Tên lửa Liên Xô khiến Mỹ sụp đổ giấc mơ máy bay ném bom Mach 3

Hải Vy |

North American XB-70 là máy bay ném bom lớn nhất và nhanh nhất mà Mỹ từng phát triển nhưng không bao giờ được đưa vào sản xuất.

Theo nhà phân tích Dave Majumdar của tạp chí National Interest (Mỹ), chỉ có một nguyên mẫu XB-70 duy nhất còn sót lại tại bảo tàng ở Dayton, Ohio.

Mặc dù XB-70 được kỳ vọng sẽ thay thế các máy bay ném bom Boeing B-52 nhưng trên thực tế, những “pháo đài bay” vẫn bền bỉ chiến đấu cho đến ngày nay.

Ý tưởng phát triển XB-70 bắt nguồn từ những năm 1950 khi các nhà thiết kế cho rằng tốc độ và độ cao lớn chưa từng có sẽ giúp máy bay ném bom Mỹ sống sót trước các hệ thống phòng không của Liên Xô.

Vào thời ấy, phương thức phòng thủ hiệu quả duy nhất trước máy bay ném bom là máy bay chiến đấu và pháo phòng không. Sau đó, điều này trở nên khó khăn hơn khi máy bay ném bom dần cải thiện hiệu quả hoạt động.

Cho tới khi xuất hiện các hệ thống tên lửa đất-đối-không (SAM), tình hình bắt đầu thay đổi, ưu thế bắt đầu nghiêng về bên phòng thủ.

Nhận thấy tiến bộ của Liên Xô trong công nghệ tên lửa SAM nhưng Lầu Năm Góc không lường được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cho đến khi máy bay trinh sát U-2 do phi công Francis Gary Powers điều khiển bị bắn hạ trong lúc bay qua Liên Xô vào ngày 1/5/1960.

Dẫu vậy, Mỹ vẫn tiếp tục phát triển dự án XB-70. Đến lúc nhận thấy rằng các hệ thống SAM của Liên Xô đang tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với các máy bay ném bom Mỹ, Lầu Năm Góc mới bắt đầu tìm kiếm phương án thâm nhập ở tầm thấp để thay thế.

Phương án này đòi hỏi máy bay ném bom bay dưới “đường chân trời” của radar và lợi dụng địa hình để giấu mình, từ đó làm giảm thời gian phản ứng của đối phương.


XB-70 đã ra đời không đúng thời điểm.

XB-70 đã ra đời không đúng thời điểm.

Sự phụ thuộc của Mỹ vào máy bay ném bom có người lái còn giảm đáng kể trước tốc độ phát triển của các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nhiều chuyên gia chiến lược quân sự hàng đầu vào thời điểm đó cho rằng máy bay ném bom khó có thể sống sót khi bay vào không phận Liên Xô.

Kết quả là, Tổng thống John F. Kennedy đã quyết định hủy bỏ chương trình chế tạo XB-70 làm máy bay ném bom tiền tuyến vào ngày 28/3/1961.

Có điều, chương trình thử nghiệm XB-70 vẫn được tiếp tục. Nguyên mẫu đầu tiên cất cánh vào ngày 21/9/1964 từ Palmdale tới căn cứ không quân Edwards ở California.

Rất tiếc, XB-70 đã cho thấy kết quả đáng thất vọng. Khi ở tốc độ Mach 2.5, độ ổn định hướng của máy bay rất kém và chỉ có 1 lần nó đạt được tốc độ trên Mach 3.

Nguyên mẫu thứ 2 cất cánh vào ngày 17/7/1965, với một số điều chỉnh trên cánh để máy bay giữ ổn định tốt hơn khi bay ở tốc độ siêu âm.

Máy bay ném bom XB-70 cất cánh

Bi kịch xảy ra vào ngày 8/6/1966, khi nguyên mẫu XB-70 thứ 2 va chạm với máy bay F-104N ngay trên không trung.

Vụ tai nạn kinh hoàng đã khiến chiếc XB-70 bị phá hủy hoàn toàn, 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương nghiêm trọng.

Đây là một bước lùi rất lớn của chương trình khi nguyên mẫu thứ 2 có khả năng lớn hơn nguyên mẫu thứ nhất. Song, chương trình thử nghiệm vẫn được tiếp tục cho tới ngày 4/2/1969.

Theo tổng kết của NASA, nguyên mẫu XB-70 đầu tiên đã thực hiện 83 chuyến bay, với tổng cộng 160 giờ và 16 phút bay, còn nguyên mẫu thứ 2 đã thực hiện 46 chuyến bay, với 92 giờ và 24 phút bay.

Mặc dù mang những công nghệ đỉnh cao nhưng XB-70 đã ra đời không đúng thời điểm. Nó được phát triển khi các tên lửa đạn đạo được cho là sẽ “hất cẳng” các máy bay ném bom có người lái.

Ngoài ra, người Mỹ ngày càng nhận thức được rằng tốc độ và độ cao lớn không đủ để bảo vệ máy bay ném bom trước các hệ thống tên lửa SAM hay các máy bay ném bom thế hệ mới của Liên Xô.

Nhưng quan trọng nhất là cái giá cắt cổ và thiếu linh hoạt của XB-70, nó không thể được điều chỉnh để đảm nhiệm vai trò thâm nhập tầm thấp.

Hiện tại, người Mỹ đang rất kỳ vọng vào chương trình máy bay ném bom tầm xa LRS-B.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại