Nhật-Mỹ phân tích vụ máy bay Trung Quốc “múa bụng”

Báo chí Nhật nhận định căng thẳng Mỹ-Trung đã bước vào giai đoạn mới và cả hai đều lo xảy ra những va chạm bất ngờ.

Góc nhìn Nhật Bản

Tờ Nikkei của Nhật Bản ngày 26/8 cho biết, phi công Mỹ lái chiếc máy bay trinh sát chống ngầm P-8 của Mỹ đã có lúc lo ngại sẽ xảy ra va chạm khi đang bay ở khu vực trên vùng biển cách bờ Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) 217 km về phía Đông.

Theo viên phi công này, có vài lần máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát chỉ cách chiếc P8 của Mỹ 6 m, sát tới mức "gần như va vào nhau". Máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng cố tình bay xoay vòng, hướng phần bụng được trang bị vũ khí về phía tầm nhìn của phi công Mỹ.

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc dựa trên thiết kế Su-27 của Nga
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc dựa trên thiết kế Su-27 của Nga

Ngay lập tức, thông tin trên được chuyển tới Bộ Quốc phòng Mỹ, song bộ này đã không công bố ngay. Nguyên nhân là do hiện có quy định, theo đó Nhà trắng sẽ xem xét mọi tình huống liên quan đến Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp cận, áp sát các máy bay trinh sát của Mỹ, song thường không áp sát tới cự ly quá gần (6 m).

Vào tháng 11/2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Ngay sau đó, vào tháng 12, Mỹ đã điều chuyển máy bay trinh sát chống ngầm P-8 tới căn cứ quân sự ở Okinawa (Nhật Bản).

Đây là vụ áp sát đầu tiên của chiến đấu cơ Trung Quốc nhằm vào máy bay trinh sát của Mỹ, kể từ khi Washington điều trinh sát cơ giám sát hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển Bắc Kinh ngang ngược hạ đặt dàn khoan Hải Dương-981 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Nhà Trắng đã quyết định thông qua đường ngoại giao để kháng nghị Trung Quốc. Nhà Trắng lo ngại rằng nếu không lên tiếng phản đối, Bắc Kinh sẽ tái diễn những hành vi nguy hiểm tương tự.

Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ
Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ

Tuy nhiên, việc phải mất tới 3 ngày để Mỹ đưa ra phản ứng được báo Nhật lý giải theo những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Nhà Trắng đang bận rộn xử lý những vấn đề liên quan tới việc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq công khai hình ảnh hành quyết một nhà báo Mỹ.

Thứ hai, Nhà Trắng muốn đánh giá thêm về phản ứng của Trung Quốc. Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin cho thấy vụ việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ ở khoảng cách 6 m là do ông Tập Cận Bình chỉ đạo. Điều này có vẻ phù hợp với nhận định ban đầu của chính quyền Mỹ.

Ngay sau khi thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông, ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo quân đội nước này đối phó chặt chẽ với các hành động của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hành động của quân đội Trung Quốc không phải được lập trình sẵn, nhiều hành động được ưu tiên lựa chọn theo quyết định của chỉ huy được đưa ra dựa trên diễn biến ở thực địa.

Theo tờ Nikkei, có vẻ như cả Washington và Bắc Kinh đều đang có chung một mối lo ngại. Đó là xảy ra những "va chạm bất ngờ", nằm ngoài những tính toán của cả hai nước.

Thái độ của Mỹ

Theo giới truyền thông, phía Mỹ cho rằng họ không tin có sự chỉ đạo trực tiếp từ phía lãnh đạo quân đội Trung Quốc mà nghi ngờ vụ Su-27 áp sát chiếc P-8 của Mỹ là hành vi cá nhân của viên phi công người Trung Quốc.

Quân đội Mỹ cho rằng vụ việc máy bay quân đội Trung Quốc “múa bụng, khoe hàng” trước mũi máy bay trinh sát Mỹ lần này là một phần của xu hướng diễn biến ngày càng nghiêm trọng kể từ cuối năm 2013.

Phát ngôn viên Lầu Năm góc Jeffrey Pool cho biết, trước đó, máy bay chiến đấu của Trung Quốc thuộc biên chế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại đảo Hải Nam hồi tháng 3, 4 và 5 cũng đã gây ra một số vụ chặn đầu máy bay Mỹ tương tự như vụ việc vừa qua.

Máy bay Trung Quốc “múa bụng, khoe hàng” trước máy bay Mỹ

Máy bay Trung Quốc “múa bụng, khoe hàng” trước máy bay Mỹ

Đại tá Jeffrey Pool nói: “Phi công thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn đã có hành động khiêu khích, đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng an toàn của phi công chúng tôi (Mỹ), chúng tôi quan ngại sâu sắc trước vụ việc này”.

Tờ Foreign Policy của Mỹ ngày 22/8 dẫn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, một viên sỹ quan chỉ huy liên đội bay của PLA đã nhiều lần quấy nhiễu máy bay quân sự Mỹ tại khu vực Biển Đông. Lần gần đây nhất viên sỹ quan này đã lái một chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc bay lượn và áp sát một máy bay tuần tra của Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ thông thường.

Một viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ so sánh hai chiếc máy bay với hình ảnh “một chiếc xe khách chở học sinh và một chiếc xe đua Ferrari”. Chiếc J-11B của PLA giống như một chiếc xe đua Ferrari lượn vòng quanh máy bay quân sự, to lớn, cồng kềnh của Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cho biết, nhiều phi công lái máy bay tiêm kích của Trung Quốc chưa được huấn luyện nghiêm túc và đây là nguyên nhân gây ra những vụ việc nguy hiểm bất thường như thế này.

Tờ Wall Street Journal ngày 25/8 dẫn nguồn tin nặc danh trong giới chức Mỹ cho biết họ (giới chức Mỹ) còn không thể xác định vì sao những sự việc kiểu này lại xảy ra tại cùng một địa điểm (Biển Đông), do đó có thể phải quy kết nguyên nhân do viên phi công này hay do biên đội phi công chuyên thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn ở Biển Đông gây ra.

Những quan chức Mỹ này cho biết họ không tin rằng (máy bay chiến đấu Trung Quốc), loại máy bay có “tính năng chiến đấu” trực tiếp nhận sự chỉ đạo từ phía lãnh đạo quân đội Trung Quốc.

Giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đang mưu đồ xây dựng mối quan hệ quân sự tốt đẹp với Mỹ, song sự việc xảy ra ở khu vực Biển Đông lại tương đối đặc biệt. Một vị quan chức cao cấp Mỹ nói: “Việc này có điều gì đó không bình thường”.

Tàu USS Cowpens của Mỹ cũng từng bị một tàu Trung Quốc “tạt đầu” hồi năm ngoái tại Biển Đông

Tàu USS Cowpens của Mỹ cũng từng bị một tàu Trung Quốc “tạt đầu” hồi năm ngoái tại Biển Đông

Cũng theo truyền thông Mỹ, hồi tháng 3, 4 và 5/2014, sỹ quan chỉ huy người Trung Quốc nói trên dường như đã từng chỉ thị phi công dưới quyền tiếp cận nguy hiểm máy bay Mỹ, trong khi Lầu Năm Góc đến nay mới công khai đưa tin về sự việc này. Mấy tháng gần đây, các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ít nhất lần thứ hai, chính thức phải có phản ứng ngoại giao đối với hành động quân sự tương tự từ phía Trung Quốc.

Giới chức Mỹ cho biết trong năm 2014 các máy bay chiến đấu của Trung Quốc xuất phát từ căn cứ trên đảo Hải Nam dường như nhiều lần tiến hành hoạt động “ngăn chặn ở cự ly gần” đối với máy bay quân sự Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức này từ chối tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các vụ việc trước đó. Họ cho biết thêm là vào tháng 5/2014, Mỹ đã đưa ra kháng nghị ngoại giao chính thức về vụ việc tương tự. Các quan chức Mỹ này đều giấu tên, bởi vì họ chưa được trao quyền công khai thảo luận về việc này.

Tại khu vực Biển Đông, giữa Mỹ và Trung Quốc không ít lần xảy ra các vụ đối đầu nghiêm trọng. Đáng kể nhất là vào ngày 1/4/2001, khi tiến hành nhiệm vụ thường kỳ trên không phận quốc tế ở Biển Đông, máy bay trinh sát EP-3 của quân đội Mỹ đã va chạm với máy bay chiến đấu Shenyang J-8 (NATO gọi là Finback) do phi công Vương Vĩ thuộc PLA điều khiển. Chiếc EP-3 bị buộc hạ cánh xuống sân bay Lăng Thủy thuộc đảo Hải Nam. Vụ va chạm máy bay quân sự này từng khiến quan hệ Trung – Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng.

Ngoài ra, khi tàu tuần dương Cowpens của Mỹ đi qua Biển Đông hồi tháng 12/2013 đã đối đầu với tàu đổ bộ của PLA, khoảng cách giữa hai tàu chưa đến 50m, song tàu Cowpens đã kịp thời vòng tránh nên không xảy ra va chạm.

Mỹ đã nêu kháng nghị với phía Trung Quốc sau vụ việc này, đồng thời đả kích PLA thiếu kinh nghiệm hàng hải quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc lại phản pháo cho rằng tàu Cowpens của Mỹ đã tiến vào phạm vi hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh của PLA.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại