Trung Quốc “nhờn mặt”, tìm cách đuổi Mỹ ra khỏi châu Á - TBD?

Tuần trước, một chiếc P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã bị tiêm kích J-11BH của Trung Quốc mang vũ khí dọa trên không phận quốc tế phía Đông đảo Hải Nam.

J-11BH “lật nghiêng, nhào lộn” cho P-8A xem vũ khí

Tờ Washington Free Beacon ngày 21/8 đưa tin, chiến đấu cơ Trung Quốc đã áp sát máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon của hải quân Mỹ, khi nó đang tuần tiễu trong không phận quốc tế trên biển Hoa Đông. Sau đó, người phát ngôn của hải quân Mỹ đã tuyên bố, một chiếc Su-27 của không quân Trung Quốc đã uy hiếp chiếc P-8A ở không phận quốc tế, phía đông đảo Hải Nam.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeffrey cũng không đưa ra bình luận nào ngay lập tức về vụ việc này và cho biết thông tin chi tiết về hành động "hung hăng và nguy hiểm" này sẽ được đưa ra sau khi có những điều tra cụ thể và phản hồi từ phía Trung Quốc.

Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, chiếc Su-27 Trung Quốc đã áp sát chiếc P-8A của hải quân Mỹ ở khoảng cách hết sức nguy hiểm, chỉ khoảng 15m, có lúc chỉ còn vẻn vẹn 6m. Cự ly này bị coi là cực kỳ nguy hiểm đối với an toàn bay, có thể gây ra những va chạm ngoài ý muốn dẫn đến thảm họa hàng không.

Chiếc Su-27 này còn bay vòng quanh chiếc P-8A, lật nghiêng khoe vũ khí, thậm chí còn thực hiện một cú nhào lộn ngay trên đầu chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm này, động thái được xem như đe dọa đối phương. Tuy nhiên, đội bay trên chiếc P-8A của Mỹ vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Với vụ đe dọa mới nhất này, Trung Quốc đang “nhờn” mặt Mỹ?

Với vụ đe dọa mới nhất này, Trung Quốc đang “nhờn” mặt Mỹ?

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 28/8 cho biết, rất có thể hoạt động thả phao định vị thủy âm trên biển Đông có khả năng là nguyên nhân dẫn tới vụ việc chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận gần máy bay tuần tiễu chống ngầm này, trong vùng biển quốc tế ở phía đông đảo Hải Nam.

South China Morning Post trích dẫn thông tin của các phương tiện truyền thông Đại Lục là máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A của Mỹ đang “đe dọa tàu ngầm Trung Quốc”. Đồng thời, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng “cải chính”, chiếc tiêm kích đe dọa P-8A là loại máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Trung Quốc là J-11BH chứ không phải chiếc Su-27 cũ kỹ.

Báo chí Trung Quốc cho rằng, rất có thể ngoại hình của J-11BH khá giống với Su-27 nên các quan chức hải quân Mỹ đã nhầm lẫn, chứ J-11BH có tính năng “vượt trội” rất nhiều so với Su-27. Được biết, các chuyên gia quân sự trên thế giới đều cho rằng, dòng J-11 của Trung Quốc là phiên bản “nhái” của Su-27 Nga.

Bắt chước Nga, Trung Quốc đang “nhờn” mặt Mỹ

Trong một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, một chuyên gia quân sự giấu tên nhận định, khả năng rất cao là máy bay Mỹ đã thả phao định vị thủy âm. Những thiết bị này được sử dụng với mục đích thu nhận tín hiệu có liên quan đến tàu ngầm như tiếng động của động cơ hoặc chân vịt.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon của Mỹ

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon của Mỹ

Trong trường hợp này, các tàu ngầm Trung Quốc phát hiện mối đe dọa và gọi sự yểm trợ của không quân, - chuyên gia này cho biết. Ông ta cũng xác nhận rằng, đối với quân đội Trung Quốc, hoạt động thả phao thủy âm là sự khiêu khích nghiêm trọng đối với lực lượng tác chiến ngầm nước này.

Bình luận về vấn đề này, Washington gọi hành động của Không quân Trung Quốc là "hung hăng và nguy hiểm". Ngược lại, Bắc Kinh tuyên bố, động thái này chỉ đơn thuần là một phản ứng với "các hoạt động tình báo quy mô lớn, thường xuyên và chi tiết" của các loại máy bay do thám Mỹ.

Vụ J-11BH dọa nạt máy bay P-8A là lần thứ 3 các máy bay trinh sát và tuần tiễu của Mỹ bị đe dọa trong năm nay. Trong tháng 4, một chiếc Su-27 của Nga đã áp sát chiếc RC-135 không quân Mỹ trong phạm vi 30m trên vùng biển Okhotsk, cách bờ biển Viễn Đông của Nga khoảng 100km.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steven Warren cho hay, máy bay trinh sát RC-135 đang thực hiện một sứ mệnh thông thường trên không phận quốc tế, ở phía bắc Nhật Bản, thì bị chiếc Su-27 trên đe dọa. Chiếc Su-27 cũng đã lật mở cánh để cho phi công của chiếc RC-135 nhìn thấy các tên lửa đối không mà máy bay này mang theo, có vẻ là để hù dọa máy bay Mỹ.

Địa điểm xảy ra vụ J-11BH đe dọa P-8A Poseidon

Địa điểm xảy ra vụ J-11BH đe dọa P-8A Poseidon

Vụ việc này chưa dứt lùm xùm thì đã xảy ra vụ việc thứ 2 còn nghiêm trọng hơn.

Ngày 18/7, một chiếc tiêm kích Su-27 khác của Nga cũng đã lùa một chiếc RC-135 khác xâm phạm vào không phận Thụy Điển, trong khi cố gắng chạy thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay tiêm kích Nga. Tuy không được phép nhưng phi công Mỹ đã bỏ qua mệnh lệnh này và bay qua đảo Gotland của Thụy Điển, hiện diện trái phép trong không phận nước này khoảng 14 phút.

Sau các sự việc này, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đều đã trực tiếp bày tỏ sự quan ngại với phía Nga về "sự bất cẩn vô lý" của phía Nga. Một số nhà bình luận ở Mỹ cho rằng sự cố này còn tệ hơn những gì xảy ra thời “Chiến tranh lạnh”.

Trở lại vụ việc chiếc J-11BH dọa dẫm máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A của Mỹ, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết, sự e dè của Mỹ khi không đưa ra một phản ứng cứng rắn với vụ chạm trán máy bay Nga hồi tháng 4 và tháng 7 có thể khiến Trung Quốc thêm mạnh dạn tiến hành hành vi đe dọa máy bay, tàu chiến Mỹ.

Trung Quốc muốn “đuổi” Mỹ ra khỏi châu Á - Thái Bình Dương

Cuộc chạm trán giữa máy bay tiêm kích của không quân Trung Quốc và máy bay trinh sát của hải quân Mỹ cũng là một trở ngại cho Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, khi ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với quân đội Trung Quốc của chính quyền Obama.

Máy bay trinh sát điện tử RC-135 của Mỹ

Máy bay trinh sát điện tử RC-135 của Mỹ

Ông Rich Fisher, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, Mỹ gia tăng các chuyến bay giám sát Trung Quốc là một phần chiến lược đối phó với hành vi hung hăng của Bắc Kinh áp đặt quyền kiểm soát trong các vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, ông Locklear là người phụ trách việc giảm nhẹ nhận thức về mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đáp lại bằng một chiến thuật hung hăng, đe dọa nhằm vào máy bay trinh sát Mỹ như những gì họ đã làm với các máy bay do thám Nhật Bản. Không những thế, ngay cả tuần dương hạm CG-63 USS Cowpens Mỹ cũng bị tàu bổ trợ hậu cần Trung Quốc dọa đâm trong khi đang theo dõi hoạt động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên biển Đông.

Fisher cho biết, mục tiêu của Trung Quốc trong các vụ rượt đuổi, áp sát máy bay Mỹ là làm cho Washington phải sợ lặp lại "sự kiện 1/4", tức vụ máy bay J-8 Trung Quốc áp sát ngăn chặn máy bay EP-3 của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Hải Nam khiến chiếc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp, vào ngày 1/4/2001.

24 thành viên phi hành đoàn bị bắt và được Trung Quốc thả ra 11 ngày sau đó, chiếc EP-3 đã không được trao trả lại, còn 1 trong 2 chiếc tiêm kích đánh chặn J-8 Trung Quốc bị rơi cùng với viên phi công - thiếu tá Vương Vĩ - người có hành động áp sát nguy hiểm, gây ra vụ va chạm bị thiệt mạng.

Tiêm kích thế hệ thứ 4 J-11BH của Trung Quốc

Tiêm kích thế hệ thứ 4 J-11BH của Trung Quốc

Cho tới khi xảy ra vụ chạm trán vừa rồi, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động ngăn chặn máy bay do thám Mỹ một cách “cẩn trọng”, trong khi quân đội Mỹ tìm cách đàm phán với Bắc Kinh về quy tắc hàng hải nhằm ngăn chặn các cuộc chạm trán tương tự, nhưng không nhận được cái gật đầu thiện chí của Trung Quốc.

Trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, ông Fisher nhận định là Bắc Kinh hy vọng sẽ tận dụng được cơ hội Washington đang phải bận tâm bởi nhiều cuộc khủng hoảng ở Syria, Iraq, Ukraine để chiếm đoạt vị trí độc tôn, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Bắc Kinh đang tìm cách để thống trị tuyệt đối.

Ông Fisher kêu gọi "Mỹ cần phải xem xét một phản ứng mạnh mẽ hơn và thể hiện rõ cho Trung Quốc thấy rằng, những hậu quả xảy ra sẽ gặp phải một phản ứng quân sự tập thể". Điều này nhắc nhở người Mỹ phải điều động máy bay chiến đấu hộ tống máy bay giám sát Mỹ và Nhật Bản.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cần phải gấp rút thực hiện chiến lược điều động 60% máy bay chiến đấu ở hải ngoại về châu Á, tăng số lượng máy bay chiến đấu triển khai tại Okinawa và yêu cầu Philippines cho phép các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú tại các căn cứ ở nước này, cũng như tăng cường viện trợ quân sự cho Manila, lập một “tiền đồn” mới trên biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại