Vì sao Ấn Độ chọn Nga làm đối tác quốc phòng hàng đầu?

Mai Nguyên |

Tổ hợp Hàng không Ilyushin của Nga vừa cho biết, nước này và Ấn Độ đã sẵn sàng bắt đầu phát triển dòng máy bay vận tải quân sự đa năng mới MTA để có thể tiến hành chuyến bay đầu tiên vào năm 2019.

Sự hợp tác này một lần nữa khẳng định vị trí Nga là đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, đặc biệt được thúc đẩy đúng thời điểm Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi từ ngày 6-7 bắt đầu có chuyến công du tới Nga và một số nước Trung Á.

Chuyến thăm Nga được trông đợi sẽ có thêm các thỏa thuận hợp tác quân sự, quốc phòng được ký kết giữa hai nước...

Phối hợp thành lập Đặc khu kinh tế về quốc phòng và không gian

Nga và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận cùng thiết kế và sản xuất dòng máy bay vận tải đa năng MTA mới vào năm 2007.

Máy bay loại này có thể vận chuyển được nhiều loại hàng hóa có trọng tải lên đến 22 tấn hoặc từ 70 đến 150 lính dù cùng đầy đủ trang bị, tới một địa điểm cách xa hơn 1.200 dặm.

Máy bay vận tải quân sự đa năng MTA sẽ được trang bị hai động cơ phản lực Aviadvigatel PD-14, với trọng lượng cất cánh tối đa là 68 tấn và có vận tốc bay tối đa là 870 km/giờ.

Mô hình thiết kế máy bay vận tải quân sự MTA của Nga và Ấn Độ.

Tại một cuộc họp báo mới đây, ông Vladimir Belyakov, người đứng đầu bộ phận kinh tế đối ngoại của Tổ hợp hàng không Ilyushin cho biết:

“Các nhà sản xuất Nga và Ấn Độ đã cho thấy hoàn toàn sẵn sàng để bắt đầu thiết kế loại máy bay này... Sản phẩm cuối cùng sẽ hoàn thành trong khoảng 3 năm rưỡi đến 4 năm sau khi quyết định được đưa ra”.

Ấn Độ từng cho biết, họ sẽ đặt mua 45 chiếc máy bay mới này, trong khi Nga cũng cho biết họ cần 100 chiếc.

Máy bay vận tải MTA được thiết kế để thay thế An-26, An-32 đã lỗi thời của Ấn Độ. Ông Belyakov cho biết, Nga cũng thực sự cần một loại máy bay vận tải quân sự đa năng tầm trung mới vào đầu những năm 2020, khi chu kỳ khai thác của các máy bay vận tải Antonov hết hạn.

Đây có thể là một trong những ví dụ tiêu biểu của mối quan hệ hợp tác Nga - Ấn trong lĩnh vực quốc phòng đang ngày càng được củng cố và phát triển.

Ngoài ra, điển hình cho sự hợp tác này phải kể đến dự án hợp tác phát triển và sản xuất tên lửa BrahMos, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 cũng như việc sản xuất máy bay Su-30 và xe tăng T-90 tại Ấn Độ.

Hiện Nga và Ấn Độ đã gần đạt được thỏa thuận phát triển chung máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, dựa theo mẫu T-50 của Nga và được đánh giá có khả năng ngang với tiêm kích tàng hình F-35 đang được Mỹ phát triển.

Trang điện tử RealClearPolitics cho biết, dự kiến chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nga lần này sẽ là thời điểm hai nước hoàn thành thỏa thuận cuối cùng liên quan tới máy bay tàng hình thế hệ thứ 5.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) mới đây cho biết, quyết định của Chính phủ Ấn Độ tăng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng lên 49% dự kiến sẽ thu hút thêm đầu tư, đặc biệt từ Nga vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, với chính sách nới lỏng FDI trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, Ấn Độ sẽ phối hợp với Nga thành lập một Đặc khu kinh tế về quốc phòng và không gian.

Theo đó, các công ty của Nga và các nhà cung ứng Ấn Độ có thể thiết lập các cơ sở chế tạo và nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa và xuất khẩu.

“Người bạn cũ đáng tin cậy”

Còn nhớ trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm ngoái của Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã khẳng định, quan hệ Nga - Ấn và vị trí “độc nhất vô nhị” của Nga trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là không thay đổi, dù quan hệ quốc tế toàn cầu đang thay đổi.

Ông cũng nhấn mạnh, “Cho dù hiện nay Ấn Độ có nhiều sự lựa chọn hơn, song Nga vẫn là đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ”.

Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng.

Khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Nga - Ấn, Tổng thư ký ASSOCHAM D.S.Rawat nói: “Nga là người bạn cũ đáng tin cậy của Ấn Độ. Ấn Độ sẽ luôn đứng bên cạnh và tăng cường sự hợp tác kinh tế đầy đủ nhất khi Nga cần”.

Không chỉ dựa trên mối quan hệ chính trị tốt đẹp, tin cậy với Nga, việc tăng cường hợp tác quốc phòng theo mô hình hợp tác Nga - Ấn hiện nay cũng nằm trong chính sách của Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu quốc phòng và tăng khả năng độc lập trong lĩnh vực này.

Ấn Độ cũng hy vọng việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nga sẽ giúp nước này thành công với sáng kiến mang tên “Sản xuất tại Ấn Độ” do Thủ tướng Modi khởi xướng nhằm khuyến khích các công ty trong nước và mời gọi công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Ấn Độ.

Tất nhiên, sáng kiến này cũng không loại trừ việc khuyến khích sản xuất vũ khí tại Ấn Độ.

Giới công nghiệp và thương mại Ấn Độ còn hy vọng Thủ tướng Modi sẽ thuyết phục được Nga cùng hợp tác sản xuất nhiều loại vũ khí, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và xe tăng hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở một số dự án đang có hiện nay.

Mô hình hợp tác quốc phòng, quân sự giữa Nga và Ấn Độ từ chỗ dựa trên hình thức “mua-bán”, trong đó Nga là người bán và Ấn Độ là người mua, nay đang được chuyển dần sang thời kỳ hợp tác để cùng nhau sản xuất các trang thiết bị quân sự.

Theo mô hình hợp tác mới này, Nga sẽ tổ chức sản xuất vũ khí ngay tại Ấn Độ và chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ để sản xuất các loại vũ khí này.

Theo thống kê từ năm 2004, hơn 70% số vũ khí của quân đội Ấn Độ tới từ Nga và Nga trở thành nhà cung cấp thiết bị quốc phòng chính của Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ cũng là thị trường vũ khí lớn thứ hai của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại