Con tàu này được đóng tại xưởng đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải.
Khi hoàn tất, chiếc tàu này và chiếc tàu sân bay được đóng ở xưởng tàu thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) sẽ được chuyển giao cho hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Năm 2013, tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đã thông qua gói ngân sách phát triển kỹ thuật cốt lõi trong việc đóng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó như nhiều chuyên gia quân sự dự đoán bao gồm kế hoạch đóng nhiều tàu sân bay.
Báo cáo trên cho biết hai chiếc tàu sân bay mới do Trung Quốc thiết kế này là những chiếc tàu có đầy đủ chức năng, sẵn sàng chiến đấu, chứ không như chiếc Liêu Ninh được cải tạo từ tàu Varyag mua của Ukraine, chỉ được xếp hạng là tàu huấn luyện của PLA từ khi được đưa vào phục vụ vào tháng 9-2012.
Liên quan đến chiếc Liêu Ninh, trang mạng Sina cho biết tàu này đang gặp vài sự cố kỹ thuật khiến hệ thống cung cấp điện trên tàu tê liệt, sau khi các ống nước trong một ca bin nổ khiến hơi nước bốc lên.
Kết quả điều tra ban đầu cho biết rò rỉ trong khoang vi sóng gây ra sự cố trên.
Chiếc tàu đóng ở xưởng Giang Nam sẽ được sử dụng nhiên liệu thường chứ không sử dụng năng lượng hạt nhân.
Giới chuyên gia quân sự nhận định Bắc Kinh chưa cố gắng để đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cho đến khi nước này chưa khắc phục được những nhược điểm động cơ năng lượng hạt nhân, huấn luyện thủy thủ và xây dựng cảng chuyên bảo dưỡng tàu sân bay.
Tạp chí quốc phòng Kanwa ấn bản tiếng Trung Quốc dẫn các nguồn tin trong ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc xác nhận việc thiết kế chiếc tàu đóng ở Thượng Hải vẫn chưa hoàn tất.
Báo cáo của Kanwa trái với những dự đoán trước đây của giới phân tích phương Tây rằng tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ là một chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, giống như chiếc tàu sân bay lớp Ulyanovsk của Liên bang Xô viết cũ.
Lý Kiệt, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho rằng cho đến nay PLA vẫn còn hạn chế về kỹ thuật hạt nhân trong phát triển hạm đội tàu của mình.