Đã phát hiện 1 trong 2 máy bay Su-22 bị rơi

Thiên Minh |

Theo thông tin mới, lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận đã phát hiện được một trong hai máy bay Su-22 gặp nạn ở độ sâu 50m.

Theo nhận định của Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn gửi báo Tuổi trẻ vào lúc 18h20 thì 2 máy bay có thể rơi rất gần nhau.

Theo ông Tuấn, từ vị trí đuôi chiếc máy bay đầu tiên được phát hiện, lực lượng đặc công nước đang tiếp tục lặn tìm xung quanh và hy vọng có thể sớm tìm được chiếc máy bay thứ hai.

Về khả năng hai máy bay rơi gần nhau, ông Tuấn đánh giá là xác suất khá cao, vì cả hai máy bay bay khá gần nhau trong quá trình luyện tập và gặp sự cố cùng một lúc.

Thiếu tướng Tuấn khẳng định “chắc chắn vào sáng mai (18-4), lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ tiến hành trục vớt đuôi của máy bay Su-22 vừa được phát hiện”.

Về tung tích hai phi công, cho đến 18h20, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tìm thấy bất cứ tín hiệu nào. “Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và hy vọng”, Thiếu tướng Tuấn nói.

Thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ngày 17-4 cho biết:

Trong quá trình tìm hiếm 2 chiếc Su-22, các đơn vị liên quan đã sử dụng 6 máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân, 7 tàu của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng và hơn 200 tàu, thuyền của ngư dân đang hoạt động ở khu vực tham gia tìm kiếm.

Trước đó vào cuối giờ chiều nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện được một trong hai máy bay Su-22 gặp nạn ở độ sâu 50 m.

Ông Lê Văn Hội, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận, cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn phối hợp đã tìm thấy đuôi của một chiếc Su-22 nằm dưới đáy biển tại khu vực được khoanh vùng tìm kiếm.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân cũng xác nhận đã tìm thấy phần đuôi một chiếc Su-22 tại vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận, ở độ sâu 32 m.

Song, lúc này trời đang tối nên lực lượng tìm kiếm cứu nạn đánh dấu tọa độ để ngày mai trục vớt.

Trao đổi với phóng viên Vietnamnet, nhiều người dân của huyện đảo Phú Quý cho biết, ngoài tàu 828 của cha con ông Nguyễn Phùng ở xã Ngũ Phụng thì tại thời điểm máy bay rơi còn có một số ngư dân trên các tàu cá khác nhìn thấy 2 máy bay rơi.

Họ nhìn thấy 2 máy bay sà xuống biển rồi vọt lên và đụng nhau ở phần cánh rồi rơi xuống biển. Họ không thấy máy bay bị nổ và phi công nhảy dù.

Ngoài 3 thùng dầu ngư dân còn vớt được thêm một số vật nổi khác nhưng họ không biết là gì và họ đã giao nộp cho lực lượng biên phòng vào trưa hôm qua (16/4).

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, công việc tìm kiếm đang diễn ra tích cực.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa phát hiện thêm dấu hiệu nào khác ngoài vết dầu loang.

"Nhiều khả năng công tác tìm 2 máy bay Su-22 và phi công gặp nạn phải tạm ngưng vào 18h hôm nay", ông Nhựt cho hay.

14h, theo thông tin của cơ quan chức năng, đã xác định vị trí 2 máy bay rơi sát nhau, phía nam Hòn Trứng (Phú Quý).

Sau khi định vị được vị trí, nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ.

11h30, trao đổi với báo chí, Văn phòng Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Thuận cho biết:

Lúc 11h, Lực lượng Cảnh sát biển cho hay, tàu CSB-2009 tham gia tìm kiếm đã phát hiện vệt dầu loang cách hòn Đá Bé (thuộc huyện đảo Phú Quý) 3 km. Các tàu thuyền đang tập trung tìm kiếm ở khu vực này.

Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đã điều động tàu CSB-2009 và máy bay Casa 212 tham gia tìm kiếm, dưới sự chỉ huy của đoàn công tác Bộ Quốc phòng.

Phát hiện vệt dầu loang cách hòn Đá Bé 3 km

Tàu CSB 2009 tham gia tìm kiếm cứu hộ 2 phi công mất tích trên biển Bình Thuận. Ảnh: Cảnh sát biển.

Các cơ quan chức năng cho hay, lực lượng tìm kiếm đang triển khai quanh khu vực được xác định 2 phi công nhảy dù tại tọa độ 13, 626 kinh độ bắc, 108,505 kinh độ đông.

Ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, huyện đã chuẩn bị các phương án ứng cứu về y tế để phục vụ công tác tìm kiếm.

"Hiện Bệnh viện Quân dân Phú Quý đã chuẩn bị sẵn thuốc, cơ sở hạ tầng, thiết bị và bác sĩ giỏi để đảm bảo công tác cấp cứu", ông Nhựt nói.

Cũng theo ông phó chủ tịch huyện đảo, các bác sĩ và cán bộ bệnh viện, các ngành chức năng của huyện túc trực 24/24 để phục vụ đội tìm kiếm cứu nạn.

Theo báo Tuổi Trẻ, trong sáng 17-4, thiếu tướng Lâm Quang Đại - Phó chính ủy Quân chủng phòng không không quân đã đến thăm và động viên chia sẻ với gia đình đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, lái máy bay SU-22, phi đội phó phi đội 1, trung đoàn 937).

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại gia đình đại úy Tú (Phan Rang - Tháp Chàm), đến giờ này các thành viên trong gia đình đại úy Tú đều khá bình tĩnh và hy vọng lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sẽ sớm cứu được hay phi công này.

Vào 9h30 sáng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận điều thêm tàu BP 11.1901 xuất phát từ cảng Phú Quý (đảo Phú Quý) ra khu vực tiếp tục tìm kiếm Su–22M4 mất tích cùng 2 phi công.

Theo ông Nguyễn Hùng Tân, chánh văn phòng Ủy ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, lực lượng tìm kiếm đã xác định vị trí nghi vấn hai máy bay rơi.

Tàu chở đoàn chuyên gia của của Sư đoàn KQ 370 gồm 20 người tiếp tục ra khu vực tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài tàu này, còn có sự tham gia của 1 tàu thuộc Vùng Cảnh sát biển, 2 tàu của vùng 4 Hải quân và lực lượng Đặc công nước thuộc Đoàn 5 Bộ Tư lệnh Đặc công.

Trên không còn có 1 máy bay thuộc Sư đoàn KQ 370 tham gia phối hợp tìm kiếm.

Lữ Đoàn Đặc công 5 là một trong những đơn vị đặc công nước tinh nhuệ của Binh chủng Đặc công.

Mặc dù điều kiện công tác khắc nghiệt, nhưng nhiều năm qua lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Binh chủng Đặc công tặng danh hiệu đơn vị huấn luyện giỏi 3 năm liền.

Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân - Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn đã trực tiếp chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn hai chiếc máy bay Su-22 bị mất tích trong sáng 17/4.

Cụ thể, thiếu tướng Tuấn đã lên máy bay trực thăng từ sân bay Thành Sơn từ Trung đoàn không quân 937 bay ra vùng biển nơi có 2 máy bay Su-22 gặp nạn.

Trực thăng cứu hộ tại sân bay Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) ngày 16/4. Ảnh: Người lao động.
Trực thăng cứu hộ tại sân bay Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) ngày 16/4. Ảnh: Người lao động.

Ông Nguyễn Hùng Tân, chánh văn phòng Ủy ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, cho biết:

Qua báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, tại hiện trường tìm kiếm 2 chiếc Su-22 đang có 1 tàu của Cảnh sát biển, 2 tàu của Hải quân vùng 4, 1 máy bay quân sự của Sư 370 cùng tàu Biên phòng của tỉnh Bình Thuận đang tổ chức chức phối hợp tìm kiếm.

Vị trí hai máy bay SU 22 mất liên lạc trên vùng biển Ninh Thuận - Đồ họa: NHƯ KHANH

Vị trí hai máy bay SU 22 mất liên lạc trên vùng biển Ninh Thuận - Đồ họa: NHƯ KHANH/Tuổi Trẻ

Hôm qua (16/4), theo thông tin chính thức từ Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng:

Lúc 11 giờ 45 phút ngày 16/4/2015, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng PK-KQ) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.

Hai phi công gặp nạn gồm:

- Phi công Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

- Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

máy bay, Su 22, rơi, Bình Thuận
Tàu biên phòng cập cảng Phú Quý chiều 16/4, thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn 2 máy bay Su-22 rơi. Ảnh: Lê Huân/Vietnamnet

Sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng của Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm.

Tới tối qua (16/4), do điều kiện thời tiết, công tác tìm kiếm cứu nạn đối với hai máy bay Su-22 bị rơi trên vùng biển phải tạm thời dừng lại.

Sáng sớm nay (17/4), công tác tìm kiếm đã được nối lại.

Tiếp tục cập nhật...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại