Vụ Rafale: Nga muốn đánh bật Pháp bằng Su-35 "thế hệ 5"

Quốc Việt - Thiên Minh |

Thỏa thuận phát triển phiên bản "thế hệ 5" của Su-35 giữa Nga-Ấn có thể khiến tiêm kích Rafale vuột mất hợp đồng với New Delhi.

Nga - Ấn phát triển Su-35 "thế hệ 5"

Defence News dẫn nguồn tin trong tổ hợp quân sự Nga cho biết:

Moscow và New Delhi đã thống nhất thực hiện tại Ấn Độ công đoạn thiết kế mẫu tiêm kích mà Nga gọi là phiên bản "thế hệ 5" của Su-35. Đây là thỏa thuận có thể dẫn tới sự ra đời một biến thể của Su-35 ở Ấn Độ.

Thông báo này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên ký hợp đồng sơ bộ cho biến thể S của Su-35.

Trong khuôn khổ triển lãm IDEX-2015 diễn ra tại Abu Dhabi, UAE tháng 2/2015, ông Sergey Chemezov, CEO của tập đoàn Rostec (Nga) cho hay:

“Chúng tôi đang đàm phán và đã ký kết thỏa thuận ý hướng cho chương trình Su-35. Hiện tại, chúng tôi đang thiết kế ý tưởng cho hợp đồng này và tạo ra một nền tảng sản xuất cho các máy bay thế hệ 5”.

Rostec là tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga, chuyên giám sát hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

Ông Chemezov cho biết thêm rằng, chiến đấu cơ mới được phát triển để đáp ứng yêu cầu của Không quân Ấn Độ nhưng không nói rõ New Delhi dự định mua bao nhiêu máy bay.

Nga đang sử dụng Su-35S nhằm chọc ngoáy Pháp tại Ấn Độ để đáp trả việc Paris từ chối giao tàu đổ bộ Mistral.

Nga - Ấn sẽ phát triển phiên bản "thế hệ 5" của Su-35

Nga tuyên bố, Su-35S sẽ là một máy bay chiến đấu thế hệ 5, thay vì thế hệ 4. Điều đó hàm ý rằng, máy bay mới sẽ có tính năng tàng hình, tuy nhiên không rõ nó có được như tiêm kích F-35 của Mỹ hay không.

Trong khi đó, không có nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ có thể xác nhận việc ký thỏa thuận Su-35S với Nga.

Một quan chức Không quân Ấn Độ cho biết, Nga đã tổ chức 1-2 buổi giới thiệu về tiêm kích Su-35S trong 6 tháng vừa qua như một giải pháp thay thế cho MiG-21 và MiG-27 khi chúng dự kiến sẽ "về hưu" trong 7-8 năm tới.

Mối đe dọa với Rafale

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp Nga cho biết, máy bay chiến đấu mới sẽ có giá 85 triệu USD/chiếc.

Điều này giúp nó có thể cạnh tranh với tiêm kích Rafale của Dassault Aviatiion và tác động đến thương vụ mua 126 chiếc Rafale của Ấn Độ.

New Delhi đã chọn Dassault Aviatiion là nhà thầu được ưa thích trong cuộc cạnh tranh kéo dài từ năm 2012 nhưng cho tới nay, họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về thương vụ này.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, đôi bên đã thảo luận về thương vụ Rafale.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar không đưa ra cam kết về thời gian ký kết thỏa thuận với người đồng cấp Le Drian.

Ông Parrikar nói với ông Le Drian rằng, công ty nhà nước Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) đã được yêu cầu hoàn thành dự toán chi phí cho những tiêm kích Rafale mà họ sẽ chế tạo theo giấy phép.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Pháp chưa đưa ra bình luận nào về việc này.

Khi được hỏi về thỏa thuận thiết kế máy bay Su-35S của Ấn Độ, một phát ngôn viên của Dassault Aviation trả lời rằng: Tư lệnh Không quân Ấn Độ từng nói Sukhoi không thể thay thế Rafale.

Một thỏa thuận nếu có về biến thể thế hệ 5 của Su-35 có thể tạo sức ép đáng kể đối với thương vụ Rafale.
Một thỏa thuận nếu có về biến thể thế hệ 5 của Su-35 có thể tạo sức ép đáng kể đối với thương vụ Rafale.

Cụ thể, ngày 19/2, thời báo Kinh tế Ấn Độ đưa tin, Tư lệnh Không quân Ấn Độ Arup Raha đã loại trừ khả năng mua thêm tiêm kích Su-30MKI. Ông cho biết, Su-30MKI và Rafale bổ sung cho nhau nhưng không thể thay thế nhau.

Theo hãng thông tấn AFP, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thăm Paris vào tháng 4/2015, đó có thể là một cơ hội để làm rõ thương vụ Rafale.

Các nhà sản xuất máy bay Nga háo hức tuyên bố rằng, họ sẵn sàng tham gia nếu Ấn Độ từ chối máy bay Pháp.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nga đang muốn làm suy yếu Pháp, như một hình phạt cho việc Paris từ chối chuyển giao 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Moscow, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng ở Ukraine.

Hôm 16/2, Sergei Goreslavsky, Phó giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng: “Nếu Ấn Độ cần thêm tiêm kích Su-30MKI thì chúng tôi sẵn sàng sẵn sàng tiến hành thỏa thuận".

Không quân Ấn Độ đang vận hành một số lượng lớn tiêm kích Su-30MKI, trong đó có một số máy bay được sản xuất tại cơ sở của HAL.

Công ty RSK MiG của Nga cho biết, họ sẽ cung cấp một biến thể nâng cấp của MiG-35 nếu Ấn Độ mở lại gói thầu.

Trong khuôn khổ triển lãm Aero-India diễn ra vào ngày 18/2 vừa qua, ông Sergei Korotkov, giám đốc RSK MIG nói với RIA Novosti:

“Chúng tôi vẫn còn cơ hội để cạnh tranh (hợp đồng). Chúng tôi vẫn hy vọng rằng một cuộc đấu thầu hoặc cạnh tranh trong tương lai sẽ được công bố”.

Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Nga về vũ khí và hai nước đã thực hiện thành công các chương trình liên doanh phát triển vũ khí công nghệ cao, trong đó có chương trình hợp tác sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Các nỗ lực sẽ được thực hiện để hiện đại hóa lực lượng vũ trang Ấn Độ, trong đó tập trung vào các chương trình quốc phòng nội địa. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn cam kết mua các công nghệ tiên tiến”.

Nhà phân tích quốc phòng Nitin Mehta nhận định, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Nga ở phần lớn các hệ thống vũ khí của họ.

“Ấn Độ muốn mua các công nghệ tiên tiến như Rafale, thậm chí ngay cả với chi phí cao. Nhưng sự phụ thuộc vào Nga sẽ vẫn tiếp tục... Sẽ rất khó khăn để tìm kiếm nguồn thay thế những hệ thống tiên tiến này tức thì" - ông Mehta nói.

Nga không cung cấp Su-35 "thế hệ 5" cho Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, các máy bay chiến đấu Su-35S sẽ gia nhập quân đội Nga trong năm nay, như một phần trong kế hoạch mở rộng lực lượng Không quân và nhánh Không quân Hải quân của Nga.

Trung Quốc cũng đang cân nhắc mua Su-35S. Hồi tháng 2 năm nay, kênh truyền hình Zvezda của Nga đưa tin, những cuộc đàm phán kéo dài giữa 2 phía có thể kết thúc bằng một thỏa thuận mua 24 máy bay chiến đấu vào ngày 19/5 tới.

Ông Chemezov cho hay, hợp đồng này, nếu được ký kết, sẽ cung cấp cho Trung Quốc các chiến đấu cơ Su-35 thế hệ 4, không phải mẫu thế hệ 5 của Ấn Độ.

Một khách hàng tiềm năng khác của Su-35 là Ai Cập. Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Abdel Fattah el-Sisi đã ký một thỏa thuận vũ khí được cho là trị giá 3,5 tỷ USD.

Báo chí Ai Cập đưa tin thỏa thuận này bao gồm cả các máy bay chiến đấu Su-35.

Tuy nhiên, ông Chemezov khẳng định: "Chúng tôi chưa ký kết gì với Ai Cập ngoài thỏa thuận ý hướng và đang tiến hành đàm phán. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm ký hợp đồng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại