Tranh cãi loại động cơ trang bị cho chiếc J-10B nổ tung

Chúc Sơn |

Những lùm xùm quanh chiếc J-10B của Trung Quốc gặp nạn hôm 15/11 chưa có hồi kết, và các bên đổ lỗi cho nhau về loại động cơ chiếc J-10B trang bị.

Tờ Duowei News đã đổ lỗi cho động cơ phản lực của Nga đã khiến chiếc máy bay tiêm kích đa năng J-10B của Không quân Trung Quốc gặp nạn hôm 15/11. "Vụ tai nạn của máy bay chiến đấu J-10B được trang bị động cơ phản lực do Nga chế tạo AL-31FN ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cho thấy Trung Quốc cần thiết đẩy mạnh việc phát triển động cơ nội địa".

Tuy nhiên theo báo Russian Military Messenger (Nga) đưa tin ngay sau vụ tai nạn xảy ra, chiếc J-10B trang bị động cơ WS-10 do Trung Quốc phát triển theo nguyên mẫu của Nga.

Theo đó, J-10B là biến thể nâng cấp từ mẫu J-10 với một loạt công nghệ cải tiến mới như dùng cửa hút không khí kiểu DSI đem lại sự ổn định cao hơn, trang bị hệ thống radar mạng pha chủ động, cảm biến hồng ngoại IRST, tích hợp hệ thống chiến tranh điện tử thế hệ mới và đặc biệt là dùng động cơ nội địa WS-10.

Khi chiếc J-10B gặp nạn tại Tứ Xuyên đang thực hiện các cuộc bay thử nghiệm để chuẩn bị cho việc chuyển giao chính thức cho Không quân Trung Quốc. Việc lắp đạt động cơ WS-10 cho máy bay J-10B đã được Trung Quốc tiến hành từ năm 2011, tuy nhiên theo nguồn tin từ báo Russian Military Messenger, hiện số lượng động cơ WS-10 trang bị cho máy bay J-10, J-10B, J-11B, J-15 đưa về nhà máy bảo trì vượt cả số lượng động cơ sản xuất mới.

Phần lớn số động cơ WS-10 đã được lắp trên những chiến đấu cơ trên cho thấy hiệu suất hoạt động không đáng tin cậy. Việc sử dụng động cơ này có thể gây nguy hiểm cho chính máy bay trong điều kiện không chiến tốc độ cao. Trong khi những chiếc được lắp động cơ AL-31FN của Nga thì không có vấn đề gì.

Hiện nay, Trung Quốc không thể tự thiết kế và sản xuất động cơ hoàn hảo cho các máy bay chiến đấu tiên tiến của nước này. Trong những năm qua, để giải quyết nhược điểm này, Công ty động cơ máy bay Thẩm Dương đã nỗ lực phát triển động cơ phản lực Thái Hành WS-10.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn động cơ Saturn Lyulka AL-31FN từ Nga để cung cấp cho các máy bay chiến đấu nội địa của mình trước khi Thái Hành WS-10 đạt được sự tin cậy cao nhất.

Việc tranh cãi quanh chiếc J-10B gặp nạn vẫn chưa có hồi kết và khi gặp nạn chiếc máy bay này dùng động cơ AL-31FN hay là động cơ Thái Hành WS-10 vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vì WS-10 là bản sao chép động cơ AL-31FN nên quan sát bên ngoài rất khó để phân biệt được động cơ Nga hay Trung Quốc sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại