
Đó là bởi người Nga có cơ sở hạ tầng hạt nhân khổng lồ và một đội quân luôn bị ám ảnh bởi các biểu tượng sức mạnh hạt nhân.
Việc sản xuất ra nhiều món "đồ chơi" hạt nhân sẽ khiến họ vui vẻ hơn:
Tổ hợp công nghiệp – quốc phòng Nga sẽ có thêm công ăn việc làm, cũng như tiền bạc, quân đội Nga có thêm lớp bảo vệ hạt nhân và các nhà lãnh đạo Nga có thể vỗ ngực vì chế ngự được tham vọng độc tài hạt nhân của Tổng thống Obama.
Bên ngoài nước Nga, ít ai biết Tu-160 là gì, ngoại trừ những "fan cuồng" các vấn đề hạt nhân như tôi, thế nhưng người Nga đều biết về Tu-160 và nhiều người rất tự hào về nó.
Mỹ cần làm gì?
Về phần mình, Mỹ không cần làm gì khác, ngoài nhắc nhở Nga 2 điều:
Đầu tiên, cần lưu ý rằng Mỹ có khả năng răn đe hạt nhân toàn diện. Khả năng này không thể bị phá hủy và người Mỹ không bận tâm tới máy bay ném bom của Nga, miễn là chúng không vượt quá giới hạn đầu đạn theo hiệp ước START.
Mỹ không cần tạo ra vũ khí hạt nhân mới hay mang vũ khí hạt nhân trở lại châu Âu.
Nếu người Nga muốn chiến tranh, họ thừa biết rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc trong năm 2015, theo cái cách mà nó từng kết thúc vào năm 1965, khi nước Nga và Bắc Mỹ bị tàn phá nặng nề, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người vô tội.
Quan trọng hơn, Mỹ cần tái khẳng định cam kết với NATO, bởi châu Âu mới thực sự là đối tượng mà những “trò hề hạt nhân” của Nga đang hướng tới.
Hồi sinh Tu-160 là một trong những nỗ lực của Kremlin để “dọa dẫm” các nước châu Âu với cách đe dọa mà Moscow đã “nhai đi nhai lại” từ những năm 1950: “Nếu xảy ra chiến tranh, người Mỹ sẽ sợ hãi chúng tôi tới mức không dám giúp đỡ các người".
Việc Mỹ phớt lờ những lời đe dọa như thế này đã khiến chúng xuất hiện nhiều hơn.
Lực lượng thông thường của Nga được cho là yếu hơn Mỹ.
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer và một số quan chức khác, cách để Mỹ trấn an các đồng minh NATO là đối phó với các lực lượng thông thường của Nga, thay vì các mối đe dọa hạt nhân.
Đó là điều mà Nga lo lắng nhất, bởi họ biết rằng sự cân bằng trong Chiến tranh Lạnh đã bị đảo lộn, bởi giờ đây, Nga là bên có lực lượng thông thường yếu hơn.
Nếu ông Shoigu muốn sản xuất nhiều hơn các máy bay ném bom đẹp đẽ của mình, đó là việc của ông ta.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga không nên nghĩ rằng một cuộc tấn công NATO có thể mang lại điều gì khác ngoài tổn thất cho nước Nga, tới một mức độ mà người Nga sẽ phải nghĩ rằng liệu họ có muốn đối mặt với những rắc rối leo thang đã từng đeo bám NATO.
**Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Tom Nichols.