Theo hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc), máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale mà Ấn Độ vừa đặt mua từ Pháp là phương tiện chiến đấu chủ lực của Hải quân và Không quân Pháp.
Tuy nhiên, loại máy bay này không thu hút được sự quan tâm của các khách hàng nước ngoài cho tới khi nó chứng minh được khả năng của mình trong các cuộc không kích ở Libya, Mali và Iraq.
Hôm 10/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rằng New Delhi muốn mua 36 chiếc Rafale càng sớm càng tốt để củng cố sức mạnh trên không.
Rafale được đưa vào biên chế Hải quân Pháp năm 2004 và Không quân Pháp năm 2006.
Nó có thể đảm nhiệm vai trò phòng không, trinh sát, tác chiến không đối đất và không đối hải, cũng như có thể thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân.
Máy bay chiến đấu Rafale
New Delhi đã đàm phán với Paris từ năm 2012 để mua 126 máy bay chiến đấu Rafale nhưng khúc mắc ở chỗ chính phủ Ấn Độ muốn có 108 chiếc được lắp ráp tại Ấn Độ.
Hiện tại, Ấn Độ đang có nhu cầu cấp bách về máy bay chiến đấu do một nửa đội chiến đấu cơ của nước này sẽ bị loại biên vào năm 2024.
Theo Xinhua, Rafale trở nên nổi tiếng hơn do trong các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Libya năm 2011, Rafale đã chứng minh được khả năng thực hiện nhiệm vụ kéo dài tổng cộng 9 giờ 35 phút chỉ với 1 lần tiếp dầu khi đang bay.
Năm 2013, động cơ kép của Rafale đã chứng minh được rằng chúng có thể chịu đựng được sức nóng của vùng Sahara khi Pháp tấn công các doanh trại của quân nổi dậy ở đông Mali.
Rafale cũng nổi trội trong các nhiệm vụ trinh sát và ném bom chính xác tại Iraq khi nó là một trong những máy bay chiến đấu chủ lực được sử dụng trong các cuộc không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sự thể hiện của Rafale đã giúp nó giành được đơn đặt hàng đầu tiên vào tháng 2 năm nay từ Ai Cập, với số lượng lên tới 24 chiếc.
Xinhua nhận định, thiết kế khí động học, hệ thống điện tử hàng không và động cơ của Rafale đều vượt trội hơn so với chiến đấu cơ J-10 trong biên chế quân đội Trung Quốc.
Điều khiến Rafale nổi trội so với các máy bay chiến đấu khác là khả năng mang ASMP-A, loại tên lửa hành trình có thể được phóng ra như một phát bắn cảnh báo trước một cuộc tấn công hạt nhân.
Theo Xinhua, cả Ấn Độ và Pakistan đều có sức mạnh hạt nhân nhưng phương tiện để triển khai các vũ khí hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập khả năng răn đe đáng tin cậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, phải mất từ 2 – 2,5 năm Ấn Độ mới có thể nhận được chiếc Rafale đầu tiên, do mẫu máy bay này cần được điều chỉnh để phù hợp với quân đội Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Paris và New Delhi vẫn chưa thống nhất về mức giá.