Trung Quốc nói thật hay máy bay Myanmar tàng hình?

Đà Bắc |

Dù sở hữu mạng lưới radar phát hiện được mục tiêu tàng hình, tuy nhiên Trung Quốc lại 'khiêm tốn' cho rằng, radar của họ vô dụng trước chiến đấu cơ Myanmar.

Trung Quốc khiêm tốn?

Khi những ồn ào trong vụ 'ném bom nhầm' tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) của Không quân Myanmar tạm ‘lắng xuống’ thì truyền thông Trung Quốc đã 'quy trách nhiệm' đối với hệ thống radar cảnh giới đường không của nước này.

Theo tờ Tầm Nhìn ngày 22/3, các nguồn tin từ biên giới Trung Quốc-Myanmar cho biết, ngày 20/3, ở núi Bạng Khổng Tiểu Mễ, thị trấn Mãnh Đôi, huyện Trấn Khang, thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có phát hiện bom do máy bay quân sự Myanmar ném, quả bom này không nổ, còn được quấn dù.

Theo những người tại hiện trường cho biết, khi đó, họ nhìn thấy máy bay chiến đấu Myanmar đã ném 5 quả bom, trong đó 3 quả rơi trong lãnh thổ Myanmar, có 2 quả rơi trong lãnh thổ Trung Quốc.

Quả bom chưa nổ của Myanmar nằm trên lãnh thổ Trung Quốc.

Quả bom chưa nổ của Myanmar nằm trên lãnh thổ Trung Quốc.

Theo nguồn tin, đây đã là lần thứ tư trong tháng 3 máy bay quân sự Myanmar ném bom trong lãnh thổ Trung Quốc, hơn nữa còn xảy ra sau khi Chính phủ và Quân đội Trung Quốc tiến hành cảnh cáo mạnh mẽ.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên của phiến quân Kokang cho rằng, do động thái cứng rắn của Trung Quốc, máy bay quân sự Myanmar đã không dám xuất hiện trên bầu trời Kokang.

Trong khi đó, trong quá trình máy bay quân sự Myanmar ném bom lần này, hoàn toàn không thấy máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không Trung Quốc được phóng lên, theo đó, bài báo đặt nghi vấn - phải chăng phía Trung Quốc không phát hiện ra máy bay quân sự Myanmar vượt biên?

Theo tuyên truyền chính thức Trung Quốc, ngày 8/3, khi Quân đội Myanmar và phiến quân Kokang xảy ra xung đột, có đạn lạc rơi vào lãnh thổ Trung Quốc, làm thiệt hại một ngôi nhà dân, may là không có ai bị thương vong.

Trung Quốc khi đó đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng, yêu cầu Myanmar nhanh chóng điều tra làm rõ tình hình và áp dụng các biện pháp có hiệu quả, ngăn chặn sự kiện tương tự tiếp tục xảy ra.

Đến ngày 12/3, một máy bay quân sự Myanmar đã xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc, ném 2 quả bom, nhưng sau đó bị rơi vỡ, xác máy bay được người dân Trung Quốc phát hiện ở núi Bạc Đao vào khoảng 4h chiều 13/3.

Vào khoảng 16h30 ngày 13/3, Không quân Myanmar lần thứ tư đột nhập và lần thứ ba ném bom trong lãnh thổ Trung Quốc.

Lần này có 3 quả bom rơi ở thị trấn Mạnh Định, huyện Cảnh Mã, thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khiến cho 4 người chết, nhiều người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng đã chết tại bệnh viện.

Quân đội Myanmar diễn tập hoàng tráng sau hành động điều quân của cả 2 bên.
Quân đội Myanmar diễn tập hoành tráng sau hành động điều quân của cả 2 bên.

Trung Quốc ra oai?

Theo truyền thông Trung Quốc, liên tiếp những vụ 'bom rơi đạn lạc' từ phía Myanmar đã làm Trung Quốc nổi giận, tuy nhiên hành động điều quân áp sát biên giới Myanmar ngay sau đó được đánh giá mang tính chất ra oai và hăm dọa của Bắc Kinh.

Dù Bắc Kinh điều động binh lực quy mô lớn áp sát biên giới với Myanmar, lực lượng phiến quân ở Kokang cũng nhận được tin tình báo rằng quân chính phủ Myanmar tăng cường binh lính, dường như đã chuẩn bị phương án để tiến hành không kích quy mô lớn nhưng mạng “Đa chiều” đánh giá động thái này chỉ là một đòn mang tính cảnh cáo đối với Myanmar, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng xuất quân.

Trong số 3 lý do được nêu ra, “Đa chiều” cho rằng khai chiến với Myanmar lúc này là Trung Quốc mắc bẫy của Mỹ.

Tờ báo người Hoa ở nước ngoài này cho rằng Myanmar và Trung Quốc giao tranh là mong muốn của Mỹ.

Washington đã "ủng hộ ra mặt" quân chính phủ Myanmar tấn công phiến quân miền Bắc.

Hôm 9/1 vừa qua, các quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Myitkyina, thủ phủ tỉnh Kachin.

Trong đó, cuộc đối thoại nhân quyền từ 11-15/1, giữa Mỹ và Myanmar ở Naypyidaw có sự tham gia của một số tướng lĩnh quân đội, trong đó có Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khiến dư luận chú ý.

“Đa chiều” cho biết truyền thông Mỹ đã cố tình giảm nhẹ mức độ quan trọng của thông tin này, hãng thông tấn AP chỉ nói ngắn gọn rằng, một số tướng lĩnh của Mỹ sẽ tham gia đối thoại nhân quyền và gặp gỡ các quan chức quân sự cấp cao Myanmar để thảo luận về các hoạt động quân sự và cải cách.

Điều đó chứng minh Washington ủng hộ chiến dịch quân sự tiêu diệt phiến quân miền Bắc của Chính phủ Myanmar.

“Đa chiều” cũng bình luận một cách tự tin rằng, ngày nay quân đội Myanmar căn bản không phải là đối thủ của Trung Quốc và Bắc Kinh "cũng không sợ quốc gia nào", nhưng không phải lúc nào thích là xuất binh khai chiến, đặc biệt khi chiến tranh lại là một cái bẫy giăng sẵn.

Về phản ứng của Trung Quốc, “Đa chiều” đánh giá đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo chính phủ, Bộ Ngoại giao, quân đội Trung Quốc.

Trong khi Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar gặp Phó Tổng thống nước sở tại để phản đối, thì Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc -cũng điện đàm nhắc nhở Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời Thủ tướng Trung Quốc cũng lên tiếng.

Cũng theo mạng tin này, để duy trì ổn định vùng biên giới, mới đây Trung Quốc đã thay thế một Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát Vũ trang Vân Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại