Vì sao chiến hạm Liên Xô đâm tàu Mỹ trên Biển Đen?

Thiên Nam |

Năm 1988, 2 chiến hạm Xô Viết đã đâm 2 tàu Mỹ trên Biển Đen khiến từ đó về sau tàu chiến Mỹ không dám tiếp cận bờ biển Liên Xô.

Gần đây, Mỹ tăng cường tàu khu trục và tuần dương hạm trang bị hệ thống Aegis đến Biển Đen để tăng cường hợp tác và bảo đảm an ninh cho các nước đồng minh xung quanh vùng biển này, đồng thời mở hàng loạt cuộc tập trận với hải quân Romania, Ukraine, Bulgaria…

Do hạn chế của công ước Montreux 1936, chiến hạm Mỹ chỉ được phép lưu trú trong vùng Biển Đen không quá 21 ngày nên Washington đã lách luật bằng cách hết hạn thì cho tàu ra, rồi lại quay vào khiến Nga nổi giận. Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẽ có động thái đáp trả cứng rắn.

Bộ quốc phòng nước này đã điều động nhiều phương tiện chiến đấu có khả năng đánh biển như tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion P hay máy bay ném bom Tu-22M3, tiêm kích Su-24, Su-30SM…, mang tên lửa hành trình đối hạm đến tăng cường cho Hạm đội Biển Đen.

Tuyên bố của Moscow không phải là dọa xuông. Trong quá khứ hải quân Xô Viết cũng đã có những hành động cứng rắn đối với các chiến hạm do Washington phái đến vùng biển này. Tiêu biểu trong đó là vụ 2 tàu chiến Liên Xô đã từng đâm húc các tàu chiến lớn hơn gấp bội của Mỹ.

Bối cảnh vụ đụng độ trên Biển Đen năm 1988

Vào giai đoạn cuối thời kỳ chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ thường bỏ qua luật pháp quốc tế, xâm nhập vào các vùng lãnh hải của Liên Xô trên Biển Đen. Nhưng, có một lần các tàu chiến Mỹ bị giáng trả mạnh mẽ, bởi các tàu tuần tra của Liên Xô vào năm 1988.


Tuần dương hạm CG-48 USS Yorktown của Mỹ

Tuần dương hạm CG-48 USS Yorktown của Mỹ

Vụ đụng độ diễn ra ngày 12/2/1988. Sau khi đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ và tiến vào vùng Biển Đen, tuần dương hạm CG-48 USS Yorktown và tàu khu trục DD-970 USS Caron của Hải quân Mỹ đã đi thẳng tới bờ biển Liên Xô, ở khu vực ngoài khơi bán đảo Crimea.

2 chiến hạm cỡ lớn của hải quân Mỹ đã xâm nhập sâu vào lãnh hải Liên Xô, cách bờ biển Cimea vẻn vẹn 7 hải lý.

Theo luật pháp quốc tế, hành động này có thể được cho phép nếu các tàu hành trình từ một điểm trong vùng biển quốc tế đến một điểm trong vùng biển quốc tế, thông qua một hành trình ngắn nhất có thể. Nhưng đi qua lãnh hải của một nước thì nó phải được sự cho phép của nước sở tại.

Hải quân Mỹ tuyên bố rằng, tàu chiến của họ thường xuyên đi qua các khu vực như vậy, nhưng Liên Xô tuyên bố, tất cả những hành trình này phải được sự chấp thuận của họ. Trong vùng lãnh hải của mình, Moscow có quyền cho phép hoặc cấm các tàu nước ngoài đi vào.

Thuyền trưởng tàu "Bezzavetnyi” Vladimir Bogdashin hồi tưởng lại, 2 tàu Liên Xô là tàu hộ vệ hạng trung và hạng nhẹ, được lệnh đối đầu và ngăn chặn 2 tàu khu trục và tàu tuần dương Mỹ, thuộc loại tàu chiến thông thường lớn nhất thế giới.

Tàu hộ vệ số hiệu 811 "Bezzavetnyi” (thuộc Project 1135, lớp Burevestnik, NATO gọi là lớp Krivak I) và tàu hộ vệ hạng nhẹ SKR-6 (thuộc lớp Project 35, Mirka I, sau này đổi tên thành FL-824) của Hải quân Liên Xô được lệnh xua đuổi các chiến hạm Mỹ xâm phạm biên giới biển.


Khu trục hạm DD-970 USS Caron của Hải quân Mỹ

Khu trục hạm DD-970 USS Caron của Hải quân Mỹ

Tuần dương hạm USS Yorktown (9200 tấn) có kích thước lớn gấp hai lần và lượng giãn nước lớn gấp ba lần so với tàu hộ vệ “Bezzavetnyy” (3000 tấn), còn SKR-6 (1300 tấn) chỉ có lượng giãn nước bằng 1/6 tàu khu trục USS Caron (7800 tấn).

Thuyền trưởng của 2 chiến hạm Liên Xô ra lệnh chặn đường 2 tàu Mỹ và đưa ra cảnh báo đối phương: "Không được xâm phạm vùng lãnh hải của Liên Xô. Theo mệnh lệnh của chỉ huy, chúng tôi sẽ xua đuổi tàu vi phạm, thậm chí có thể húc vào hoặc va đập".

Nhưng tàu chiến Mỹ bỏ qua 2 lần cảnh báo của tàu chiến Liên Xô và tiếp tục duy trì hướng đi và vận tốc ban đầu. Sau đó, các tàu tuần tra của Liên Xô đã tăng tốc và đến sát gần hai tàu chiến Mỹ.

Thủy thủ của Yorktown và Caron đổ lên boong chế giễu thủy thủ Liên Xô là những tên “Ivan ngu ngốc”.

Va chạm

Vụ đụng độ bắt đầu diễn ra tại khu vực tọa độ 44 độ 15.2 phút vĩ bắc và 33 độ 35.4 phút kinh đông.

Sau khi Bezzavetnyi áp sát Yorktown từ phía sau và bất ngờ ép mạnh vào mạn trái, thì mũi tàu Liên Xô quay bên trái, và đuôi tàu quay sang bên phải. Vụ va chạm là rất nguy hiểm đối với cả hai tàu.

Ông Bogdashin cho biết, Bezzavetnyy có hai bệ pháo hạm bố trí 2 bên mạn tàu, cả hai đều sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, nó còn có bốn ống phóng ngư lôi. Còn tàu Mỹ thì có tám giàn phóng tên lửa "Harpoon". Do vụ va chạm, các ngư lôi và tên lửa đều có thể bị bắt lửa và bốc cháy.

Vụ va chạm khiến Bezzavetnyy và Yorktown quay hai phía đối diện nhau, nhưng tàu Mỹ cơ bản không bị ảnh hưởng gì và không đổi hướng đi. Tàu tuần tra của Liên Xô một lần nữa tiếp cận tàu tuần dương Mỹ ở hướng vuông góc và húc thẳng vào mạn chiếc tuần dương hạm này.

Cú đâm mạnh đến nỗi dường như chỉ trong một tích tắc chiếc tàu nhỏ của Liên Xô đã leo lên boong chiếc tuần dương hạm của Mỹ và với toàn bộ sức mạnh của mình, nó đã làm được điều mà cú đâm lần thứ nhất chưa làm được.

“Bezzavetnyy” đâm thẳng vào chỗ giữa sàn đỗ trực thăng và hệ thống phóng tên lửa, mũi tàu đè nát tất cả mọi thứ ở đó. Hệ quả của cú đâm đã khiến tuần dương hạm USS Yorktown mất giàn phóng tên lửa chống hạm RGM-84 "Harpoon", do bị bắt lửa và bốc cháy.


Tàu hộ vệ Bezzavetnyy đâm vào tuần dương hạm USS Yorktown

Tàu hộ vệ Bezzavetnyy đâm vào tuần dương hạm USS Yorktown

Các máy bay trực thăng trên boong tàu Yorktown bắt đầu nhốn nháo chuẩn bị cất cánh. Tuy nhiên, các thủy thủ Liên Xô đã nhận lệnh từ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen và cảnh báo Mỹ: "Nếu trực thăng cất cánh, thì sẽ bị bắn rơi do vi phạm không phận Liên Xô”.

Trong khi đó, các máy bay của Hạm đội Biển Đen đã đến hiện trường. Bay trên các tàu chiến Mỹ có hai chiếc trực thăng tấn công Mi-24 trang bị đầy đủ vũ khí, các trực thăng Mỹ đã buộc phải ngừng cất cánh, Yorktown đổi hướng đi và rời khỏi lãnh hải Liên Xô.

Đồng thời với hành động của tàu Bezzavetny, chiếc SKR-6 của Liên Xô cũng đã đâm vào tàu khu trục Caron. Nhưng do tàu SKR-6 quá nhỏ nên nó đã không gây ra thiệt hại nào nghiêm trọng cho tàu khu trục Caron, tuy nhiên con tàu này cũng đã phải rút lui.

Sau khi dừng lại ở hải phận quốc tế trên Biển Đen một thời gian ngắn để đánh giá thiệt hại và gửi báo cáo về Bộ Chỉ huy Hải quân ở Washington, các tàu chiến của Mỹ ngay lập tức rời khỏi vùng biển này, ra các căn cứ ở Địa Trung Hải.

Sau vụ đụng độ trên Biển Đen, thuyền trưởng của cả 2 chiến hạm Mỹ đều bị cách chức. Và từ đó đến nay, các tàu chiến của Hải quân Mỹ không còn dám tiếp cận khu vực biển 12 hải lý, thuộc lãnh hải Liên Xô và sau này là Nga.


Tàu hộ vệ hạng nhẹ SKR-6 của Liên Xô (phía sau) đâm vào tàu khu trục Caron

Tàu hộ vệ hạng nhẹ SKR-6 của Liên Xô (phía sau) đâm vào tàu khu trục Caron

Nguyên nhân

Hành động này của phía Liên Xô không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà nó có chủ đích rõ ràng.

Trước đó, cũng khá nhiều lần tàu chiến Mỹ vô tình hay cố ý xâm phạm lãnh hải, khiến tàu chiến của Liên Xô phải ngăn cản, nhưng sự việc lần này diễn ra nghiêm trọng hơn do nguyên nhân khác.

Trước đó 2 năm, cũng 2 chiến hạm Mỹ này đã vào sâu 6 hải lý trong lãnh hải Liên Xô vào ngày 13/3/1986. Không những thế, các radar, kể cả các phương tiện trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện được mở hết công suất. Tuy nhiên, khi đó Liên Xô đã không kịp ngăn cản.

Tình báo Liên Xô cho rằng, Yorktown và Caron không đảm nhận chức năng thông thường của một tàu chiến, mà chúng đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về các lực lượng vũ trang Liên Xô triển khai dọc bờ Biển Đen và trên bán đảo Crimea.


Tàu hộ vệ Bezzavetny khi Liên Xô sụp đổ được giao về cho Ukraine với số hiệu U134 Dnipropetrovsk

Tàu hộ vệ Bezzavetny khi Liên Xô sụp đổ được giao về cho Ukraine với số hiệu U134 Dnipropetrovsk

Đặc biệt, vài tháng trước vụ đụng độ, các tàu chiến Mỹ đã thực hiện một cuộc diễn tập kỳ lạ ngay sát vùng đặc quyền kinh tế của Liên Xô ở vùng biển này. Do đó, tình báo Xô Viết cho rằng, Mỹ đã cài đặt thiết bị thu thập dữ liệu bí mật từ các cáp thông tin liên lạc dưới nước của Liên Xô.

Ngày 12/2/1988, vẫn 2 tàu “Yorktown” và “Caron” đi vào hải phận Liên Xô ở khu vực Crimea. Tình báo Hải quân Liên Xô đã biết trước và đã có kế hoạch đối phó, “đón tiếp” và kèm 2 tàu này từ eo biển Bosphorus.

Các tàu Liên Xô đã thông báo cho các tàu Mỹ là họ sẽ đi kèm “để giúp đỡ nếu có tình huống gì đó xảy ra; các tàu Mỹ trả lời là không cần nhưng phía Liên Xô thông báo lại là: “Các vị là khách, mà theo truyền thống hiếu khách của người Nga thì không thể bỏ mặc khách được”.

Các tàu Liên Xô đã phát hiện ra hệ thống radar và các phương tiện vô tuyến điện tử trên cả hai chiến hạm Mỹ đều đang hoạt động, để thực hiện nhiệm vụ do thám thông tin tình báo của Liên Xô.

Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, đô đốc M. Khronopulo, sau khi được sự cho phép của Tư lệnh Hải quân Liên Xô V.Chernavin, đã ra lệnh điều 2 chiến hạm trên, đợi chúng xâm phạm lãnh hải rồi dùng biện pháp trừng trị 2 tàu Mỹ, không cho phép chúng thu thập thông tin tình báo.


Máy bay Su-24 Nga dọa tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke DDG-75 USS Donald Cook

Máy bay Su-24 Nga dọa tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke DDG-75 USS Donald Cook

Sau sự việc này, Thượng viện Mỹ ra quyết định hoãn lại các chuyến đi do thám của Hạm đội 6 ở vùng Địa Trung Hải và Biển Đen trong vòng nửa năm, tránh để xảy ra các vụ đụng độ như trên.

Lật lại vụ đụng độ trên Biển Đen ngày 12/4/2014, khi máy bay trinh sát Su-24MR của Nga dằn mặt tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke USS Donald Cook của Mỹ cũng vì nguyên nhân tương tự, trong thời điểm đó Mỹ có khá nhiều chiến hạm trên biển Đen, nhưng Nga lại chỉ nhằm vào nó.

Tình báo Nga cho rằng, sau khi Crime sáp nhập vào Nga một tháng trước đó, tàu khu trục Aegis mang số hiệu DDG-75 này được biệt phái ở lại biển Đen với ý đồ phá hoại hoạt động của các anten của Trung tâm vũ trụ của Hạm đội Biển Đen và mạng vệ tinh quân sự do thám ELINT.

Đây là các hệ thống thiết bị tích hợp hiện đại, cho phép Crimea nhận các thông tin theo dõi các tín hiệu bức xạ điện tử từ các radar và các hệ thống dẫn đường về hạm đội, các máy bay trên tàu và tàu tên lửa Mỹ; tiếp nhận thông tin từ radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và hành trình.

Bởi vậy, Nga đã quyết định dùng máy bay trinh sát Su-24MR dằn mặt tàu khu trục USS Donald Cook trên biển Đen, nhằm cảnh cáo rằng, nếu cứ tiếp tục âm mưu phá hoại, nó sẽ bị tiêu diệt bất cứ lúc nào, chứ đây không phải là hàng động “hung hăng, khiêu khích” như Washington tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại