Vì sao Israel dễ dàng xuyên thủng lưới phòng không Nga-Syria?

Thiên Nam |

Mặc dù sở hữu hệ thống phòng không từ tầm thấp đến tầm cao, từ tầm gần đến tầm xa nhưng Syria không ngăn được các vụ không kích của Israel.

Có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia quân sự lí giải về vấn đề này, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Ở đây, chúng ta chỉ xét đến những nguyên nhân lớn, có ảnh hưởng quyết định.

Nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất là: Điểm yếu chí tử của hệ thống phòng không-không quân của Quân đội Syria là trinh sát trên không, không có máy bay cảnh báo sớm trên không, nên không có khả năng phát hiện sớm các tốp máy bay ngoài phạm vi biên giới, dẫn tới rất bị động trước các cuộc tấn công bằng đường không.

Nguyên nhân thứ 2 là, suốt từ năm 2011 đến nay, Syria luôn lâm vào tình trạng bất ổn, nội chiến liên miên, sự lớn mạnh không ngừng của các phe phái “đối lập ôn hòa”, dưới sự hậu thuẫn của Washington khiến chính quyền Damascus không còn tâm trí đâu để đề phòng Israel.

Thứ 3 là, sau khi cuộc nội chiến bùng phát, chiến sự lan rộng ra tất cả các tỉnh thành.

Sự kiểm soát lãnh thổ của quân chính phủ và lực lượng đối lập theo thế cài răng lược cùng với việc phiến quân không có máy bay chiến đấu đã khiến yêu cầu phòng không trở thành thứ yếu.

Hơn nữa, do lo sợ các hệ thống phòng không lọt vào tay lực lượng khủng bố của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, Syria đã buộc phải thu hồi và cất trữ các tổ hợp phòng không triển khai ở các khu vực có chiến sự. Điều này cũng khiến hệ thống phòng không của họ yếu đi.

Thứ 4 là khả năng tuần tiễu bảo vệ không phận của không quân Syria gần như bằng không. Lực lượng hàng không tiêm kích Không quân Syria có 4 đại đội MiG-25, 4 đại đội MiG-23MLD, 4 đại đội MiG-29A.

Máy bay chiến đấu MiG-21 của không quân Syria
Máy bay chiến đấu MiG-21 của không quân Syria

Sức chiến đấu mạnh nhất là 48 máy bay tiêm kích MiG-29A, những máy bay này đã tiến hành nâng cấp hiện đại hóa vào những năm đầu thế kỷ này. 30 máy bay tiêm kích MiG-25 và 80 (có tài liệu nói là 50) máy bay tiêm kích MiG-23MLD đã cũ kỹ, sức chiến đấu có hạn.

Không quân Syria còn đang tích cực sử dụng hơn 150 máy bay tiêm kích MiG-21, nhưng giá trị chiến đấu của những máy bay này tương đối thấp.

Căn cứ vào tính toán, hiệu quả tác chiến bảo vệ của lực lượng hàng không tiêm kích Syria khoảng 6-8%, tức là dự kiến chỉ có thể tiêu diệt 6-8% vũ khí tấn công đường không của kẻ thù trong điều kiện được huấn luyện đầy đủ. Đây rõ ràng là một hiệu suất quá thấp.

Hơn nữa, hầu hết số máy bay cũ kỹ này được huy động để tấn công các lực lượng vũ trang đối lập và triển khai bảo vệ biên giới phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ, dải bờ biển phía tây để bảo vệ các căn cứ quan trọng khỏi sự uy hiếp của Mỹ-NATO, triển khai trên cao nguyên Golan ở phía nam đề phòng Israel xâm lấn.

Do đó, có thể nhận định rằng, khả năng bảo vệ không phận của Syria quá yếu.

Còn các hệ thống phòng không của Nga được triển khai cũng chỉ nhằm bảo vệ các căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Latakia và phần nào đó là thủ đô Damacus, trước khả năng bị không kích lớn của Mỹ và NATO.

Nguyên nhân khách quan:

Kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria vào tháng 3-2011, máy bay chiến đấu của Israel vẫn thường xuyên không kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, với lý do ngăn cản không để Hezbollah tiếp cận được với nguồn vũ khí từ Iran qua Syria.

Hầu như năm nào Israel cũng tiến hành không kích vào lãnh thổ Syria. Gần đây nhất là vào hồi cuối tháng 10-2015, Không quân Israel đã tiến hành ném bom nhằm vào nhiều địa điểm đóng quân của lực lượng quân đội Syria ở cao nguyên Golan.

Trước đó, Israel cũng đã nhiều lần tập trung đánh vào các đoàn xe chở vũ khí đến biên giới Lebanon cho lực lượng Hezbolah.

Điển hình như vụ tập kích tháng 5-2013, chiến đấu cơ của Israel đã đột nhập vào Syria không kích một đoàn xe chở vũ khí đang di chuyển trên tuyến đường từ Damascus ra biên giới.

Việc phòng không Syria bắn rơi máy bay trinh sát F-4E Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận không nói lên được điều gì.

Máy bay trinh sát cơ bản có đường bay ổn định, tốc độ thấp, trần bay thấp, việc bắn rơi nó không đủ chứng minh thực lực thực sự của hệ thống phòng không Syria,

Có thể nhận định rằng, mặc dù đã chú ý đề phòng nhưng trong thời điểm hiện tại Syria rất khó đối phó với những đòn đánh kiểu này, bởi không quân Israel sử dụng chiến thuật tập kích đường không bí mật, với một nhóm nhỏ máy bay chiến đấu (khác với không kích ồ ạt).

Không riêng gì những vụ không kích Syria mà cơ bản những vụ tập kích đường không trên thế giới đều thành công mỹ mãn. Vậy chiến thuật tác chiến cơ bản của nó như thế nào và phương pháp đối phó ra sao?

Hệ thống phòng không tầm thấp 9K33 Osa do Liên Xô sản xuất trong biên chế quân đội Syria
Hệ thống phòng không tầm thấp 9K33 Osa do Liên Xô sản xuất trong biên chế quân đội Syria

Thực chất, tập kích đường không là một loại hình tác chiến rất khó đối phó, vì nó là sự chủ động tấn công của kẻ địch với kế hoạch xây dựng trước, chuẩn bị đầy đủ các phương án xảy ra, đẩy đối thủ vào thế bị động.

Hoạt động này diễn ra rất bí mật, bất ngờ nên khó phát hiện.

Lịch sử đã minh chứng, hầu hết các cuộc tập kích đường không đều thành công mỹ mãn, ví dụ như những trận không kích kinh điển ở Trân Châu cảng của không quân Nhật, vụ tập kích Bari của không quân Đức và các vụ tập kích trong thời gian gần đây của Israel.

Bên tập kích thường sử dụng phương pháp nghi binh trên đường bay, khi đến mục tiêu thì đánh nhanh, thắng nhanh nên thời gian tác chiến có khi chỉ diễn ra trong vòng một đến vài phút, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì đối tượng bị tập kích không thể trở tay kịp.

Đối phó với chiến thuật này, quan điểm cho rằng phải sở hữu những hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa hiện đại là vô cùng sai lầm.

Để hiểu về điều này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các biện pháp kỹ, chiến thuật của một số vụ tập kích đường không tiêu biểu, đầu tiên là vụ tập kích cảng Bari trong thế chiến thứ 2.

Vụ tập kích cảng Bari của không quân Đức

Thành phố Bari, thuộc khu vực Apulia nằm ven bờ biển Adriatic, là một thành phố cảng quan trọng ở miền nam Italia.

Từ đầu Thế chiến 2, quân Đồng minh đã sử dụng Bari làm căn cứ hậu cần cho tập đoàn quân số 8 do tướng Montgomery chỉ huy đóng quân tại Anh, vì thế công tác quản lý và bảo vệ cảng đều do quân Anh đảm nhiệm.

Tại thời điểm đó, mặc dù quân Đức vẫn còn chiếm đóng miền bắc Italia, bao gồm cả thủ đô Roma nhưng dưới sự tiến công dữ dội của quân đồng minh, chế độ Mussolini đã sụp đổ, chính phủ mới ở miền Nam đã gia nhập phe đồng minh.

Tấn công cảng Bari sẽ làm suy giảm thế tiến công của tập đoàn quân số 8 và kéo dài thời gian chuẩn bị đợt oanh tạc mới của tập đoàn quân không quân 15 của quân đội Mỹ, làm chậm bước tiến của quân Đồng minh ở Italia.

Do đó, cuộc tập kích đường không quy mô lớn vào cảng Bari đã được phê duyệt.

Ngay từ cuối tháng 11-1943, thống chế Wolfram von Richthofen - chỉ huy tập đoàn quân không quân (TĐQ KQ) số 2 của Đức đã nhiều lần cho máy bay thám thính cảng Bari, nắm chắc sơ đồ bố trí lực lượng phòng không và tình hình tàu chiến, tàu dân sự neo đậu tại đây.

Ngày 1-12-1943, quân đội Mỹ quyết định bổ sung bằng đường biển khoảng 200 sĩ quan, 52 công trình sư, vài trăm binh lính và khối lượng rất lớn nhiên liệu, đạn dược máy bay cho tập đoàn quân không quân (TĐQ KQ) số 15 đóng quân tại Foggia, cách Bari 70km.

Vì vậy, số lượng tàu bè và khối lượng hàng hóa đến cảng Bari đã tăng lên đột biến.

Áp lực dưới khối lượng công việc cực lớn vả cả sự chủ quan đã khiến cho quân Anh lơ là công tác bảo vệ cảng, đặc biệt là về phòng không - thời điểm thuận lợi của quân Đức đã đến.

Sơ đồ đường bay nghi binh và tấn công cảng Bari của không quân Đức trong Thế chiến 2
Sơ đồ đường bay nghi binh và tấn công cảng Bari của không quân Đức trong Thế chiến 2

Đầu giờ chiều 2-12-1943, một chiếc máy bay trinh sát Me-120 của không quân Đức đột ngột xuất hiện trên bầu trời thành phố cảng Bari trước sự thờ ơ của lực lượng phòng không Anh đang trấn thủ tại đây. Sau khi lượn 2 vòng, nó tăng độ cao lên 7000m rồi chuyển hướng, mất hút về phía bắc.

Chuyến bay này do trung úy phi công Werner Hahn thực hiện, đảm nhận một sứ mệnh cực kỳ quan trọng do thống chế Albert Kesselring, chỉ huy nhóm tập đoàn quân phía Nam của Đức giao cho là trinh sát và đưa ra kết luận cuối cùng về khả năng thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn vào cảng Bari.

Chập tối 2-12-1943, thống chế Richthofen hạ lệnh cho 105 chiếc máy bay ném bom Ju88A-4 trong tổng số 150 máy bay còn lại của TĐQ KQ số 2 Đức xuất kích từ các sân bay phía bắc Italia.

Để nghi binh, 25 chiếc bay về hướng Nam Tư để đánh lạc hướng là họ định tiến công các mục tiêu ở khu vực Balkans.

80 chiếc còn lại - trên thân và cánh được dát một lớp sợi giấy thiếc mỏng với độ dài khác nhau có tác dụng phá sóng radar rất tốt - cất cánh về hướng Đông, mục đích là để nghi binh tiến hành không kích các mục tiêu ở hướng Bắc.

Sau khi bay xuyên qua biển Adriatic, tốp này mới chuyển hướng bay về phía Nam, đoạn cuối hành trình mới rẽ sang hướng Tây, khi đến gần cảng Bari, các máy bay hạ thấp độ cao sát mặt nước biển, tránh sự phát hiện của radar. 19h30’ ngày 2-12-1943, vụ không kích bắt đầu.

Với kế hoạch trinh sát kỹ lưỡng và chiến thuật ném bom thuần thục, đầu tiên không quân Đức oanh tạc dữ dội nhóm tàu chở nhiên liệu và vũ khí, trang bị làm cho bom đạn và nhiên liệu trên các tàu này nổ tung, bốc cháy dữ dội bén sang các tàu hàng khác.

Trong chớp mắt, cảng Bari bị nhấn chìm trong một biển lửa và những tiếng nổ kinh hoàng.

Rõ ràng, các cuộc tập kích đường không áp dụng nhiều biện pháp chiến thuật hơn là kỹ thuật
Rõ ràng, các cuộc tập kích đường không áp dụng nhiều biện pháp chiến thuật hơn là kỹ thuật

Cuộc không kích diễn ra vẻn vẹn trong vòng 20’, không quân Đức bị thiệt hại rất nhỏ nhưng đã gây ra hậu quả kinh hoàng, không chỉ với lực lượng đồng minh mà còn cả dân thường Italia.

Tổng cộng đã có hơn 2000 binh lính Anh, Mỹ và thường dân Italia bị chết và hàng ngàn người bị thương.

17 tàu chiến của quân đồng minh đã bị đánh chìm, 8 chiếc khác bị hư hỏng nặng. Mỹ bị thiệt hại lớn nhất với 5 tàu bị phá hủy hoàn toàn; Anh bị đắm 4 tàu; Na Uy, Italia, Ba Lan mỗi nước mất 3 tàu; sau đó tàu khu trục Bicester cũng bị thiệt hại nặng khi tham gia cứu hộ.

Cuộc không kích của Đức đã phá hủy hoàn toàn cảng Bari, làm nó phải đóng cửa 3 tuần, dẫn đến một loạt các hệ lụy xấu cho quân đồng minh. Ngoài ra, không quân Đức cũng “tiện tay” phá hủy một căn cứ của TĐQ KQ 15 Mỹ ở gần thành phố Bari.

Với kế hoạch trinh sát cẩn thận, lựa chọn thời điểm phù hợp và nghi binh chu đáo, chiến dịch không kích của quân Đức đã thành công mĩ mãn. Điều này cho thấy, ngay cả những chiến dịch không kích rất lớn nhưng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng có thể thành công.

Điều này cho thấy, đối với những chiến dịch kiểu này, yếu tố chiến thuật đóng vai trò hàng đầu chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật và vũ khí trang bị.

Vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu cũng rất khó đáp trả các vụ tập kích đường không, nếu không có phương án đối phó trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại